Có một nói mấy?

(ĐTCK-online) Không ít người đã từng băn khoăn về chất lượng định giá DN, nhất là xác định giá trị DN cổ phần hóa và định giá khi chào sàn. Bởi thực tế cho thấy, ngoài việc định giá "có một nói một", đã từng xảy ra chuyện định giá kiểu "có mười nói một", "có một thành mười"...

Thông thường, cái gì đúng, cái gì bình thường thì người ta hay quên, còn cái gì ấn tượng, bất kể xấu tốt, thì cũng đáng để ghi nhớ. Chuyện định giá Intimex theo kiểu "có mười nói một", tất nhiên gây thiệt hại cho Nhà nước, cho những người không biết mà mua cổ phần trong lần đầu đấu giá, nhưng cũng khiến nhiều người cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi mua được số cổ phần này... Nhưng Intimex dù được làm đình đám cho ra nhẽ cũng chỉ như hạt muối bỏ bể so với hàng loạt vụ định giá kiểu "bùn đất" như thế. Giám đốc một công ty thời kỳ mới cổ phần hóa trong lúc "trà dư tửu hậu" đã chia sẻ rất chân thật rằng: "Em cứ mua cổ phiếu này đi, bọn anh chỉ cần làm thủ tục niêm yết xong, định giá lại tài sản, thì số tài sản tính toán lúc cổ phần hóa chỉ bằng... chưa đến 10%!".

Một kiểu định giá nữa thường được nhắc tới, đấy là kiểu... hét giá trên trời! Đã có chuyện rằng, một DN khi cổ phần hóa, ban đầu được đơn vị định giá tính khoảng 18.000 đồng/CP, nhưng sau hai lần đơn vị chủ quản "ép" định giá tăng, mức giá đã được đẩy lên gấp mấy lần mức giá trị "thực" ban đầu. Cũng chỉ là để cho... oai!? Ngoài ra là chuyện định giá lợi thế thương mại kiểu theo "hạn mức". Đơn cử, có DN sau khi được đơn vị định giá tính lợi thế thương mại 11 tỷ đồng đã được đơn vị chủ quản giao hạn mức... 50 tỷ đồng, nếu "cãi" sẽ tăng lên... 100 tỷ đồng. Hãi quá, lãnh đạo DN đành ngậm ngùi chấp nhận, dù vốn chủ sở hữu ban đầu chưa đến 100 tỷ đồng và vị trí của DN thuộc "vùng sâu, vùng xa".

Trong mỗi tình huống thiếu sự "chơi đẹp" từ các bên có liên quan thì quyền lợi của ai đó, có thể là chủ sở hữu cũ hoặc những NĐT mới sẽ bị thiệt hại. Nhưng trong tình huống dù này, dù gì cũng có một cái lợi là tạo tâm lý tích cực cho TTCK đi lên. Trường hợp ngược lại, thiệt hại gây ra không chỉ cho những cổ đông "trót dại" mua cổ phiếu với giá cao, mà còn tác động chung đến thị trường. Giả thiết rằng, ngay trong thời điểm khó khăn này, một cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn được niêm yết trên HOSE với giá chào sàn "trên trời" thì kiểu gì sau niêm yết, giá cổ phiếu cũng sẽ điều chỉnh giảm, tác động đến VN-Index và cuối cùng là quay trở lại tác động đến các mã chứng khoán khác.

Giai đoạn cuối quý I, đầu quý II/2008, DN, cơ quan quản lý đã thấy được nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ chính việc TTCK suy giảm, mà một trong những nguyên nhân là có một số cổ phiếu “tầm tầm” được bán cho công chúng với giá cao ngất ngưởng trước đó. Phía cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra thông điệp là không bán cổ phiếu giá cao, vậy nhưng, việc này đến đâu và tại sao lại như vậy đến nay công chúng vẫn chưa được biết. Nhưng nếu được làm rốt ráo, có lẽ NĐT cũng không ham của rẻ, vì biết đâu... NĐT chỉ mong đừng đưa ra những con số quá kỳ vọng để rồi gây họa cho thị trường. Định giá DN, NĐT chỉ xin hai chữ... trung thực.