Công ty chứng khoán, những con số nổi bật

Công ty chứng khoán, những con số nổi bật

(ĐTCK) Năm 2013, TTCK vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng bức tranh CTCK đã có bước khởi sắc. Dưới đây là những con số nổi bật mà ĐTCK thống kê.

4.596 là số chứng chỉ hành nghề đã được cấp tính đến cuối tháng 11/2013. Con số này cho thấy, lượng nhân sự đã hoặc có thể sẽ tham gia vào lĩnh vực chứng khoán là rất lớn. Đáng chú ý, tại các CTCK, số nhân sự làm việc trong các mảng không bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề cũng không nhỏ.

5.513 tỷ đồng là tổng doanh thu các CTCK 9 tháng đầu năm 2013, bằng 59,33% so với cùng kỳ 2012. Cả năm 2012, doanh thu các CTCK đạt 9.292 tỷ đồng, thấp hơn tới 10.215 tỷ đồng so với năm 2011. 44,21% doanh thu 9 tháng 2013 đến từ hoạt động tài chính như: margin, dịch vụ ngân hàng đầu tư.

Hơn 15 CTCK đã ngừng hoạt động môi giới chứng khoán, trong đó chủ yếu là các CTCK tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên giao dịch. Cuối tuần qua, thêm 2 CTCK đã nộp hồ sơ lên các Sở GDCK để chấm dứt tư cách thành viên, phục vụ việc hợp nhất là MBS và VITSE.

6.197 người là số nhân viên CTCK tính đến hết ngày 31/10/2013, theo thống kê của Sở GDCK Hà Nội. So với đầu năm nay, tổng số nhân sự ngành chứng khoán giảm 57 người. Nhân sự CTCK trong năm 2013 tiếp tục thay đổi, cả luân chuyển và tinh giảm, nhưng một số CTCK đã bắt đầu tăng nhân sự trở lại.

3.792 tỷ đồng là tổng chi phí các CTCK 9 tháng đầu năm nay, giảm 54,55% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là lý do khiến các CTCK vẫn có lãi, dù doanh thu sụt giảm. Cả năm 2012, tổng chi phí các CTCK là 8.343 tỷ đồng, giảm 46,48% so với năm 2011.

15 chi nhánh 10 phòng giao dịch CTCK đã bị đóng cửa từ đầu năm 2013 đến nay. Lũy kế giai đoạn từ đầu 2012 đến 1/11/2013, 32 chi nhánh và 30 phòng giao dịch đã bị giải thể, trong khi chỉ có 7 phòng giao dịch và 5 chi nhánh được lập mới.

37.113 tỷ đồng là tổng quy mô vốn chủ sở hữu của 98 CTCK đã có báo cáo tài chính quý III/2013. So với đầu năm 2013, vốn chủ các CTCK tăng 0,68%.

1.668 tỷ đồng là số lỗ lũy kế của SBS tính đến 30/9/2013, giảm mạnh so với đầu năm, nhưng vẫn là con số lỗ kỷ lục của các CTCK Việt Nam. Với kết quả này, vốn chủ sở hữu của Công ty chỉ còn âm trên 148 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10/2013, nhờ tiếp tục tái cấu trúc, vốn chủ sở hữu của SBS đã trở thành con số dương. Công ty cũng đưa tỷ lệ an toàn vốn khả dụng lên mức trên 180%.

94% là tỷ lệ lợi nhuận tạo ra bởi 20 CTCK trên tổng lợi nhuận các CTCK, trong đó 10 CTCK lớn nhất đóng góp tới hơn 75% tổng lợi nhuận ngành. Sự tập trung doanh thu, lợi nhuận vào các CTCK nhóm đầu khiến cuộc cạnh tranh thị phần, sức ép tìm hướng đi riêng của các CTCK nhỏ đang ngày một khó khăn hơn.

36.712 tỷ đồng là quy mô vốn điều lệ của 98 CTCK. Con số này tăng 146 tỷ đồng so với đầu năm cho thấy, phát hành vốn huy động mới của các CTCK gặp nhiều khó khăn. Ngược lại, hoạt động chuyển nhượng vốn góp lại diễn ra sôi động. Con số này cũng cho thấy, nhìn toàn ngành, 98 CTCK nói trên vẫn bảo toàn được vốn. Tất nhiên, có sự phân hóa rõ nét giữa nhóm CTCK quy mô lớn có lợi nhuận cao và nhóm CTCK quy mô nhỏ kinh doanh thua lỗ.

65.748 tỷ đồng là quy mô tổng tài sản của 98 CTCK tính đến ngày 30/9/2013, tăng 1,7% so với đầu năm. Quy mô này cho thấy, vay nợ bình quân trong lĩnh vực chứng khoán chưa tới 100% vốn chủ sở hữu các công ty, thấp hơn nhiều so với mức cho phép.

2.501 tỷ đồng là số tiền gửi ngân hàng của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) thời điểm 30/9/2013, theo báo cáo tài chính công ty mẹ quý III/2013. Với số tiền này, SSI là công ty có số dư tiền lớn nhất trong khối CTCK và là một trong những DN niêm yết có số dư tiền gửi lớn nhất. Năm 2013, nhiều CTCK đã chuyển hướng sang nắm giữ tiền mặt, thay vì đầu tư.

>>Những con số ấn tượng về TTCK

>>TTCK 13 năm qua những con số

>>Những con số ấn tượng của thị trường trái phiếu