Chuyện động trời về giấy phép!

Tại cuộc gặp gỡ đầu năm với UBCK tuần trước, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã đề cập đến một câu chuyện khiến nhiều người phải giật mình: đó là chuyện buôn bán giấy phép. Theo Phó thủ tướng thì một số CTCK được cho ra đời quá nhanh và cái sự nhanh này có nguyên nhân do tiêu cực

1. Đầu Xuân, dạo net tìm thông tin về cổ phiếu tự do chợt nhìn thấy những lời rao bán cổ phiếu của Công ty Chứng khoán Thiên Việt với giá gấp 6 đến 7 lần mệnh giá. Thiên Việt – cái tên giống đến 50% tên mình, khiến tôi tò mò tìm hiểu thêm về năng lực hoạt động của công ty này. Với một công ty mới lại hoạt động trong ngành dịch vụ chứng khoán thì năng lực hoạt động nằm chính ở đội ngũ lãnh đạo. Vào website vse.org.vn được biết, ngày 7/2/2007, Giám đốc Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. HCM đã ký Quyết định số 42/QĐTTGDHCM công nhận tư cách thành viên của CTCK Thiên Việt với vị trí Tổng giám đốc là ông Phạm Kinh Luân, một cộng tác quen thuộc của ĐTCK. Trên website ssc.gov.vn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cũng đăng thông tin về việc cấp phép cho CTCK Thiên Việt (giấy phép số 36/UBCK-GPHĐKD cấp ngày 25/12/2006), nhưng chỉ nêu vốn điều lệ là 43 tỷ đồng, hoạt động đủ 5 nghiệp vụ, chứ không nêu danh người đại diện theo pháp luật của Công ty.

Liền sau đó, tôi gọi điện thoại cho ông Luân để chúc mừng sự trùng hợp thú vị trên, nhưng thật bất ngờ, ông Luân phản ứng dữ dội. Ông cho biết, ông không hề có bất kỳ hợp đồng lao động nào với CTCK Thiên Việt và cũng chưa từng chuẩn bị hồ sơ pháp lý theo quy chuẩn của tổng giám đốc một CTCK để gửi đến cơ quan quản lý. “Tôi rất bất bình trước việc bị yết tên mình trong vị trí Tổng giám đốc của CTCK Thiên Việt, vì thực tế tôi chưa từng làm việc cho Công ty này một ngày nào”, ông Luân nói.

Vậy tại sao lại có sự bất thường này?

Theo phản ánh của ông Luân thì ông không có mối liên quan gì đến pháp nhân là CTCK Thiên Việt cả, mà trước đó (tháng 7/2006), ông chỉ có một tờ đơn xin ứng cử vào vị trí Giám đốc điều hành của Công ty cổ phần Chứng khoán Tài chính Việt Nam do ông Lê Huy Hoàng làm Chủ tịch HĐQT, khi đó Công ty này mới đang trong quá trình xin thành lập. Ngay với Công ty cổ phần Chứng khoán Tài chính Việt Nam, ông Luân và người đại diện Công ty cũng chưa từng ký một hợp đồng lao động nào. Sau đó, việc Công ty cổ phần Chứng khoán Tài chính Việt Nam đổi tên thành CTCK Thiên Việt và thay Chủ tịch HĐQT mới là ông Nguyễn Trung Hà, ông Luân hoàn toàn không được biết và vì vậy, về mặt pháp lý, ông Luân không có mối liên quan gì với pháp nhân là CTCK Thiên Việt.

Việc ông Luân đứng tên Tổng giám đốc CTCK Thiên Việt là một câu chuyện hết sức bất thường. Sự bất thường này nằm ở chỗ không rõ vì sao việc xem xét hồ sơ trước khi UBCK chính thức cấp phép cho CTCK Thiên Việt lại diễn ra trót lọt trong khi một trong những yêu cầu bắt buộc của quá trình này là phải có lý lịch tư pháp của người đại diện theo pháp luật cho Công ty? Sự bất thường này còn bất thường hơn khi ông Luân đã từng phản ánh với người có trách nhiệm của UBCK, nhưng mọi chuyện đâu vẫn vào đấy và lời giải thích ông được nghe chỉ là trong hồ sơ của CTCK Thiên Việt có quyết định bổ nhiệm ông Luân làm Tổng giám đốc (nói vui, nếu trong hồ sơ này, CTCK Thiên Việt bổ nhiệm Bill Clinton vào vị trí Tổng giám đốc thì UBCK cũng cứ thế cấp phép ư?). Còn nữa, Thiên Việt sau khi được UBCK cấp phép hoạt động đã được công nhận tư cách thành viên tại TTGDCK TP. HCM và ông Luân - dù đã cố chứng minh mình chưa từng làm việc tại CTCK Thiên Việt một ngày nào, chưa từng có hợp đồng nào với pháp nhân này - vẫn được treo tên với chức danh Tổng giám đốc!

