Đừng gắn cho NĐT cái mác bầy đàn khi chất lượng công bố thông tin của thành viên thị trường còn rất nhiều vấn đề.

Đừng gắn cho NĐT cái mác bầy đàn khi chất lượng công bố thông tin của thành viên thị trường còn rất nhiều vấn đề.

Đại chúng hóa nhà đầu tư bằng cách nào?

(ĐTCK) Với việc TTCK ngày càng có thêm nhiều hàng mới, yêu cầu đại chúng hóa nhà đầu tư (NĐT) trở thành yếu tố quan trọng để duy trì cầu thị trường, tạo điều kiện cho TTCK phát triển bền vững. Và tất nhiên, điều này chỉ có thể làm được khi 3 yếu tố đào tạo, chất lượng công bố thông tin và giám sát được quan tâm đầy đủ và đồng bộ.

Đào tạo

Trong thư gửi CTCK TP. Hồ Chí Minh (HSC) về yêu cầu cải chính thông tin đăng trên website của ITAexpress ngày 20/10/2008 có viết: "Việc đánh giá EPS của ITACO dựa trên kết quả kinh doanh của năm 2008 là sai lầm to lớn thứ hai mà người viết đã phạm phải. EPS của Tân Tạo phải được lấy từ lợi nhuận để lại chưa phân phối tăng thêm so với năm 2007 để tính toán mới chính xác. Số EPS của ITACO là VND 4.954". Bức thư được ký bởi bà Nguyễn Thị Sương, Phó tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng của CTCP Đầu tư & Công nghiệp Tân Tạo (ITACO). Đọc đến đây, không ít người phải giật mình, bởi một nguyên tắc đơn giản trong tính EPS là lấy lợi nhuận chia số cổ phiếu thì mấy người không biết? Còn lợi nhuận của năm? DN đã chấp nhận  thay đổi phương pháp kế toán, điều chỉnh hồi tố lợi nhuận của năm 2007 thì năm 2008 không lý gì lại bảo rằng, phải tính thế này, thế khác cho chính xác?

Đương nhiên, người viết hiểu ý của bà Sương rằng, kết quả kinh doanh thực sự năm 2008 của Công ty phải được hiểu là lợi nhuận năm nay cộng với phần hồi tố đã ghi vào kết quả năm trước do thay đổi phương pháp kế toán. Nhưng, đó là về lợi ích thực tế của cổ đông, còn EPS thì không có cách tính nào khác ngoại trừ lấy lợi nhuận chia số cổ phiếu (bình quân hoặc tùy theo từng loại EPS).

Nói vậy để thấy rằng, hiểu biết hiện tại của bộ phận lớn NĐT về đầu tư và quản lý danh mục đầu tư dường như vẫn còn rất khiêm tốt, vậy thì làm sao họ thể tự ra quyết định đầu tư hợp lý để từ đó giảm rủi ro do yếu tố bong bóng của thị trường? Thống kê của CFA Institute nói rằng: Hầu hết lợi nhuận sinh ra từ đầu tư không phụ thuộc vào những thành tựu của DN đã đạt được trong quá khứ. Vậy, nó phụ thuộc vào gì, nếu không phải là ước lượng, tính toán cho tương lai? Đầu tư tài chính là ước vọng trong tương lai và đòi hỏi NĐT phải có kiến thức, có công cụ tài chính và có cả thông tin. Thế nhưng, bao nhiêu % NĐT hiểu biết đầy đủ? Ngay cả những khóa học của Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán (SRTC) hay một số trung tâm có uy tín cũng chưa đào tạo đầy đủ cho NĐT hiểu về các công cụ trong phân tích, đầu tư; chưa kể số lượng học viên vẫn còn quá khiêm tốn so với số tài khoản trên thị trường. Làm sao chúng ta có thể hy vọng nhiều NĐT tham gia TTCK? Làm sao để họ có thể  phòng tránh rủi ro nếu không có hướng dẫn cụ thể? Cũng may, những CTCK vẫn đang tiếp tục và nỗ lực làm điều đó. Mỗi buổi chiều tối, CTCK Quốc tế Hoàng Gia vẫn thu hút đông đảo NĐT tham gia thay vì ở nhà chuẩn bị bữa cơm tối, bởi họ có thể tìm ở đó sự hỗ trợ thông tin, chia sẻ tầm nhìn để tự tin khi ra quyết định đầu tư của ngày hôm sau đó. Tại những CTCK khác như TVSI, Artex,Vincomsc, EuroCapital, VISE… cũng thường xuyên có các buổi hội thảo, hỗ trợ thông tin và tư vấn cho NĐT. Dẫu rằng, đây là động thái tích cực của các thành viên tham gia thị trường, nhưng giá như có được sự góp sức nhiều hơn nữa từ phía cơ quan quản lý như UBCK, Sở, Trung tâm… thì tốt biết bao?

