Đại gia kín tiếng

Đại gia kín tiếng

(ĐTCK) Bức tranh xám xịt của thị trường bất động sản 2012 được điểm xuyết một vài gam sáng, trong đó có chuyện kinh doanh của doanh nhân Lê Thanh Thản, ông chủ Khu đô thị Xa La và Đại Thanh.

Đại gia đáng nể

Bên cạnh Sàn giao dịch Bất động sản Mường Thanh lúc nào cũng tấp nập khách, văn phòng của doanh nhân Lê Thanh Thản được bài trí khá đơn giản, rộng chưa đầy 20 m2, mà nếu không quen sẽ chẳng ai đoán đây là nơi làm việc của một đại gia tầm cỡ.

Đầu tư tại Hà Nội đã gần chục năm với nhiều chung cư, khách sạn tại Định Công, Linh Đàm, Khu đô thị Xa La (Hà Đông), song năm 2012, thị trường mới biết nhiều về ông Thản với những phương thức bán hàng gây sốc. Sốc ở đây được hiểu theo nghĩa tích cực khi giá bán thấp nhất dành cho mỗi m2 căn hộ tại Chung cư Đại Thanh chỉ 10 triệu đồng/m2, thấp hơn cả nhà ở xã hội. Không ai đo lường được tài sản của doanh nhân này, nhưng chỉ cần suy xét một chút sẽ thấy đây là đại gia đáng nể. Ông bảo: “Đầu tư Khu chung cư Đại Thanh, doanh nghiệp không sử dụng vốn vay ngân hàng”. Tổng vốn đầu tư của Dự án Đại Thanh theo dự toán là 3.500 tỷ đồng, trong đó khoảng 20 block chung cư có vốn đầu tư ước 2.400 tỷ đồng. Nếu không vay ngân hàng, chủ đầu tư cần tự có khoảng 50% vốn (chi phí để hoàn thiện cơ sở hạ tầng và xây xong móng để đủ điều kiện bán hàng). Như vậy, riêng Dự án Đại Thanh, trong tay ông Thản phải có khoảng 1.200 tỷ đồng. Đó là chưa kể một loạt dự án tầm cỡ khác như Khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội), Chung cư VP3 Linh Đàm, Khách sạn 4 sao Mường Thanh Linh Đàm, khu nhà ở, trung tâm thương mại và hàng chục khách sạn 3 - 5 sao khác trên cả nước…

Đại gia kín tiếng ảnh 1

Qua sự đình đám của Dự án Đại Thanh và sự thành công của Dự án Xa La, thị trường mới biết nhiều về đại gia ẩn danh Lê Thanh Thản

Đẩy nhanh tiến độ, quay vòng vốn nhanh và tranh thủ cơ hội bán hàng có thể coi là bài học thành công của doanh nghiệp ông Thản. Riêng Dự án Đại Thanh, thị trường đóng băng là vậy mà Công ty bán được gần 4.000 căn hộ, chưa kể các dự án khác. Không thể phủ nhận, công nghệ thi công mới đang rút ngắn thời gian hoàn thiện công trình rất nhiều so với trước kia. Nếu như trước đây, mỗi tháng thi công được 1 tầng, thì nay theo lời ông Thản, mỗi tháng chủ đầu tư thi công được 4 tầng. Song nếu không có quyết tâm của chủ đầu tư, không phải dự án nào cũng hoàn thành nhanh như vậy. Dự án CT6 Khu đô thị Xa La dự kiến cuối quý I/2013 giao nhà, song đến tháng 12/2012 đã hoàn thiện và bắt đầu bàn giao. Dự án Đại Thanh dự kiến quý IV/2013 giao nhà, song với tiến độ này có thể tháng 9/2013 là giao nhà.

Trong khi nhiều chủ đầu tư còn tính tới, tính lui chuyện giảm giá, ông Thản đưa ra những quyết sách khiến ngay cả các cộng sự cũng bất ngờ. Tôi nhớ một ngày nọ, cộng sự của ông thông báo giảm giá căn hộ Đại Thanh xuống 10 triệu đồng/m2. Vì sao giảm như vậy, sốc quá, anh trợ lý lắc đầu không hiểu sao sếp lại làm vậy. Chỉ đến khi các sàn giao dịch khác vắng hoe mà Đại Thanh tấp nập người mua, môi giới ngồi nhan nhản mới biết, ông đã đi trước 1 nước cờ. Đáng chú ý là những căn hộ giá 10 triệu đồng/m2 không chiếm tỷ lệ lớn và cũng chỉ có mấy loại diện tích 30, 38 và 47 m2, vị trí không hẳn đã là đẹp, song phương thức này “độc” ở chỗ chẳng tốn công quảng cáo mà dự án nổi như cồn, người mua chen chân.

Không chỉ Dự án Đại Thanh có mức giá rất linh hoạt, Dự án VP3 Linh Đàm, Công ty cũng đưa ra chính sách sốc không kém: giảm giá từ 33 triệu đồng/m2 xuống 22 triệu đồng/m2. Dù đã bán được 70% căn hộ, chủ đầu tư áp dụng giá mới cho tất cả khách hàng trước đây đã mua căn hộ. Phương thức này đã kích cầu và giúp toàn bộ gần 400 căn hộ tại đây được mua hết trong thời điểm sức cầu teo tóp.

