Cột mốc lịch sử của toàn ngành tiền mã hóa
Theo thông báo chính thức từ S&P Global vào ngày 12/5, COIN sẽ thay thế cổ phiếu Discover Financial Services (DFS) trong danh sách S&P 500, sau khi công ty tài chính này bị Capital One Financial Corp (COF) mua lại. Việc một công ty hoạt động trong lĩnh vực tiền mã hóa được ghi danh vào chỉ số chứng khoán uy tín nhất của Mỹ, đại diện cho khoảng 80% tổng vốn hóa thị trường của các công ty đại chúng tại Mỹ với tổng vốn hóa khoảng 49.800 tỷ USD tính đến ngày 31/3/2025, đánh dấu sự chấp nhận ngày càng tăng của thị trường truyền thống đối với công nghệ blockchain.
"Đây là một cột mốc quan trọng không chỉ cho Coinbase mà còn cho toàn bộ ngành công nghiệp tiền mã hóa," Giám đốc tài chính Coinbase Alesia Haas nhận định. "Việc gia nhập chỉ số danh giá này là minh chứng cho thấy Coinbase và ngành công nghiệp tiền mã hóa đã đi được bao xa và là tín hiệu cho thấy xu hướng mới của thế giới sẽ đi về đâu".
![]() |
Thông báo từ S&P Global. |
Phản ứng của thị trường đối với tin tức này rất tích cực. Cổ phiếu COIN ngay lập tức tăng 8,8% lên 225,4 USD trong giao dịch sau giờ chính thức sau khi thông báo được đưa ra. Công ty cũng kết thúc ngày giao dịch 12/5 với mức tăng 4%, đưa vốn hóa thị trường của Coinbase lên 52,8 tỷ USD.
Thành lập vào năm 2012 bởi Brian Armstrong và Fred Ehrsam, Coinbase đã phải trải qua hành trình không dễ dàng từ một startup nhỏ trở thành sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất tại Mỹ và là một trong những nền tảng hàng đầu thế giới.
Coinbase hiện phục vụ hơn 100 triệu người dùng được xác minh trên hơn 100 quốc gia. Sàn giao dịch này cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, từ giao dịch tiền mã hóa cơ bản cho người dùng cá nhân đến các giải pháp lưu ký, giao dịch chuyên nghiệp (Coinbase Prime) và các công cụ phát triển blockchain cho các tổ chức và doanh nghiệp. Tính đến năm 2024, Coinbase quản lý hơn 400 tỷ USD tài sản trên nền tảng của mình.
Trong quý I/2025, Coinbase báo cáo doanh thu 1,64 tỷ USD, tăng 117% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng của công ty đạt 533 triệu USD, một sự cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 68 triệu USD trong quý I/2024. Sự phục hồi ấn tượng này phần lớn nhờ vào thị trường tiền mã hóa khởi sắc và sự ra mắt của các ETF Bitcoin giao ngay tại Mỹ, giúp tăng khối lượng giao dịch và thu hút vốn đầu tư mới.
Ý nghĩa và tiềm năng khi gia nhập S&P 500
CEO của Coinbase, ông Brian Armstrong, đã nhiều lần nhấn mạnh tầm nhìn dài hạn của công ty: Xây dựng một hệ thống tài chính mở toàn cầu thông qua tiền mã hóa. Thay vì chỉ tập trung vào việc trở thành một sàn giao dịch đơn thuần, Coinbase đang phát triển một hệ sinh thái toàn diện với nhiều dịch vụ tài chính khác nhau.
Một trọng tâm chiến lược của Coinbase là mở rộng cơ sở khách hàng tổ chức. Công ty đã đầu tư mạnh vào Coinbase Prime, nền tảng giao dịch chuyên nghiệp dành cho các tổ chức, quỹ đầu tư và doanh nghiệp lớn. Với việc được đưa vào S&P 500, Coinbase có thể sẽ thu hút thêm nhiều khách hàng tổ chức, những người trước đây còn do dự vì lo ngại về tính hợp pháp và quy mô của công ty.
Brian Armstrong đặt mục tiêu đầy tham vọng là đưa Coinbase trở thành ứng dụng dịch vụ tài chính số một trên thế giới trong vòng 5 đến 10 năm tới, tin rằng tiền mã hóa đang "ăn dần" các dịch vụ tài chính truyền thống. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của stablecoin USDC (mà Coinbase là đồng sáng lập) trong chiến lược của công ty, với mục tiêu đưa USDC trở thành stablecoin hàng đầu thế giới.
Ngoài ra, Coinbase cũng đang tích cực đa dạng hóa nguồn doanh thu, giảm sự phụ thuộc vào phí giao dịch - vốn rất nhạy cảm với biến động thị trường. Các sáng kiến như Coinbase Cloud (cung cấp cơ sở hạ tầng blockchain), Base (một blockchain Layer 2 trên Ethereum), và các sản phẩm tài chính phi tập trung đang dần đóng góp nhiều hơn vào doanh thu của công ty.
Việc gia nhập S&P 500 mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho Coinbase và toàn ngành tiền mã hóa. Đơn cử, S&P 500 là chỉ số được theo dõi bởi các quỹ đầu tư thụ động (index funds) và quỹ ETF với tổng giá trị lên đến hàng nghìn tỷ USD, do đó khi Coinbase được thêm vào chỉ số, các quỹ này sẽ phải mua cổ phiếu COIN và tạo ra nhu cầu đáng kể đối với cổ phiếu COIN.
Mặc dù Coinbase sẽ có trọng số nhỏ trong chỉ số (dự kiến nằm trong nhóm 400 công ty cuối với trọng số từ 0,01% đến 0,2%), nhưng điều này vẫn có thể tương đương với hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD dòng vốn mới đổ vào cổ phiếu công ty từ các quỹ theo dõi chỉ số.
Cùng với đó, được đưa vào S&P 500 là một sự công nhận mạnh mẽ về tính hợp pháp của Coinbase và rộng hơn là ngành công nghiệp tiền mã hóa. Điều này có thể thu hút những nhà đầu tư truyền thống vốn còn do dự về tiền mã hóa, coi đây là một tín hiệu rằng tài sản kỹ thuật số đang dần trở thành một phần chính thống của hệ thống tài chính.
Mặt khác, Coinbase không phải là công ty tiền mã hóa duy nhất hưởng lợi từ sự kiện này. Việc được công nhận có thể tạo ra một hiệu ứng lan tỏa tích cực cho toàn bộ ngành công nghiệp blockchain, từ các sàn giao dịch khác đến các công ty phát triển ứng dụng và cơ sở hạ tầng blockchain.
Trước đó, MicroStrategy (MSTR), một công ty phần mềm nổi tiếng với chiến lược tích lũy Bitcoin, đã được xem là ứng cử viên cho S&P 500 vào năm ngoái. Tuy nhiên, công ty đã công bố khoản lỗ ròng 4,2 tỷ USD trong quý I/2025 vào ngày 1/5, khiến không đáp ứng yêu cầu về lợi nhuận để gia nhập S&P 500.