Chất lượng công bố thông tin

Nhắc đến chuyện công bố thông tin (CBTT), không ít người sẽ bảo "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", nhưng dẫu sao đây cũng là chuyện phải bàn. Đến bây giờ, nhiều công ty đại chúng vẫn còn chưa biết hết. Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên đã hỏi lãnh đạo cao nhất của một công ty rằng: Tại thời điểm tạm ứng cổ tức, lợi nhuận của Công ty đạt được là bao nhiêu? Vị lãnh đạo này cứ nói vòng vo và kiên quyết không để lộ bí mật, dù DN đã có tới hơn 300 cổ đông! Đó là chưa kể tình trạng công bố thông tin theo kiểu đối phó, tức là đáp ứng đầy đủ yêu cầu công bố thông tin quý: doanh thu, lợi nhuận... mà không có thêm thông tin khác. Ai cũng biết rằng, biết doanh thu, lợi nhuận thì cũng tốt, nhưng để phân tích đầu tư một doanh nghiệp, doanh thu, lợi nhuận là con số quá sơ sài và không đủ dữ liệu. Chẳng hạn, nếu không để ý kỹ sẽ khó có thể biết được việc DN năm nay hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận do… bán tài sản cố định, nếu lợi nhuận từ thanh lý tài sản đó không gây đột biến. Và, ai có thể phân tích được, tại sao năm nay lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh tăng đột biến là do giá bán hàng hóa tăng, trong khi DN còn hàng ế từ năm trước để lại?… Với những thông tin công bố giữa niên độ như hiện nay, nếu không phải là người có quan hệ thân thiết với DN hoặc có vai trò tìm hiểu phù hợp thì… xin mời cứ việc đoán mò. Vậy thì, ai dám đảm bảo chuyện này không dẫn tới những rủi ro khôn lường, khiến NĐT khi nghĩ tới TTCK chẳng khác gì "con chim sợ cành cong" mà sớm lo… chạy thoát.

Đó là những trường hợp DN làm ăn không tốt. Nhiều trường hợp DN làm ăn hiệu quả, ngành nghề kinh doanh tốt, tài chính lành mạnh… mà vẫn không thu hút được NĐT, do chẳng mấy ai biết đến ưu điểm. Vậy làm sao để có thêm ngày càng nhiều NĐT giúp TTCK duy trì phát triển là vấn đề không chỉ của cơ quan quản lý, mà còn là của các DN. Những hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư, những cổng thông tin liên lạc luôn sẵn sàng phục vụ chính là những nhân tố quan trọng kéo DN lại gần hơn các NĐT.

Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới là, DN khi thực hiện công bố thông tin thường có cuộc gặp với các chuyên gia phân tích để cung cấp thông tin và trả lời thắc mắc. Chính những chuyên gia phân tích, thông qua các sản phẩm phân tích của mình sẽ giúp khách hàng của họ - chính là các NĐT hiểu rõ về DN để ra quyết định đầu tư. Vụ tranh cãi giữa ITA và HSC chính là một ví dụ về việc "chưa hiểu nhau" của nhà phân tích và DN. Bên cạnh đó, để tăng khả năng đưa thông tin đến NĐT, DN cũng nên mở đường dây nóng để sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến kết quả kinh doanh và kế hoạch của DN trong thời gian tới. Nếu như, các công ty đại chúng của Việt Nam làm tốt công tác này, chắc chắn TTCK Việt Nam sẽ bớt đi nhiều yếu tố rủi ro và bong bóng.

Tăng cường giám sát

Vẫn là câu chuyện quá cũ theo kiểu biết rồi, khổ lắm, nói mãi… nhưng chúng ta phải chấp nhận một sự thật là, nếu giám sát không nghiêm thì bao giờ mới tăng được tính đại chúng của TTCK? Thiếu minh bạch, NĐT cá nhân phải chịu không ít thiệt thòi do thiếu công bằng trong quyền lợi khách VIP và khách nhỏ lẻ; tình trạng đua lệnh, đặt lệnh tạo cầu giả… khiến không ít NĐT bị thiệt thòi. Và, một điều hiển nhiên là, khi TTCK không được minh bạch, tình trạng thao túng và lộng hành của các tài khoản đại gia kết hợp với việc các công ty niêm yết không làm đúng trách nhiệm của mình hoặc tình trạng của Bông Bạch Tuyết xuất hiện nhiều hơn, thì không chỉ làm giảm sự quan tâm của NĐT trong nước, mà còn khiến NĐT nước ngoài cũng ngần ngại không tham gia.

Thiết nghĩ, theo thời gian, lượng NĐT có thể sẽ tăng lên nếu cơ hội kiếm lời vẫn duy trì, nhưng để TTCK phát triển bền vững, yêu cầu đại chúng hóa NĐT với sự giúp sức của các bên có liên quan, đặc biệt từ phía cơ quan quản lý là cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Mỗi giai đoạn trầm lắng của TTCK, tại sao các cơ quan quản lý, thành viên tham gia thị trường lại không thể cùng nhau nghiên cứu, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện hỗ trợ phù hợp, để TTCK giai đoạn sau không còn nỗi lo bong bóng và những rủi ro từ một sân chơi không minh bạch và thiếu công bằng?