Quy mô cồng kềnh khiến quá trình định giá nhiều DNNN khá phức tạp.

Quy mô cồng kềnh khiến quá trình định giá nhiều DNNN khá phức tạp.

Cổ phần hóa, các “ông lớn” vẫn chần chừ

(ĐTCK-online) Khởi động quá trình cổ phần hoá (CPH) đã lâu, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đến nay, các "ông lớn" - tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước - mới đang loay hoay xác định giá trị DN. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng quy mô quá công kềnh, phân tán và khó tìm đối tác chiến lược là những lực cản quan trọng trong lộ trình đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các đơn vị này.

Trong số nhiều "ông lớn" đã vào vạch xuất phát, đến nay chỉ có Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) là có phương án cụ thể về thời điểm IPO. Theo ông Đỗ Xuân Trụ, Chủ tịch HĐQT Vinapaco, Tổng công ty đang khẩn trương kết thúc việc xác định giá trị DN để hoàn thành phương án CPH trong tháng 12 tới. Tiếp đó, Vinapaco sẽ tiến hành IPO qua Sở GDCK Hà Nội trong quý I/2010. Sau khi đấu giá thành công, Vinapaco sẽ niêm yết trên TTCK tập trung.

Tiết lộ về dự kiến mức giá khởi điểm đưa ra khi IPO, ông Trụ cho biết, theo dự kiến ban đầu là 11.000 đồng/CP. Tuy nhiên, mức giá này được đưa ra năm ngoái trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nên mức giá này đang được tính toán để nâng lên. Căn cứ để làm việc này là: thời điểm IPO thuận lợi hơn; tình hình sản xuất - kinh doanh của Vinapaco đang thuận lợi; Tổng công ty hoàn toàn chủ động được nguồn nguyên liệu khi sở hữu 16 công ty lâm nghiệp…

Trong khi đó, thời điểm IPO lần đầu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) khó có thể tiến hành trong năm 2010 như dự định, khi ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Vinatex cho biết, dự kiến đến giữa năm 2010, Tập đoàn sẽ xác định xong giá trị DN và đến cuối năm kết thúc quá trình CPH, tiếp đó mới tính đến kế hoạch IPO.

Cũng theo ông Ân, khi chưa có phương án CPH cuối cùng, thì chưa thể xác định sau CPH, Nhà nước sở hữu bao nhiều phần trăm cổ phần, các nhà đầu tư bên ngoài nắm bao nhiêu. Dự kiến, khi tiến hành IPO, Vinatex chỉ bán số cổ phần phát hành thêm cho công chúng, chứ chưa có kế hoạch bán phần vốn của Tập đoàn.

Kế hoạch CPH của một "ông lớn" khác đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư là MobiFone. Sau 2 lần lỗi hẹn, đến nay vẫn chưa có thêm tín hiệu nào cho thấy quá trình CPH của DN này được "làm nóng" trở lại… Bởi vậy, chưa rõ bao giờ "đại gia" viễn thông này mới tiến hành CPH, chứ chưa "mơ" gì đến kế hoạch IPO.

Điều đáng nói là trong số khoảng 700 DN thuộc diện phải tiến hành CPH từ nay đến năm 2010 như kế hoạch, có nhiều tổng công ty, tập đoàn thuộc diện CPH, nhưng đến nay vẫn đang ì ạch xây dựng phương án. Khi xây dựng phương án CPH, các tổng công ty, tập đoàn đều đặt ra mục tiêu tìm kiếm cổ đông chiến lược, để nâng cao năng lực cạnh tranh khi chuyển sang hoạt động theo mô hình mới. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các DN, việc này không đơn giản.

Ông Trụ cho biết, trong quá trình xây dựng phương án CPH, Vinapaco luôn tìm kiếm cổ đông chiến lược, nhưng gặp không ít khó khăn do vướng các quy định pháp lý. Tuy nhiên, do xác định đây không phải là việc làm được trong một sớm một chiều, nên Tổng công ty vừa xúc tiến việc tìm kiếm cổ đông chiến lược, vừa hy vọng các vướng mắc về chính sách sẽ sớm được tháo gỡ để giúp DN tìm được cổ đông chiến lược. "Vinapaco đang xúc tiến nhiều hình thức hợp tác với Tổng công ty Giấy Cửu Long của Trung Quốc. Qua tìm hiểu, DN này có nhiều thế mạnh mà Vinapaco có thể khai thác hiệu quả, nên đang tìm hiểu thêm thông tin trước khi có quyết định chọn làm cổ đông chiến lược hay không", ông Trụ nói.

Việc tìm cổ đông chiến lược ở Vinatex cũng đang "vã mồ hôi" do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do tương tự như Vinapaco. Do vậy, ông Ân cho biết, đến thời điểm này, Tập đoàn vẫn đang trong quá trình tìm kiếm cổ đông chiến lược, chứ chưa "chấm" một đối tác cụ thể nào. Hy vọng, các vướng mắc về pháp lý sẽ sớm được giải quyết để các DN tìm cổ đông chiến lược dễ dàng hơn…

Tổng giám đốc một CTCK đặt vấn đề, thực tế tiến hành CPH các DNNN vừa qua cho thấy, mục tiêu về tiến độ luôn bị thách thức, vì nhiều lý do, trong đó có diễn biến thất thường của TTCK. Thậm chí, đã có ý kiến đề xuất, thay vì quá quan tâm đến tiến độ, cần lấy hiệu quả CPH làm trọng. Thế nhưng, nếu quá cầu toàn theo phương án này thì không biết đến bao giờ mới hoàn tất kế hoạch CPH các DNNN. Hơn nữa, nếu chỉ hướng đến mục đích CPH mang lại nhiều giá trị trước mắt, mà làm chậm tiến độ CPH các DNNN, thì có khi về lâu dài Nhà nước còn chịu thiệt hơn, vì phải đầu tư một nguồn lực không nhỏ để "nuôi" các DNNN chưa chuyển đổi.

Rõ ràng, việc đẩy nhanh tiến độ CPH các DNNN cần tiếp tục được thực thi bằng cách khẩn trương hoàn chỉnh và đơn giản hoá các quy định pháp lý về CPH, nhất là những thủ tục về xác định giá trị DN, quản lý DN sau CPH, tìm kiếm cổ đông chiến lược…, để giúp DN rút ngắn thời gian CPH. Từ đó mới có thể tranh thủ các thời điểm TTCK thuận lợi để IPO mang lại giá trị cao, nếu không nhiều cơ hội IPO tốt sẽ tiếp tục bị bỏ lỡ như thời gian qua.