Lợi nhuận quý I khả quan
Bức tranh kết quả kinh doanh quý I/2025 cho thấy nhiều điểm sáng và đây được xem là một trong những trụ đỡ quan trọng cho thị trường chứng khoán tuần qua.
Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (mã chứng khoán TRC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I với doanh thu đạt hơn 131 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 37,7 tỷ đồng, tăng trưởng 146%. Giá bán bình quân trong quý I đạt hơn 56 triệu đồng/tấn, cao hơn 14 triệu đồng/tấn so với giá bán bình quân cả năm (theo kế hoạch) đã giúp Công ty có lãi tốt trong quý đầu năm. Với kết quả này, Công ty đã thực hiện 23% kế hoạch doanh thu cả năm và 22% mục tiêu lợi nhuận.
Chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong nước là yếu tố quan trọng giúp Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán BMP) khá vững vàng trước biến động của chính sách thuế quan. Tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra ngày 24/4 vừa qua, ông Sakchai Patiparnpreechavud, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhựa Bình Minh cho biết, Công ty không chịu tác động trực tiếp từ chính sách áp thuế đối ứng của Mỹ. Khách hàng nước ngoài của Công ty chủ yếu tại thị trường Đông Nam Á. Sản phẩm của Nhựa Bình Minh có liên hệ mật thiết với cơ sở hạ tầng quốc gia, Công ty hy vọng sẽ có tương lai gắn liền với sự phát triển của Việt Nam.
Thị trường bất động sản phục hồi tích cực giúp nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực. Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu quý I đạt 1.383 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 287 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 38% và 51% so với cùng kỳ năm trước. Công ty kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II/2025 tăng trưởng tích cực khi thị trường bất động sản đang phục hồi, nhiều dự án nhà ở được tái khởi động và đầu tư công được thúc đẩy.
Ở khối ngân hàng, nhiều nhà băng công bố lợi nhuận quý I với mức tăng trưởng cao. Chẳng hạn, MSB báo lãi trước thuế quý đầu năm đạt 1.630 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ; SHB công bố lợi nhuận trước thuế gần 4.400 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch cả năm 2025. VietABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I là 352,9 tỷ đồng, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong lịch sử của ngân hàng này.
Theo dự phóng của MBS, lợi nhuận toàn thị trường có thể ghi nhận mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ trong quý I/2025, trên mức nền đang cao dần, hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp và sản xuất tiêu dùng tiếp tục phục hồi. Trong quý I/2025, lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo tăng trưởng 15% so với cùng kỳ nhờ tín dụng tăng tốc ngay từ đầu năm. Các ngành đạt mức tăng trưởng lợi nhuận nổi bật gồm bất động sản (719% so với cùng kỳ), khu công nghiệp (61%), năng lượng (41%).
Bán lẻ “sáng cửa”
Sau đợt điều chỉnh mạnh của thị trường do cú sốc thuế quan, nhà đầu tư đang cơ cấu lại danh mục. Xu hướng chung là nhà đầu tư tìm đến những ngành ít chịu tác động của chính sách thuế quan và có nội lực tốt, trong đó có bán lẻ.
Năm 2025, Công ty cổ phần Bán lẻ FPT (FPT Retail, mã chứng khoán FRT) đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 20% so với mức thực hiện của năm ngoái, đạt 48.100 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 71%, đạt 900 tỷ đồng. Kế hoạch này được đặt ra trên cơ sở Công ty đang mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, tối ưu chi phí vận hành và gia tăng hiệu quả kinh doanh. Trong năm nay, FPT Retail sẽ tiếp tục mở rộng độ phủ của hệ thống nhà thuốc Long Châu. Với chuỗi bán lẻ hàng công nghệ FPT Shop, Công ty sẽ thay đổi danh mục sản phẩm, tập trung vào các mặt hàng có lãi gộp cao để nâng cao hiệu quả kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh phân phối sản phẩm điện máy.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, triển vọng kinh doanh của hệ thống nhà thuốc Long Châu trong 3 - 5 năm tới vẫn rất tích cực. Hệ thống này sẽ tiếp tục được mở rộng, song tốc độ mở mới sẽ chậm dần ở các năm sau và đạt 3.000 nhà thuốc vào cuối năm 2028. Sau giai đoạn tập trung mở rộng cửa hàng, Long Châu có thể sẽ tập trung vào việc cải thiện biên lợi nhuận gộp nhờ gia tăng các sản phẩm ngoài thuốc, sản phẩm có biên lợi nhuận cao.
Đối với Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã chứng khoán MWG), MBS dự báo chuỗi bán lẻ Thế giới di động và Điện Máy Xanh sẽ phục hồi mạnh mẽ, Bách Hoá Xanh tiến sâu vào miền Trung. Sau khi có lãi trong năm 2024, giai đoạn tiếp theo là thời điểm thích hợp để MWG tăng tốc quy mô bao phủ các khu vực mới của chuỗi Bách Hoá Xanh, với dự báo số cửa hàng tăng thêm 248 trong năm 2025 và tăng thêm 282 trong năm 2026. Mức nền giá bán vẫn còn dư địa tăng sau cuộc chiến giá năm 2023, cùng với cầu tiêu thụ ước tính tăng trưởng kỳ vọng sẽ giúp doanh thu của chuỗi Thế giới di động và Điện Máy Xanh tăng 9% vào năm 2025 và 13% vào năm 2026.
Dự phóng kết quả kinh doanh năm 2025 của MWG, MBS cho rằng, doanh thu của công ty này đạt 147.567 tỷ đồng, tăng trưởng 9,8% so với năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 5.094 tỷ đồng, tăng trưởng 37%. Năm 2026, dự phóng doanh thu MWG đạt 167.649 tỷ đồng, tăng trưởng 13,6% và lợi nhuận sau thuế ước đạt 6.273 tỷ đồng, tăng trưởng 23,2%.
Công ty cổ phần Thế giới số (mã chứng khoán DGW) cũng là doanh nghiệp không chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế quan của Mỹ. DGW chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) tại thị trường nội địa, thông qua hệ thống bán lẻ trong nước. Cơ cấu sản phẩm kinh doanh của DGW có tỷ trọng lớn đến từ nguồn hàng nhập khẩu từ châu Á như Trung Quốc và Hàn Quốc, nên vẫn hạn chế phần nào tác động từ thuế quan của Mỹ.
VCBS nhận định, DWG có triển vọng tích cực trong phân phối các mặt hàng điện tử nhờ người tiêu dùng chuyển sang thiết bị cao cấp với 5G và AI. Các sản phẩm như thiết bị gia dụng dự kiến tăng 38% và thiết bị văn phòng dự kiến tăng 25%, nâng tỷ trọng đóng góp doanh thu của các dòng sản phẩm này trong tổng doanh thu của Công ty từ 28% (trong năm 2024) lên 31% (trong năm 2025), được thúc đẩy bởi đô thị hóa, sự phát triển của công nghệ AI/IoT, nhu cầu từ trung tâm dữ liệu và SME. Doanh thu của DGW được VCBS dự phóng có thể tăng trưởng 14% trong năm 2025, đạt 25.164 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 19%, đạt 529 tỷ đồng.
Theo Cục Thống kê, Bộ Tài chính, kết thúc quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh sự phục hồi tích cực của thị trường trong nước. Khi áp lực bên ngoài gia tăng, doanh nghiệp có cơ hội để chuyển mình, gia tăng năng lực nội sinh và mở rộng dư địa tăng trưởng từ chính thị trường trong nước.