Cổ phiếu quá rẻ

Không ai biết được tương lai của thị trường nhưng giá cổ phiếu hiện nay là quá rẻ và sẽ ngạc nhiên nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu hôm nay không lãi được ít nhất 20% trong 12 tháng tới.

Giá trị toàn cầu xuống thấp

Bảng thống kê chỉ số P/E của nhiều TTCK trên Bloomberg là rất thấp. Chỉ số P/E này được tính trên cơ sở thu nhập quý I, quý II đã có và quý III, quý IV dự kiến, cần nhớ rằng chỉ số P/E bình quân của TTCK Mỹ trong quá khứ là 15 lần, nếu chỉ số này xuống bằng hoặc dưới 10 lần thì nhà đầu tư luôn nhận được phần thưởng xứng đáng khi đầu tư vào cổ phiếu.

Ngoại trừ Nasdaq, chỉ số P/E trên TTCK Mỹ hiện là 10 đến 11 lần, trong khi châu Âu là 7 đến 9 lần. Chỉ số P/E trên TTCK châu Á cũng rất thấp. Thị trường Trung Quốc, sau khi có P/E là 50 hồi năm ngoái, hiện nay là 15 lần. 

Thị trường con gấu khiến chỉ số P/E quá thấp, trong khi thu nhập sẽ giảm giá trị đáng kể trong 12 tháng tới. Thực ra, trong 12 tháng qua, thu nhập trên S&P 500 giảm xuống 51,37 USD, trong khi kỳ trước là 84,92 USD. Với số liệu này, chỉ số TTCK Mỹ đang bán khoảng 18 lần thu nhập. Điều này đã làm méo mó bức tranh về thị trường. Thu nhập cộng dồn năm trước bị nén xuống bởi những vụ phá sản không những ở khu vực tài chính, mà còn ở nhiều khu vực khác. Ví dụ, Ford, GM và Sprint chiếm dưới 0,2% giá trị của S&P 500, làm giảm S&P 500 khoảng hơn 20% thu nhập cộng dồn hiện hành.

Thậm chí, những tập đoàn này phá sản, giá trị cổ phiếu của họ bằng không, cũng không tác động nhiều đến giá trị của một danh mục đầu tư tốt. Điều tương tự cũng diễn ra tại khu vực tài chính, khi S&P 500 chịu những khoản lỗ khổng lồ từ các ngân hàng, đến mức giá cổ phiếu gần như bằng không, đóng góp vào tổng thu nhập của các công ty niêm yết. Điều này có nghĩa, chỉ số P/E của các công ty đang có lợi nhuận là quá thấp so với P/E bình quân của toàn thị trường.

Hơn nữa, sẽ là sai lầm lớn khi dùng chỉ số thu nhập trong khủng hoảng để tính giá trị đúng của thị trường kỳ vọng. Vì giá trị của cổ phiếu phụ thuộc vào thu nhập trong tương lai xa, chứ không phải chỉ dự tính trong 12 tháng tới.

 

Suy thoái kinh tế những năm 1970

Gần đây nhất TTCK Mỹ có P/E bằng hoặc dưới 10 là cuối những năm 70 đầu 80 của thế kỷ trước. Mặc dù tình hình cổ phiếu tài chính hiện nay nghiêm trọng hơn, nhưng nền kinh tế khi đó lại tồi tệ hơn rất nhiều: lạm phát tới 14,8% đầu những năm 80, lãi suất trái phiếu chính phủ dài hạn nâng lên 15,9%. Điều ngạc nhiên là không có ai khi đó muốn mua cổ phiếu vì họ có thể bỏ túi gần 16%/năm nếu đầu tư vào trái phiếu của Bộ Tài chính. Lãi suất ngắn hạn khi đó được đẩy lên cao hơn khi một số quỹ tiết kiệm chào mời lãi suất tới gần 20%/năm.

Để khống chế và đẩy lùi lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải thắt chặt tiền tệ khi đưa ra lãi suất tới 20%/năm cho các khoản giải ngân trong 2 năm 1980, 1981. Đây là nguyên nhân của một đợt suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Ngay sau khi lạm phát giảm bớt và lãi suất dịu lại, TTCK đã thăng hoa. Bắt đầu từ năm 1982, người ta đã chứng kiến một bull market lớn nhất trong lịch sử của TTCK Mỹ.

 

Lời kết

Các thị trường đều vận hành theo 2 thái cực. Giá phi lý của các cổ phiếu công nghệ thông tin và Internet năm 1999 và 2000 đã đẩy Nasdaq lên cao trên 5.000 điểm. Nhưng sau đó, Nasdaq đã rơi xuống dưới 1.100 điểm năm 2002. Tương tự, sự bùng nổ phi lý của thị trường nhà đất năm 2005 đã trở thành sự thất vọng không kém cho TTCK của toàn thế giới năm 2008. Hãy ngẫm nghĩ về thực tế này: tổng thiệt hại của TTCK thế giới là 30.000 tỷ USD trong vòng 1 năm qua. Con số này lớn gấp 10 lần toàn bộ thị trường cho vay dưới chuẩn của Mỹ trong vòng 5 năm qua - nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng hiện nay. Nhiều nhà đầu tư tin rằng, một năm nữa nhìn về tháng 10/2008, chúng ta sẽ ân hận rằng tại sao mình không đủ dũng cảm bỏ tiền mua cổ phiếu lúc đó…