Ông Lê Quốc Bình.

Ông Lê Quốc Bình.

CII thay đổi chiến lược để phát triển bền vững

(ĐTCK) Năm 2013, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) đã thực hiện thay đổi chiến lược kinh doanh các dự án BOT theo hướng khai thác hết vòng đời dự án, mà không chuyển nhượng dự án để hiện thực hóa lợi nhuận khoản đầu tư ngay. Trong bối cảnh các dự án khả thi đang giảm dần, việc chuyển hướng kinh doanh sẽ giúp Công ty thu lợi nhuận bền vững hơn trong tương lai, nhưng cũng gây thêm sức ép về nhu cầu vốn. Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII cho biết, Công ty đang có kế hoạch phát hành 1.200 tỷ đồng trái phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi.

Trong thời gian vừa qua, hướng dẫn của Bộ Tài chính đã ảnh hưởng khá nhiều đến cách hạch toán lợi nhuận của CII. Xét về mặt dài hạn, điều này có lợi hơn cho cổ đông trong hạch toán thuế, nhưng trong ngắn hạn, mà cụ thể là năm nay, tình hình lợi nhuận của CII thế nào, thưa ông?

Năm 2013, bên cạnh việc điều chỉnh cách hạch toán theo hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với việc ghi nhận doanh thu phát sinh của các dự án đầu tư dưới hình thức BOT, BT… trong thời gian thi công chưa đi vào khai thác và khi dự án hoàn thành đi vào khai thác, dẫn đến điều chỉnh giảm lợi nhuận của Công ty trong thời gian thi công dự án, CII đồng thời thay đổi định hướng chiến lược phát triển theo hướng phát triển bền vững. Theo đó, từ năm 2013, CII sẽ không chuyển nhượng dự án để hiện thực hóa lợi nhuận khoản đầu tư như trước, mà sẽ khai thác toàn bộ dòng đời của dự án.

Do đó, có thể nói, năm 2013 là năm bản lề để CII tái cấu trúc hoạt động đầu tư kinh doanh của mình. Chính vì vậy, lợi nhuận trong năm 2013 có thể sẽ không đạt được như kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, xét về lâu dài, việc điều chỉnh như trên sẽ mang lại nguồn lợi nhuận cao hơn và ổn định hơn cho Công ty.

 

Vậy sang năm 2014, tình hình này có được cải thiện không? Xin ông có thể cho NĐT biết sơ bộ kế hoạch kinh doanh dự kiến năm tới?

Hiện nay, CII đang chuẩn bị trình Hội đồng quản trị thông qua kế hoạch tài chính năm 2014 để trình Đại hội đồng cổ đông. Theo đó, năm 2014, CII sẽ tiếp tục thu hồi khoản đầu tư vào một số dự án đã hoàn thành và đi vào khai thác. Đặc biệt, năm 2014 là năm mà Dự án Cầu Sài Gòn bắt đầu nhận được số tiền hoàn trả từ Thành phố, do đó, thu nhập phát sinh từ vốn chủ sở hữu đã giải ngân cho Dự án trong thời gian thi công sẽ được ghi nhận trong năm 2014.

Theo kế hoạch trình Hội đồng quản trị, năm tới, Công ty dự kiến đạt 870,8 tỷ đồng doanh thu, 215,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Định hướng mới của CII trong các dự án BOT là sẽ vận hành đến hết thời gian của dự án, chứ không bán thu lời như trước. Ông có thể phân tích chi tiết hơn lý do của việc chuyển hướng này?

Hiện nay, danh mục dự án khả thi ngày càng giảm, nhưng sự cạnh tranh thì ngày càng gay gắt. Do đó, việc khai thác hết vòng đời của dự án sẽ giảm bớt áp lực tìm kiếm dự án mới, đồng thời tạo cho CII một nguồn thu nhập ổn định và gia tăng đều đặn mỗi năm.

 

Nhưng với kế hoạch đó, CII sẽ phải thay đổi lại kế hoạch về dòng tiền dự án, với yêu cầu nguồn vốn lớn hơn và dài hạn hơn. Xin ông chia sẻ với NĐT về các dự án đang, sẽ triển khai cũng như nhu cầu và hướng huy động vốn phục vụ các dự án đó?

Trong năm 2013, CII đang nghiên cứu đầu tư một danh mục dự án với tổng vốn đầu tư khoảng gần 13.000 tỷ đồng. Do đó, tùy theo đặc điểm của từng dự án, CII sẽ vay vốn từ các tổ chức tín dụng hoặc phát hành trái phiếu dự án. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu đối ứng để thực hiện dự án và cân đối dòng tiền của CII khi Công ty thực hiện tái cấu trúc lại hoạt động đầu tư như đã trình bày ở trên, CII đang có kế hoạch phát hành 1.200 tỷ đồng trái phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi.

