Không dễ định hình dòng tiền trên sàn chứng khoán “đi đâu, về đâu” trong giai đoạn hiện nay.

Không dễ định hình dòng tiền trên sàn chứng khoán “đi đâu, về đâu” trong giai đoạn hiện nay.

Cổ phiếu tốt sẽ sớm hồi phục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dự báo, các cổ phiếu tốt sẽ tiếp tục hồi phục, bứt ra khỏi đà giảm của thị trường sớm hơn áp lực bán cổ phiếu trên thị trường cơ sở vẫn còn khi gần đến ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh vào thứ Năm tới.

Nhu cầu "thở oxy”

"Nhà đầu tư có nhu cầu thở oxy" là câu nói của một nhà đầu tư khi chứng kiến VN-Index có 3 phiên giảm liên tiếp tính đến ngày 12/4/2022, trung bình mỗi phiên 20 điểm - mức giảm được đánh giá là rất sâu, khiến chỉ số chỉ còn 1.455 điểm, đè nặng tâm lý thị trường.

Tính đến cuối tuần qua, một loạt cổ phiếu lao dốc, từ cổ phiếu đầu cơ đến cổ phiếu cơ bản, có những mã mất 20 - 30% giá trị. Nhiều nhà đầu tư lo sợ thị trường tiếp tục lao dốc nên bán ra khá quyết liệt, đẩy chỉ số chung giảm điểm trong 2 phiên cuối tuần qua, dù có một phiên phục hồi mạnh trước đó.

Nhưng chuỗi giảm giá còn chưa kết thúc, kéo dài sang 2 phiên đầu tuần này với mức độ còn mạnh hơn.

Sự hoảng loạn là có, đang lan rộng trên thị trường, trước các tin đồn bắt bớ lãnh đạo doanh nghiệp vi phạm, thanh tra từ cấp doanh nghiệp đến cấp quản lý, hay tin đồn ngân hàng tăng vọt lãi suất từ 5%/năm lên 10%/năm đối với công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ (margin) khiến nhà đầu tư cho rằng nguồn vốn vào kênh chứng khoán bị siết... Các tin đồn đó không rõ từ đâu cứ tuôn ra thị trường, thông qua các room chát, đội nhóm.

Trong bối cảnh nhà đầu tư có tâm lý hoang mang, không ít môi giới chứng khoán chia sẻ nhận định với khách hàng rằng, vùng hỗ trợ 1.420 - 1.430 điểm nếu không giữ được “là đứt”, chỉ số có thể rơi về 1.200 điểm, thậm chí 1.000 điểm như cùng kỳ năm 2018. Theo đó, nhà đầu tư nên tính đến phương án bán cắt lỗ, chỉ giữ cổ phiếu chia cổ tức cao hàng năm.

“Quản trị tài khoản là ưu tiên số 1, thị trường đang trong giai đoạn khó khăn”, một môi giới nói.

Thực tế, trong một số phiên giao dịch gần đây, nhiều nhà đầu tư và cả môi giới chứng khoán đều không hiểu tại sao có những cổ phiếu “tự nhiên lăn ra sàn” (giá giảm sàn). Đặc biệt, sau 2 giờ chiều, nhất là phiên giao dịch xác định giá đóng cửa (ATC), lực bán mạnh dần, tạo ra sự hoảng loạn dây chuyền, tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình.

Trước đó, đặc trưng thị trường giai đoạn quý IV/2021 và quý I/2022 là dòng tiền ưu ái cổ phiếu vừa và nhỏ, khá thờ ơ với các cổ phiếu bluechips - ngoại trừ một số mã lớn thuộc rổ chỉ số Diamond, VN30, VN50, hay các doanh nghiệp đầu ngành.

Một nhà đầu tư bám sàn chứng khoán nhiều năm chia sẻ, không ai biết chắc thời điểm nào thì khẩu vị của dòng tiền trên thị trường đảo chiều, nhưng cơ hội mua ở những phiên giảm điểm mạnh là rất tốt.

Trên thị trường có không ít cổ phiếu đáng đầu tư, thuộc các doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong nhiều năm, bao gồm doanh nghiệp được hưởng lợi từ gói kích cầu của Chính phủ như ngân hàng, xây lắp, vật liệu xây dựng, hay sự hồi phục của thị trường bán lẻ, bất động sản khu công nghiệp. Mặc dù vậy, không dễ định hình dòng tiền trên sàn chứng khoán “đi đâu, về đâu” trong giai đoạn hiện nay.

