Đánh thức vẻ đẹp Rồng thiêng

Đánh thức vẻ đẹp Rồng thiêng

Trong các nền văn minh lúa nước, Rồng như một vị Phúc thần, là sự kết tinh của Đất và Nước...

Ít người biết rằng, hơn 16 năm trước, khi Việt Nam và thế giới chưa hề biết đến kho báu vô giá ẩn mình dưới lớp đất Thành cổ Hà Nội, thì một người tâm huyết với nghiên cứu lịch sử dân tộc đã từng đề xuất phương án bảo tồn Thành cổ Hà Nội thành một công viên lịch sử - văn hoá, tạo một khoảng lặng, một không gian cổ kính và linh thiêng, lưu giữ lịch sử của Hà Nội ngàn năm.

Rồi Rồng Thăng Long được đánh thức. Hoàng thành Thăng Long được vinh danh Di sản Văn hóa thế giới. Tâm niệm xưa của ông vẫn chưa thành hiện thực, nhưng những suy tư, tâm huyết với kho báu vô giá ở Hoàng thành Thăng Long trong ông vẫn trở đi trở lại.

Nhân năm mới Nhâm Thìn, Nhà sử học Lê Văn Lan - Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học Khu di tích Thành cổ Hà Nội và thành Cổ Loa trò chuyện với Báo Đầu tư về chủ đề này.

 

Vị “Phúc thần” của dân tộc Việt

Thưa ông, trong 12 con giáp, duy chỉ có con Rồng là con vật không có thật, là một hình tượng. Nhân đầu năm mới Nhâm Thìn, ông có thể nói thêm về hình tượng và giá trị hình tượng con Rồng trong tâm thức người Việt bao đời nay?

Đánh thức vẻ đẹp Rồng thiêng ảnh 2

Tượng đầu Rồng thời Lý (thế kỷ XI - XII)

 

Trong lịch sử, văn hoá Việt Nam , đã có những tư liệu về con Rồng từ nền văn hoá Đông Sơn. Đến văn hoá Phục Hưng (văn hoá nhà Lý) thì hình tượng con Rồng đã hoàn thiện.

Hình tượng Rồng trong văn hoá Việt Nam là con vật tượng trưng cho uy quyền của thủ lĩnh. Từ thời Hùng Vương, đến thời kỳ chống Bắc thuộc, rồi Lý - Trần trở đi, các vị thủ lĩnh đều dùng hình tượng Rồng thể hiện uy quyền trong quản lý, điều hành đất nước.

Con Rồng trong lịch sử, văn hoá Việt còn có ý nghĩa nền tảng nữa là thể hiện gốc gác của cộng đồng cư dân làm kinh tế nông nghiệp, của nền văn minh lúa nước. Rồng như một vị Phúc thần, là sự kết tinh của Đất và Nước, rồi lại trả nghĩa cho Đất - Nước bằng cách tạo nên mưa gió thuận hoà, cho những vụ mùa bội thu.

 

Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng có hình tượng con Rồng, chẳng hạn Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước phương Tây… Vậy hình tượng con Rồng của người Việt có gì khác biệt, mang “màu sắc” văn hóa Việt, thưa ông?

Đặc trưng về hình thể của Rồng trong văn hoá Việt Nam là xuất phát từ con rắn. Dễ nhận ra đặc trưng này ở hình tượng Rồng thời Lý - Trần. Ngôn ngữ đời thường, kết tinh trong dân ca, ca dao, tục ngữ cũng tồn tại tổ hợp từ “rồng rắn” là từ đó. Còn ở phương Tây, Rồng đậm tính ngựa; ở Trung Quốc thì là sư tử.

Nhưng sự khác biệt lớn nhất là ở ý nghĩa của hình tượng Rồng. Rồng ở Việt Nam là linh vật, giữ vai trò của một Phúc thần, có thể tạo mây, phun mưa, cứu giúp mùa màng. Do đó, hình tượng Rồng tuy không có thực nhưng rất gần gũi, gắn bó với người dân Việt Nam .

Trong khi đó, ở phương Tây hay Trung Quốc, Rồng là quái vật, có khi là hung thần, như một thế lực đe dọa kẻ khác.

 

Lịch sử Việt Nam ghi nhận hai hình tượng Rồng rất đáng chú ý, đó là con “Rồng hiện” ở Hà Nội - mang lại tên gọi Thăng Long; và con Rồng “giáng” xuống vùng biển trời non nước hữu tình phía Đông Bắc của Tổ quốc, nay là danh thắng Hạ Long. Hai hình tượng đó có điểm gì giống và khác nhau, thưa ông?

Đó là một sự thú vị. Nhưng nhiều người còn nhầm lẫn, hoặc chưa hiểu hết ý nghĩa của mỗi hình tượng. “Thăng Long” không có nghĩa là “Rồng bay lên” (phi long mới là Rồng bay). “Thăng Long” có nghĩa là Rồng hiện lên, là sự thăng hoa giá trị; hoàn toàn không phải chỉ một động tác “bay lên” đơn thuần.

