(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

“Cửa” toà án vẫn đóng với nhà đầu tư nhỏ (bài 2)

(ĐTCK-online) Cơ chế giải quyết tranh chấp tại toà án còn nhiều “khoảng trống” đã được NĐT cũng như những người trực tiếp vận dụng các quy định của pháp luật để tư vấn, giải quyết tranh chấp “kêu” nhiều, nhưng dường như chưa thấu tới cơ quan quản lý.

>> Bài 1: Đường tới toà sao quá xa!

 

Bài 2: Vì sao “cửa” toà vẫn đóng?

“Chưa định hình phương thức giải quyết tranh chấp rõ nét”

Ông Nguyễn Huyền Cường, Thẩm phán Toà kinh tế Toà án nhân dân TP. Hà Nội

“Cửa” toà án vẫn đóng với nhà đầu tư nhỏ (bài 2) ảnh 1

TTCK đã hoạt động được hơn 10 năm, với các vụ tranh chấp diễn ra ngày càng phổ biến, nhưng cơ chế giải quyết tranh chấp tại toà án còn nhiều “khoảng trống”. Thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Toà kinh tế - Toà án nhân dân TP. Hà Nội cho thấy, các tranh chấp phổ biến nhất phát sinh khi bên mua nhận được cổ phiếu, nhưng lợi dụng cam kết giữa hai bên không rõ ràng, nên không thanh toán tiền cho bên bán. Trong khi đó, với đặc thù giá cổ phiếu lên xuống hàng giờ, hàng ngày, nên càng làm cho hoạt động giải quyết tranh chấp thêm phức tạp. Đặc biệt, hiện các văn bản hướng dẫn giải quyết tranh chấp tại toà án còn rất thiếu, nên gần như chưa định hình rõ nét phương thức giải quyết tranh chấp tại toà án.

Vì căn nguyên này mà mỗi khi thụ lý một vụ việc cụ thể, các cấp toà khác nhau, thậm chí ngay trong cùng một cấp toà có nhiều quan điểm giải quyết vụ việc khác nhau, làm cho tiến độ giải quyết các vụ tranh chấp bị kéo dài, thậm chí khó đảm bảo hài hoà lợi ích của các đương sự. Kết cục là hiệu quả giải quyết các tranh chấp tại toà án còn hạn chế. Điều đáng nói là tình trạng này tồn tại suốt một thời gian dài, cả NĐT lẫn đội ngũ trực tiếp tham gia giải quyết các vụ tranh chấp “kêu” nhiều, nhưng chưa được các cơ quan chức năng quan tâm hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp. Điều này phần nào tác động tiêu cực đến niềm tin của NĐT vào sự phát triển công bằng, minh bạch của TTCK.

   

“Cần có cơ chế uỷ quyền khởi kiện để hỗ trợ NĐT nhỏ

Luật sư Trần Vũ Hải, Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải

“Cửa” toà án vẫn đóng với nhà đầu tư nhỏ (bài 2) ảnh 2

Cùng với cơ chế khởi kiện và giải quyết tranh chấp tại toà án chưa rõ ràng, thiếu khả thi, thì chính sự am hiểu pháp luật hạn chế của NĐT nhỏ đang là cản trở lớn khi họ muốn tìm đến toà giải quyết tranh chấp. Để khắc phục tình trạng này, cần một cơ chế cho phép NĐT uỷ quyền khởi kiện ra toà cho một tổ chức cụ thể. Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp, việc thu thập thông tin, chứng cứ từ các NĐT cá nhân để hoàn chỉnh hồ sơ khởi kiện là rất khó và không hiệu quả nếu thiếu một cơ chế uỷ quyền khởi kiện.

Trong cơ chế này cần làm rõ các đơn vị nào sẽ đại diện cho NĐT đứng ra khởi kiện. Với tôn chỉ, mục đích hoạt động của VAFI là bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các NĐT, nên xem xét cho phép NĐT uỷ quyền cho VAFI đứng ra khởi kiện tại toà. Đây là cách khắc phục tình trạng tương quan quá chênh lệch về nhiều mặt theo kiểu “lấy trứng chọi đá” khi NĐT nhỏ khởi kiện CTCK hoặc các pháp nhân khác.

“Thủ tục giải quyết tranh chấp quá phức tạp”

TS. Đặng Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI)

“Cửa” toà án vẫn đóng với nhà đầu tư nhỏ (bài 2) ảnh 3

Hiện có hai con đường giúp NĐT đến toà án để tìm công lý. Thứ nhất, trong quá trình thanh tra, giám sát thị trường, nếu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát hiện vụ việc có dấu hiệu nghiêm trọng không thuộc chức năng xử lý hành chính, thì sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để điều tra, sau đó đưa ra xét xử theo luật định. Thứ hai, NĐT có thể chọn cách khởi kiện ra Toà kinh tế để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Thực tế, cả hai con đường này chưa giúp NĐT dễ dàng đến toà, không phải vì khó thu thập chứng cứ, mà chủ yếu là do thủ tục khởi kiện và giải quyết tranh chấp của toà án hiện quá phức tạp, kéo dài. Tâm lý của NĐT khi đi khởi kiện là muốn giải quyết nhanh gọn vụ việc, trong khi trường hợp thắng kiện ở toà cũng chưa chắc thu hồi được tiền thiệt hại, hoặc phải chịu cảnh theo kiện nhiều năm, khiến cơ hội đầu tư bị trôi qua, làm cho người bị hại ngại tìm đến toà để giải quyết tranh chấp. Bởi vậy, để tạo thuận lợi cho NĐT đến toà tìm công lý, thủ tục giải quyết tranh chấp tại toà án cần hoàn thiện theo hướng đơn giản, khả thi, tránh tình trạng đánh đố như hiện nay.

Bài 3: Chờ “cách mạng” từ Luật Chứng khoán