Đầu tư 1.105 tỷ đồng mở rộng đoạn cao tốc An Phú - vành đai 2 TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
Đây là phân đoạn đầu của tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài 3,2 km, dự kiến được nâng cấp, mở rộng lên quy mô 8 làn xe.
Vị trí xây dựng Dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2.

Vị trí xây dựng Dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2.

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ GTVT hỗ trợ xem xét có ý kiến về đề xuất chủ trương đầu tư Dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2.

Theo đó, Dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2 có điểm đầu tại Km0+800 (lý trình cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây), tiếp giáp điểm cuối Dự án nút giao An Phú; điểm cuối tại Km4 (lý trình cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) tại điểm bắt đầu nút giao vành đai 2 (không bao gồm phần cầu cạn trong nút giao) với tổng chiều dài tuyến 3,2 km.

Theo đề xuất, đoạn từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2 sẽ được mở rộng 2 bên, mỗi bên 4,75m, đảm bảo quy mô 8 làn xe, bề rộng nền đường 36 m, khổ cầu tương ứng với khổ đường.

Tổng mức đầu tư dự án là 1.105,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 0 đồng; chi phí xây dựng là 874 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác là 87,4 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 144,2 tỷ đồng.

Sở GTVT TP.HCM dự kiến phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư trong quý III/2023; phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi trong quý IV/2023; lựa chọn nhà thầu thi công trong quý II/2024; tổ chức triển khai xây dựng từ quý III/2024 đến quý IV/2025.

Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư giai đoạn 1 vào tháng 2/2007 nhằm mục đích tạo lập một hệ thống giao thông liên vùng, tạo tiền đề khai thác tối đa thế mạnh của từng địa phương, kích thích phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đồng thời sẽ là cửa ngõ phía Đông của TP.HCM đón nhận du khách và hàng hóa quốc tế.

Giai đoạn đầu của Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với quy mô 4 làn xe đã hoàn thành và được đưa vào khai thác từ năm 2015 đến nay.

Với lưu lượng xe ngày càng tăng, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng ùn ứ trên tuyến cao tốc này: khu vực thường xảy ra kẹt xe là từ TP.HCM đến Quốc lộ 51 và ở chiều ngược lại hướng từ Đồng Nai về TP.HCM. Ngày 25/6/2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 94/2015/QH13 về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc Long Thành dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.

Với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm khi hoàn tất các giai đoạn, đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai, Chính phủ đã định hướng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ là một cảng trung chuyển hàng không và là một thủ phủ hàng không của cả nước cũng như trên thế giới. Với quy mô và vai trò quan trọng như vậy, việc kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với hệ thống hạ tầng giao thông khu vực là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Theo dự kiến Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Như vậy, với quy mô hiện tại của Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn tuyến từ nút giao An Phú đến nút giao Quốc lộ 51 không đáp ứng được nhu cầu vận tải trên tuyến.

Đặc biệt, đến năm 2025, Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đưa vào khai thác sử dụng Dự án sẽ không thể đáp ứng được khả năng thông hành.

Để đáp ứng một phần nhu cầu vận tải tăng cao, ngày 28/3/2022, UBND TP.HCM đã phê duyệt Dự án xây dựng nút giao thông An Phú để tăng cường kết nối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ và các trục chính của thành phố. Dự án đã được khởi công vào quý IV/2022 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.

Đồng thời, hiện nay Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang đề xuất đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ nút giao vành đai 2 đến Quốc lộ 51 với quy mô hoàn chỉnh từ 8 đến 10 làn xe cao tốc để đảm bảo khả năng thông hành của tuyến đường. Dự án dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành cuối năm 2025, phù hợp với việc khai thác giai đoạn 1 Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 để việc khai thác toàn bộ tuyến đường được đồng bộ là yêu cầu cần thiết.

Tin bài liên quan