So với đầu tháng 7, một số cổ phiếu bank đã mất 1/4 giá trị.

So với đầu tháng 7, một số cổ phiếu bank đã mất 1/4 giá trị.

Cổ phiếu vua chưa trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau phiên 27/10 thăng hoa, giúp chỉ số VN-Index tái lập ngưỡng 1.420 điểm thành công, nhóm cổ phiếu ngân hàng về lại nốt trầm như vài tháng gần đây.

Nốt trầm

Đầu tuần qua, chị Phương Anh, một nhà đầu tư đang sống tại Hà Nội chia sẻ, chị đã chấp nhận cắt lỗ cổ phiếu CTG và VPB. Với khoản đầu tư 2 tỷ đồng đổ vào hai cổ phiếu này ở thời điểm đầu tháng 7/2021- giai đoạn các cổ phiếu ngân hàng lập đỉnh, chị đã chấp nhận lỗ gần 200 triệu đồng.

Chị cũng tiết lộ: “Cắt lỗ xong, mình vào ngay nhóm cổ phiếu thủy điện và bất động sản, đến giờ đã lấy lại được những gì đã mất ở cổ phiếu bank”.

Sau cơn sóng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2021 và đạt đỉnh vào đầu tháng 7, với mức tăng hàng trăm phần trăm, nhóm cổ phiếu được mệnh danh là “cổ phiếu vua” rơi vào giai đoạn dài trầm lắng. Một số cổ phiếu đã rơi mất khoảng 1/4 giá trị, như CTG giảm từ mức 40.600 đồng/cổ phiếu về 31.400 đồng/cổ phiếu, hay VIB giảm từ mức 49.100 đồng/cổ phiếu về 36.950 đồng/cổ phiếu…

Tất nhiên, trong nhóm ngành này, OCB, TPB, SHB vẫn có sóng tăng trong giai đoạn vừa qua, nhưng đây đều là các cổ phiếu có câu chuyện riêng.

Với OCB, ngoài lý do được định giá thấp hơn giá trị thực thì còn nhờ thông tin đồn đoán về kế hoạch bán vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài.

Với SHB là sóng chuyển sàn từ HNX sang HOSE. Còn TPB được xem là “nhỏ nhưng có võ”, khi chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ giúp ngân hàng này tối ưu hóa lợi nhuận.

Chán nản, thất vọng là tâm trạng của nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ngân hàng khi nhìn danh mục cứ âm mãi, trong khi các cổ phiếu nhỏ và vừa cứ tăng lên chóng mặt.

Sự trầm lắng của nhóm ngân hàng, ngoài lý do nhóm này đã tăng rất mạnh trong giai đoạn trước, khiến mặt bằng các cổ phiếu đều lên cao thì còn xuất phát từ việc ngành ngân hàng được nhận định là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nợ xấu tăng mạnh khi các khách hàng gặp khó khăn bởi dịch bệnh.

Ông Trần Minh Tuấn, Cố vấn Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Smart Invest nhận định, việc các cổ phiếu ngân hàng bớt nóng trong thời gian qua đơn thuần phản ánh chất lượng hoạt động của các nhà băng và kỳ vọng từ phía nhà đầu tư: kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch bệnh bùng phát.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh 3, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, trong giai đoạn nền kinh tế chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 và lệnh giãn cách xã hội, việc các ngân hàng có nhiều tin tức bất lợi về tình hình nợ xấu tác động đến giá cổ phiếu là điều hợp lý.

Việc các ngân hàng thương mại giảm mạnh lợi nhuận trong quý III chủ yếu đến từ việc các ngân hàng, đặc biệt là nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh VCB, CTG, BID trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu lớn.

Trong quý II và quý III/ 2021, Vietcombank đã đẩy mạnh trích lập và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên đến 352%; VietinBank, BIDV cũng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu quanh mức 130%.

Đối với khối ngân hàng thương mại tư nhân, TCB đạt 259%, MBB 236%, ACB 208%... Động thái mạnh tay trích lập dự phòng của các ngân hàng thương mại không chỉ nhằm ứng phó với rủi ro nợ xấu phát sinh trong tương lai, mà còn là bệ đỡ để tránh áp lực tăng chi phí dự phòng, ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng trong thời điểm cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Thông tin được ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán AIS cung cấp, Ngân hàng Nhà nước đã kêu gọi giảm lãi, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, các ngân hàng đã tham gia và thực hiện khá mạnh mẽ, đã có khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ vay được giảm lãi suất.

“Lãi suất giảm thì kỳ vọng lợi nhuận theo đó cũng giảm theo và có thể sẽ phản ánh rõ nhất vào quý IV/2021, nhưng từ quý III, điều này đã thể hiện trên giá trị cổ phiếu qua các phiên giao dịch. Câu chuyện của ngành ngân hàng và giá trị cổ phiếu thời gian qua đã phần nào phản ánh rõ vấn đề này”, ông Kiên nói.

“Quý IV chưa được đánh giá cao”

Dù vậy, với việc đóng góp khoảng 1/4 tỷ trọng vốn hóa thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngân hàng luôn nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư.

Nhiều nhà đầu tư cho biết, họ vẫn sẽ tiếp tục nắm giữ và lựa chọn mua vào với số lượng vừa phải cổ phiếu ngân hàng sau giai đoạn điều chỉnh mạnh vừa qua vì đây là ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt, đặc biệt là khi trong giai đoạn kinh tế phục hồi.

Quý IV có thể sẽ vẫn là thời gian nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa được đánh giá cao.

Ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán AIS

Theo ông Kiên, trong ngắn hạn, nhất là quý IV, thường các ngân hàng sẽ thực hiện đánh giá soát xét về lãi, nợ xấu, cùng với việc nhiều ngân hàng đã cạn room tăng trưởng tín dụng, muốn nới room sẽ phải xin và được Ngân hàng Nhà nước cấp mới có thể đẩy mạnh huy động vốn. Do đó, quý IV có thể sẽ vẫn là thời gian nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa được đánh giá cao.

Tuy nhiên, sau đợt điều chỉnh vừa qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bước qua giai đoạn “xấu” nhất và hiện đang trong tiến trình tìm lại chính mình. Trong đó, đẩy mạnh đầu tư công, tung ra gói kích thích kinh tế sẽ là những trợ lực đáng kể cho thị trường nói chung, cổ phiếu nhóm ngân hàng nói riêng.

Tin bài liên quan