Thông tin xấu đã qua

Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, giai đoạn giảm điểm vừa qua của thị trường bị tác động rất lớn bởi các tin đồn vô căn cứ và có vẻ như là có chủ đích của một nhóm đối tượng nào đó.

Chẳng hạn, tại sao một hình ảnh văn bản có từ năm 2019 với nội dung thanh tra chuyên đề hoạt động phát hành trái phiếu và thực hiện pháp luật về kế toán, thuế, chứng khoán của một số công ty đại chúng niêm yết lại được coi như là mới và lan truyền rất nhanh, đồng thời đánh dấu tên các tập đoàn lớn? Đi kèm theo đó là các tin đồn bắt bớ… đã thực sự ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, khiến thị trường giảm điểm, nhất là trong phiên ATC.

Ông Phương cho rằng, không có các thông tin nào quá xấu ở giai đoạn hiện nay, những sự kiện đáng lo như cuộc chiến Nga - Ucraine đã tạm lắng, lạm phát đã có số liệu, lãi suất USD được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng như dự kiến... Nói cách khác, các thông tin được cho là tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán đã trôi qua.

Trong khi đó, nhiều kỳ vọng tích cực không được nói tới. Ví dụ, gói kích thích kinh tế 350.000 tỷ đồng sắp giải ngân; lãi suất duy trì ở mức thấp nhằm hỗ trợ kinh tế phát triển, các doanh nghiệp, thậm chí cả nhà đầu tư tài chính, bất động sản vẫn có thể vay với lãi suất thấp để đầu tư; kết quả kinh doanh quý I/2022 của nhiều doanh nghiệp ước tính khả quan, lợi tăng trưởng tăng mạnh; tài liệu họp đại hội cổ đông cho thấy doanh nghiệp lên kế hoạch tăng trưởng cao...

Khi thị trường giảm mạnh mà không có lý do rõ ràng thì đó là cơ hội mua.

Khi thị trường giảm mạnh mà không có lý do rõ ràng thì đó là cơ hội mua.

Cổ phiếu tốt sẽ hồi phục

Trong bối cảnh thị trường giảm điểm mạnh vẫn có những cổ phiếu tăng giá, cho thấy cốt lõi của thị trường vẫn phải đến từ nội lực, cụ thể là sự tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp. Chẳng hạn, trong phiên thị trường hồi phục ngày 13/4/2022, mã DGC của Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang tăng giá trần và hai phiên sau đó đều có sắc xanh, dù thị trường chung giảm điểm trở lại.

Được biết, năm 2021, lợi nhuận của DGC tăng mạnh, hiệu quả sản xuất - kinh doanh đến từ các sản phẩm chủ lực, ở những sản phẩm hầu như chỉ có doanh nghiệp này sản xuất được - trong kinh doanh gọi là “chìa khoá vàng” để duy trì tăng trưởng trong dài hạn.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhận xét, các cổ đông DGC đang tận hưởng “mùa xuân” khi doanh nghiệp có sự bùng nổ về kinh doanh, giúp cổ phiếu lọt vào danh sách các mã có thị giá cao nhất sàn chứng khoán (cuối tuần qua là 248.000 đồng/cổ phiếu).

“Không thể dự báo được đỉnh của cổ phiếu cho đến khi giá điều chỉnh, nhưng DGC đang ở vùng giá phù hợp với các lợi thế và tăng trưởng của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, nếu mua mới ở vùng giá hiện nay, để đòi hỏi lợi suất cao thì nhà đầu tư phải xem xét kỹ lưỡng hơn”, ông Ngọc chia sẻ.

Nhóm cổ phiếu phân bón cũng phục hồi tốt kể cả khi có hàng trăm mã giảm sàn như DCM của Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, DPM của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP. Đây là các doanh nghiệp đầu ngành, triển vọng kinh doanh tăng trưởng, nên các đợt giảm giá là cơ hội để mua cổ phiếu, với kỳ vọng giá sẽ sớm trở về đỉnh cũ.

Với lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh năm 2021 không khiến cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành giảm giá như DGW của Công ty cổ phần Thế giới số, mã MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động, mã FRT của Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT, mã PNJ của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận.

Vì thế, tình hình năm 2022 tốt lên giúp giá các cổ phiếu này có diễn biến tăng, hiện dao động ở vùng đỉnh. Đây là nhóm được đánh giá hưởng lợi khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu dùng phục hồi, lợi nhuận trong các quý tới dự báo vẫn tăng trưởng. Theo đó, các đợt giảm giá tạo ra cơ hội để mua cổ phiếu.