Cơ hội đến với những người nhanh chân trên thị trường. Lời giải bài toán sức cầu của ông Thản đã đi trước chính sách và thị trường một bước, khi năm 2013, với một loạt chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, phân khúc nhà giá rẻ được dự báo sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt, chứ không chỉ giới hạn ở vài dự án như hiện nay.

 

3 nguyên tắc vàng

Không thích xuất đầu lộ diện ở khắp chốn khắp nơi, doanh nhân này cũng không muốn nói nhiều về bản thân mình, song nếu gặp người tâm đắc, ông có thể ngồi hàng giờ để nói chuyện về kinh doanh, về bản sắc của doanh nghiệp Việt trên thị trường cạnh tranh đầy quyết liệt. Vui mà không nhờn, kính mà không sợ, ấy là cảm giác ông tạo ra cho người đối diện.

Nói về tài kinh doanh của những đại gia nắm trong tay hàng nghìn tỷ đồng, khó có thể miêu tả chân tơ kẽ tóc, cũng không thể hiện thực hóa đầy đủ bằng chữ, bằng số, song qua lời kể của các cộng sự, qua những dự án doanh nghiệp của ông Thản đã thực hiện đầu tư, có thể rút ra vài nét có tính quy luật và rất đáng để tham khảo.

Vị trí, vị trí và vị trí là câu khẩu hiệu của doanh nhân này. Ông Thản sẵn sàng trả mức giá cao cho một vị trí quan trọng. Khách sạn Mường Thanh Vinh tại ngã ba đường Phan Bội Châu cắt đường Trường Chinh là một ví dụ. Nhờ vị trí thuận lợi cho khách đi tàu, ra sân bay, công suất khai thác phòng nghỉ ở đây luôn đạt trên 80%.

Tại ngã ba Diễn Châu, Nghệ An, ông đầu tư trung tâm thương mại, nhà liền kề ngay khu đất trung tâm thị trấn, nơi giao nhau giữa Quốc lộ 7 (sang Lào) và Quốc lộ 1A, sát đường xuống bãi biển Diễn Thành. Lô đất ôm trọn cả chợ Phủ Diễn, chợ lớn nhất huyện. Nhờ vị trí đẹp nên tòa chung cư và khu nhà liền kề, cũng như các gian hàng trong trung tâm thương mại đã được khách mua hết từ lúc còn đang xây dựng. Chiến lược “mua cao bán cao ở vị trí quan trọng” còn được ông áp dụng ở những dự án khách sạn tại thị trấn Sapa (Lào Cai), TP. Nha Trang (Khánh Hòa), TP. Hạ Long (Quảng Ninh)…

Ông Thản còn chủ trương mua, thuê những vùng đất vị trí không trung tâm, giá rẻ nhưng sinh lợi vì có tầm phát triển. Ông bảo: “Khi ít vốn và cả khi đã trường vốn, nên áp dụng sách lược mua rẻ để bán rẻ hoặc kinh doanh lâu dài”. Đơn cử như việc doanh nghiệp mua các khu đất tại Định Công và Bắc Linh Đàm (Hà Nội). Đất Định Công là đất san lấp ao đầm giá rẻ, đất Linh Đàm giá đã san lấp mới, giá vài ba triệu đồng/m2 cũng rẻ so với mặt bằng giá đất Hà Nội thời điểm đó. Tầm nhìn của ông thể hiện ở chỗ, nhận định được hoặc biết thông tin sớm các lô đất đều nằm trong quy hoạch phát triển của Thủ đô. Khu đô thị Xa la (Hà Đông), khi bắt đầu xây dựng là đất loại 3, nhưng xây dựng xong hạ tầng, đất đã trở thành loại 1 (Hà Tây sáp nhập với Hà Nội).

Trong kinh doanh bất động sản, ông Thản không mua - bán quyền sử dụng đất, mà cải tạo hạ tầng đồng bộ và xây thành sản phẩm (căn hộ, gian hàng) mới bán. Cách làm này hạn chế vốn “chết” thời gian dài, hoặc rủi ro giá đất hạ, mà lại đáp ứng nhu cầu nhà ở, tạo được việc làm và bán căn hộ nhanh, không đọng vốn. Khép kín, đồng bộ là nguyên tắc đầu tư ông theo đuổi khi xây cả Khu đô thị Xa La rộng vài chục héc-ta, ngoài cao ốc có trường học, trạm xá, khu thương mại, khu vui chơi giải trí, đường giao thông, trạm điện nước và các dịch vụ khác.

Trong câu chuyện trà dư tửu hậu về các doanh nhân xứ Nghệ sống tại Hà Nội, cánh nhà báo vẫn gọi Lê Thanh Thản là “Hoa Nghệ đất Thăng Long”. Vượt qua nhiều tên tuổi trên thương trường, đại gia Mường Thanh được tôn vinh là một trong rất ít nhà chiến lược kinh doanh bất động sản thời kỳ mới.