Phương án huy động vốn cụ thể sẽ do Hội đồng quản trị của Công ty phê duyệt trước khi công bố thông tin đến các NĐT.

 

CII thay đổi chiến lược để phát triển bền vững ảnh 1Cầu Sài Gòn 2 do CII làm chủ đầu tư được hợp long ngày 12/9/2013

 

Trong con mắt NĐT nước ngoài, CII là một DN hấp dẫn để đầu tư, có thể thấy rõ trong việc sở hữu nước ngoài luôn ở mức 49%. CII liệu có tính đến phương án phát hành cổ phiếu không quyền biểu quyết để huy động vốn từ NĐT nước ngoài, nếu công cụ này được Chính phủ cho phép?

Đây cũng là một giải pháp để huy động vốn trong trường hợp không còn room nước ngoài. Tuy nhiên, như đã trình bày, hiện CII đang trình Hội đồng quản trị phương án phát hành trái phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi để huy động vốn trong năm 2014.

 

Trong thời gian qua, công ty con của SII là CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn ( Saigon Water) đã thực hiện tái cấu trúc hoạt động theo hướng tập trung hoàn toàn vào ngành nước. Theo ông, đâu là nguyên nhân của sự thay đổi định vị kinh doanh này?

Vừa qua, CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (Saigon Water) đã tái cấu trúc xong hoạt động kinh doanh chính, theo hướng tập trung kinh doanh vào ba mảng là: đầu tư phát triển các dự án về xử lý môi trường nước, dịch vụ kỹ thuật môi trường nước và phát triển dịch vụ vận hành, bảo dưỡng (O&M) trong lĩnh vực môi trường nước

Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp, các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với sự ô nhiễm môi trường và mất cân bằng sinh thái. Do đó, nhu cầu về phát triển hạ tầng nói chung và môi trường nước nói riêng đang và sẽ trở thành nhu cầu cấp bách. Vì vậy, sự phát triển của dịch vụ môi trường nước đang mở ra nhiều cơ hội cho Saigon Water.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển đô thị, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ngày càng cao. Việt Nam chỉ mới đáp ứng được 60 - 62% lượng nước sạch cho người dân và khoảng 7% lượng nước thải được xử lý đúng tiêu chuẩn ra môi trường. Do đó, nhu cầu xử lý nước thải cũng là nhu cầu lớn trong các năm tới.

Với sự quan tâm ngày càng nhiều của Chính phủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế trong việc phát triển và cải thiện môi trường sống (xử lý nước sạch, xử lý nước thải, xử lý rác thải…) sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh hấp dẫn và tiềm năng kinh doanh khả quan cho Saigon Water trong lĩnh vực này.

 

Trong lễ ký kết bán cổ phần cho đối tác chiến lược Manila Water, các bên đều kỳ vọng SaiGon Water sẽ trở thành đơn vị dẫn đầu ngành nước tại Việt Nam . Theo ông, cần bao lâu để công ty này đạt được mục tiêu trên?

Tiềm năng phát triển của thị trường như đã phân tích ở trên cho thấy nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực môi trường rất nhiều nhưng rào cản gia nhập ngành cũng không ít. Ngoài sự quản lý và tham gia trực tiếp của cơ quan Nhà nước trong từng dự án, mối quan hệ với khách hàng, với địa phương và kinh nghiệm năng lực công nghệ thì nguồn vốn đầu tư phải lớn và chấp nhận thời gian hoàn vốn của dự án dài hơn các lĩnh vực đầu tư khác.

Nhận biết được tiềm năng của thị trường và thế mạnh của mình, Saigon Water là đơn vị tiên phong và đột phá trong hoạt động kinh doanh này tại Việt Nam . Saigon Water đã có thể hoạt động chuyên sâu trong ngành môi trường với nhiều giải pháp công nghệ, M&E, khả năng tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình công nghệ trong ngành môi trường. Mặt khác, Saigon Water đã hợp tác với  các nhà sản xuất thiết bị và công nghệ lớn nhất trên thế giới trong lĩnh vực môi trường (đang niêm yết tại NYSE) với các thương hiệu chuyên ngành nổi tiếng: Flygt, Leopold, Sanitaires, Wedeco… để giúp gia tăng năng lực cạnh tranh. Vì vậy, với danh mục dự án thuộc lĩnh vực môi trường và nước mà Saigon Water đã và sẽ đầu tư, CII dự kiến sau khoảng 2 năm, Saigon Water sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực môi trường nước tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực TP. HCM và các tỉnh phía Nam.