Đơn cử, mã FRT có xu hướng tăng giá kể từ giữa năm ngoái đến nay. Trong các đợt điều chỉnh, mức giảm của FRT so với mặt bằng chung của thị trường ít hơn, nhưng khi hồi phục thì luôn tăng mạnh. Tính cô đặc của cổ đông lớn nắm giữ góp phần giúp FRT duy trì được nền giá vững vàng, bất chấp thị trường biến động “sốc”.

Hiện tại là cao điểm mùa đại hội cổ đông, các doanh nghiệp sẽ công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 cũng như kết quả đạt được trong quý đầu năm.

Dragon Capital dự báo, lợi nhuận năm nay của các doanh nghiệp niêm yết tăng khoảng 15% so với năm ngoái. Trong đó, nhóm ngân hàng có thể đạt mức tăng 20 - 25%.

Ông Ngọc cho biết, năm 2021, thị trường có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng lợi nhuận các doanh nghiệp tăng bình quân trên 35%, các nhóm ngành trụ như VN50, VN100 tăng trên 40%. Năm nay, triển vọng thị trường tốt hơn, nên các doanh nghiệp có khả năng thực hiện vượt mức dự báo tăng trưởng lợi nhuận của Dragon Capital.

Đối với ngành ngân hàng, điểm rơi lợi nhuận không phải là quý IV như nhiều nhóm ngành khác, mà là quý II và quý III. Nhìn lại năm 2021, quý II ghi nhận lợi nhuận rất “hoành tráng”, cổ phiếu ngân hàng tăng cao, dẫn dắt thị trường phá đỉnh lịch sử.

“Tôi cho rằng, điều này có thể lặp lại trong năm nay. Năm 2021, lợi nhuận ngành ngân hàng tăng trưởng trên 30%. Năm 2022, nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng trưởng 30%. Theo đó, cổ phiếu ngành này là lựa chọn tốt ở giai đoạn quý II/2022, nhất là khi giá đang ở vùng đáy 6 tháng qua”, ông Ngọc nói.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu bất động sản có thể không nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, dù bất động sản ở hầu hết tỉnh, thành phố có diễn biến tăng giá. Theo quan điểm của Chính phủ, cũng như nhiều chuyên gia, thị trường địa ốc tăng giá không hỗ trợ nhiều trong việc khôi phục sản xuất - kinh doanh, tạo giá trị xã hội về lâu dài. Vì thế, chính sách của cơ quan quản lý gần đây theo hướng kiểm soát dòng tiền chảy vào kênh này như tín dụng chặt chẽ hơn, tạm dừng phân lô, tách thửa đối với đất nông nghiệp...

Dòng tiền gần đây thận trọng hơn, tìm bến đỗ ở những nhóm cổ phiếu thuộc các ngành có triển vọng kinh doanh tăng trưởng cao.

Thực tế, dòng tiền trên thị trường chứng khoán thời gian qua có dấu hiệu rút khỏi nhóm cổ phiếu bất động sản, không ít mã đã giảm giá trên 20%. Khi giá phục hồi, nhiều nhà đầu tư lại bán ra, giảm tỷ trọng cổ phiếu địa ốc trong danh mục, dẫn tới tình trạng giá hồi phục chưa nhiều nhưng áp lực bán chực chờ lại tăng cao.

Trong khi đó, hai quý đầu năm không phải là điểm rơi lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản nên kết quả kinh doanh dự kiến kém khả quan. “Thuận theo tự nhiên”, dòng tiền rút ra khỏi nhóm này để tìm cơ hội ở nhóm khác.

Một số cổ phiếu bất động sản trước đó tăng nóng có mức giảm giá sâu hơn như mã DIG của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng, mã CEO của Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O, mã L14 của Công ty cổ phần Licogi 14…

Bởi lẽ, kết quả kinh doanh năm 2021 được cho là chưa tương xứng với mức tăng của giá cổ phiếu cũng như kỳ vọng của nhà đầu tư. Về mặt kỹ thuật, giá cổ phiếu có thể sớm chấm dứt đà giảm và phục hồi.

Đơn cử, giá DIG đã điều chỉnh từ 106.200 đồng/cổ phiếu ngày 23/3/2022 xuống 69.300 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm hơn 30%. Nếu doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh quý I/2022 khả quan thì đây sẽ là yếu tố kéo giá cổ phiếu lên.