Còn “Hạ Long” có xuất phát điểm từ tư duy “lưỡng hợp” của người Việt, mọi sự luôn có đôi; có Thăng thì có Giáng, như Đất và Nước; Cao và Thấp; vì thế mà có Hạ Long. Đó là giá trị biểu tượng của một cặp đôi sinh trưởng, phát triển.

 

Đánh thức vẻ đẹp Rồng thiêng ảnh 3

Gạch trang trí hình Rồng, thời Lê Sơ

 

Hình tượng Rồng đóng góp gì vào chiều dày lịch sử oai hùng của Thăng Long, thưa ông?

Thăng Long là đất thiêng, tích tụ lịch sử của bao triều đại. Từ năm 1010, Vua Lý Thái Tổ đã đặt kinh đô đầu tiên là Thăng Long. Tôi thấy rất tâm đắc và thú vị, bởi chữ “Thăng Long” còn xuất phát từ gốc rễ của nơi được nhà vua chọn xây cung điện đầu tiên, ấy là Long Đỗ, nghĩa là Rốn Rồng.

Chốn ấy chính là huyệt điểm, cao điểm, linh điểm của đất thiêng Hà Nội. Suốt thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, Rồng cuộn mình, nằm chờ quý tính cao danh, đủ tầm vóc mưu nghiệp lớn đến đánh thức. Đó chính là Vua Lý Thái Tổ.

Và Rồng được đánh thức, bước sang kỷ nguyên mới của Rồng. Đất nước cũng từ đó đổi thay số phận, luôn kiên cường trước mọi thế lực để giành lấy chủ quyền thiêng liêng, xây dựng non sông tươi đẹp, nhà nhà ấm no.

 

Năm Rồng, mong uy linh Rồng thiêng

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã chạm tới từng bát cơm, manh áo của người dân, khiến hơn một năm qua, chúng ta ít nhiều lãng quên, hay không chú ý đúng mức đến Di sản Văn hóa thế giới - Hoàng Thành Thăng Long. Ông có chia sẻ gì về điều này?

Đó là một sự thật đáng suy ngẫm. Song lỗi không thuộc về cộng đồng, mà của chính những người có trách nhiệm quản lý, bảo tồn và tôn vinh giá trị của Di tích.

 

Những nỗi lo về bảo tồn di tích, đến nay có vợi đi phần nào không, thưa ông?

Thực lòng, tôi thấy vẫn còn ngổn ngang, quản lý còn nhiều bất cập,  chồng chéo.

Toàn khu di tích rộng đến 140 ha, chúng ta mới đưa khoảng 20 ha vào hồ sơ trình UNESCO, cam kết giữ gìn, nhưng đến nay, vẫn chưa bàn giao đủ phần đã trình, chưa nói đến vùng đệm.

Hiện trên mặt đất vẫn còn rất nhiều kiến trúc không cần thiết đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị Di tích. Người dân tới thăm Hoàng thành Thăng Long chưa được được nhìn thấy dấu tích đích thực của lịch sử ngàn năm trước, mà vẫn là những công trình kiến trúc phương Tây phơi mình ở đó.

 

Bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO cho rằng, Hoàng thành Thăng Long là minh chứng cho 10 thế kỷ giao lưu và giao thoa văn hóa từ khắp nơi ở châu Á. Nhưng đến nay, người dân chưa hình dung được sẽ thưởng ngoạn và tự hào về giá trị cốt lõi đó như thế nào?

Điều tạo nên giá trị nổi bật của Di tích chính là “Trung tâm quyền lực của một quốc gia tồn tại lâu dài hàng nghìn năm trong lịch sử”. Vậy thì, phải làm sao để du khách, nhân dân thấy được ý nghĩa đó, nhận thức được vai trò của Hoàng thành Thăng Long trong hiện thực lịch sử, cũng như vai trò tâm linh, với những giá trị tượng trưng sâu sắc, bền chặt. Đó là hướng đi đúng duy nhất.

 

Nhân năm Rồng và chuyện bảo tồn Di tích, ông có tâm niệm, mong muốn điều gì về tài sản vô giá đó của dân tộc?

Tôi nghĩ, những người có trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích phải nhận thấy trọng tránh lớn lao của mình, đó là giữ gìn một di sản đặc biệt của quốc gia,  cũng là của nhân loại.

Để phát huy giá trị Di tích, phải nâng tầm suy nghĩ ở một mức cao hơn, không thể dè xẻn trong đầu tư - cả về tiền bạc lẫn chính sách và trí tuệ, tâm huyết. Ấy cũng là cách đánh thức vẻ đẹp, giá trị của Rồng thiêng trong đời sống hôm nay.

Hy vọng rằng, năm con Rồng này, năm cầm tinh vị Phúc thần, vị chủ chính danh của vùng đất thiêng Thăng Long, Rồng sẽ mang đến những điều tốt đẹp cho đất nước, cho Hà Nội và cho riêng Di tích - Di sản vô giá mà chúng ta có trách nhiệm gìn giữ cho tương lai.