 

2. Cũng trong tuần đầu làm việc của năm Đinh Hợi, Báo ĐTCK đã nhận được đơn thư của tập thể nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam phản ánh về luồng dư luận rằng, tồn tại một đường dây chạy giấy phép thành lập CTCK trong thời gian qua với chi phí hàng trăm triệu đồng/giấy phép. Đường dây này có dịch vụ làm hồ sơ, giao dịch với cán bộ có trách nhiệm của UBCK… và đây là một vấn đề hết sức nguy hiểm nếu là sự thật. Ngay sau khi có giấy phép thành lập (điều kiện thành lập CTCK năm 2006 đơn giản hơn rất nhiều nếu thành lập vào năm 2007 do phải tuân thủ Luật Chứng khoán), cổ phiếu của nhiều CTCK mới đã được chào bán với giá gấp 2-3 lần mệnh giá, thậm chí có lúc lên đến 5-7 lần mệnh giá, mặc dù có công ty chưa hề hoạt động. Cũng theo phản ánh của nhà đầu tư, trong khi các CTCK mới (năm 2006, UBCK cấp phép mới cho 41 CTCK, còn 5 năm trước đó chỉ có 14 công ty được cấp phép) quan tâm nhiều đến việc đẩy giá cổ phiếu lên để chuẩn bị cho quá trình tăng vốn theo Luật Chứng khoán thì nhiều CTCK cũ rơi vào tình trạng quá tải, nảy sinh hiện tượng phân biệt đối xử với nhà đầu tư hoặc tìm cách trục lợi từ những kẽ hở của thị trường (ĐTCK đã có phản ánh trong các số báo trước). Đơn thư của nhà đầu tư bày tỏ mong muốn cơ quan có trách nhiệm sớm làm sáng tỏ luồng dư luận trên, để họ có thể yên tâm đầu tư, giúp TTCK được quản lý bởi một cơ quan thực sự công tâm và minh bạch.

Theo thăm dò ban đầu của ĐTCK thì một số người còn phản ánh rằng, cái giá để có giấy phép thành lập CTCK không chỉ ở tiền triệu và trong số hơn 40 công ty được cấp phép gấp vào cuối năm 2006 có gần 50% là chưa đủ năng lực hoạt động nhưng vẫn được cấp phép. Nhiều công ty được cấp phép trong tình trạng nợ giấy tờ – một khái niệm mới và có lẽ chỉ có tại Việt Nam.

 

3. Tại cuộc gặp gỡ đầu năm với UBCK tuần trước, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã đề cập đến một câu chuyện khiến nhiều người phải giật mình: đó là chuyện buôn bán giấy phép. Theo Phó thủ tướng thì một số CTCK được cho ra đời quá nhanh và cái sự nhanh này có nguyên nhân do tiêu cực. Cũng theo Phó thủ tướng, TTCK là thực thể không thể nắm bắt được (mà như Mark nói thì chứng khoán là tư bản giả, có nghĩa là cứ hư hư, thực thực, không ai dám chắc chắn cả), nên nếu không kiểm soát chặt chẽ các chủ thể tham gia thị trường này, nhất là khối CTCK, thì rất rủi ro. “Có những công ty chưa đủ tư cách cũng được thành lập, có những cá nhân ngồi trong HĐQT tại 2-3 công ty vẫn được cấp phép. Việc cho nhiều CTCK ra đời quá nhanh như vậy không thể loại trừ yếu tố tiêu cực. Nếu đã trót cấp phép rồi thì UBCK phải kiểm tra, kiểm soát lại để có biện pháp mạnh, thậm chí rút giấy phép đối với những CTCK không đủ năng lực hoạt động”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Theo nhìn nhận của Phó thủ tướng thì việc mua, bán trước các sản phẩm tài chính (suất mua cổ phiếu ưu đãi của DN A đang cổ phần hoá; cổ phiếu của CTCK B mới được cấp phép; cổ phiếu của ngân hàng thương mại cổ phần C vừa được chấp thuận thành lập…) là giả hoàn toàn và những đối tượng tham gia cuộc chơi này được coi là tiếp tay cho một hành vi sai phạm. “Công chúng đầu tư có thể không hiểu rõ và lao theo những phi vụ mua, bán cổ phiếu ảo để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn, nhưng việc một số CTCK, công ty quản lý quỹ, ngân hàng hoặc nhân viên của họ liên tục đẩy giá cổ phiếu lên để tạo nên những cơn sốt giá giả tạo có thể coi là hành vi lừa đảo, buôn bán giấy phép, cần phải phát hiện và xử phạt kịp thời”, Phó thủ tướng nói.

Dư luận đang chờ đợi một phán xét nghiêm minh về những hiện tượng bất thường liên quan đến giấy phép và hành vi đẩy giá, buôn bán trước các sản phẩm tài chính (cổ phiếu). Như Phó thủ tướng nói thì muốn làm kinh doanh tốt trước hết phải là con người tốt, tức là không được vì lợi ích cá nhân, lợi ích trước mắt của mình mà làm hại, hay đẩy rủi ro sang các chủ thể khác. Đối với quan chức, sự liêm chính càng cần được coi trọng và gìn giữ hơn.