Phân khúc bất động sản khu công nghiệp đang được nhà đầu tư quan tâm, như cổ phiếu LHG của Công ty cổ phần Long Hậu điều chỉnh không nhiều trong bối cảnh thị trường chung đi xuống và 2 phiên cuối tuần qua bật tăng. Giá cổ phiếu này tiến gần đỉnh cũ, nhưng định giá P/E vẫn hấp dẫn, chỉ khoảng 8 - 9 lần.

Ông Ngọc nhìn nhận, lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp ngành có triển vọng cao trong năm 2022 cao khi nền kinh tế đã mở cửa trở lại, không còn rào cản Covid-19, giãn cách…, nên dòng vốn FDI dự kiến vào mạnh hơn. Với cổ phiếu LHG, mức định giá P/E thấp nên thị trường chung giảm điểm thì giá không giảm nhiều, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ.

Tiếp tục đón chờ cơ hội

Báo cáo của Dragon Capital cho rằng, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng từ cuối tháng 3 khi lãnh đạo của hai công ty bất động sản bị khởi tố, bao gồm ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC do có hành vi thao túng thị trường chứng khoán và ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh liên quan đến công bố thông tin sai lệnh trong quá trình phát hành trái phiếu.

Dragon Capital đánh giá, hai sự kiện trên có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường trong một vài tuần, đặc biệt đối với các cổ phiếu bất động sản có tính đầu cơ cao. Tuy nhiên, việc bắt giữ những cá nhân vi phạm pháp luật sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tăng tính minh bạch của thị trường, bảo vệ quyền lợi cổ đông và thúc đẩy nhà đầu tư hướng về nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản.

Nhiều chuyên gia cũng đồng ý với quan điểm đó. Thực tế, trong hơn 1 năm qua, dòng tiền chảy mạnh vào các cổ phiếu đầu cơ, khiến giá tăng phi mã, dù nội tại doanh nghiệp yếu kém, trong khi có những doanh nghiệp tốt thì giá cổ phiếu lại tăng ít. Khi thị trường mang nặng tính đầu cơ thì không thể phát triển bền vững.

Trên thị trường chứng khoán, khi nhà đầu tư hưng phấn thì dễ mua phải cổ phiếu ở đỉnh giá, còn khi tâm lý bi quan, nhiều cổ phiếu tốt cũng giảm giá quá đà. Dòng tiền thông minh trên thị trường luôn sẵn có và chực chờ diễn biến này xảy ra, họ sẽ mua được cổ phiếu tốt với giá chiết khấu rất sâu, mang lại cơ hội thu lời lớn cả trong ngắn và dài hạn.

Đó là lý do ông Ngọc nhìn nhận, khi thị trường giảm mạnh mà không có lý do rõ ràng thì đó là cơ hội mua vào. Dòng tiền sẽ hướng về doanh nghiệp tăng trưởng, có nền tảng tốt và kế hoạch kinh doanh tích cực.

Hiện tại, đa số nhà đầu tư cá nhân vẫn mong muốn thu lãi nhanh nên giao dịch liên tục, tập trung vào các cổ phiếu có triển vọng tăng giá ngắn hạn, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu, vật liệu, hàng hóa. Những tín hiệu tích cực về bức tranh lợi nhuận của nhóm này là động lực thu hút dòng tiền. Ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng, công nghiệp và bất động sản vốn hóa lớn có diễn biến giảm giá.

Tất nhiên, có những trường hợp ngoại lệ như một số cổ phiếu thuộc danh mục Quỹ Diamond ETF. Quỹ này đã niêm yết tại thị trường Thái Lan vào cuối tháng 3/2022 và huy động thành công hơn 60 triệu USD, kéo chỉ số Diamond tăng 9% điểm kể từ giữa tháng 3. Các cổ phiếu được hưởng lợi chính bao gồm FPT, MWG, PNJ và REE.

Theo Dragon Capital, dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp năm 2022 trung bình là 15%, trong đó, Top 80 cổ phiếu mà Quỹ lựa chọn sẽ tăng trưởng 23%, dựa trên sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế nội địa và sự miễn nhiễm với xung đột Nga - Ukraine. Giá cổ phiếu sẽ dần phản ánh triển vọng tăng trưởng lợi nhuận khi định giá P/E hiện ở mức 11 - 12 lần.

Tin bài liên quan