Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII): Đại dịch Covid-19 gia tăng áp lực trả lãi vay với dư nợ lên tới 17.500 tỷ đồng

Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII): Đại dịch Covid-19 gia tăng áp lực trả lãi vay với dư nợ lên tới 17.500 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII - sàn HOSE) thông báo ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới hoạt động kinh doanh của công ty.

Theo đó, đối với hoạt động thu phí giao thông, CII đã thực hiện dừng thu phí theo đúng yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc dừng thu phí tuy không ảnh hưởng đến hiệu quả các dự án BOT trong dài hạn, nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp dến doanh thu, lợi nhuận trong năm 2021.

Đối với hoạt động bất động sản, việc thực hiện giãn cách và dừng thi công các công trình xây dựng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản của CII. Do vậy, việc hạch toán doanh thu, lợi nhuận theo kế hoạch trong năm 2021 gần như bắt buộc phải chuyển sang năm 2022.

CII nhấn mạnh: “Các khó khăn khách quan nói trên và việc bắt buộc phải hạch toán các chi phí quản lý, chi phí lãi vay và phân bổ lợi thế thương mại theo chuẩn mực kế toán, đã ảnh hưởng lớn đến việc hạch toán lợi nhuận của CII trong năm 2021”.

Áp lực lãi vay 17.500,7 tỷ đồng

Được biết, trong nhiều năm trở lại đây, CII liên tục thực hiện chiến lược tăng vay nợ để tài trợ cho hoạt động mở rộng kinh doanh. Tính tới 30/6/2021, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng thêm 5,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 922,5 tỷ đồng lên 17.500,7 tỷ đồng và chiếm 57,8% tổng tài sản.

Lịch trả nợ vay của CII tính tới 30/6/2021
Lịch trả nợ vay của CII tính tới 30/6/2021

Đáng chú ý, doanh nghiệp đang chịu áp lực thanh toán các khoản vay và nợ thuê tài chính trong vòng 1 năm là 874,6 tỷ đồng, lịch thanh toán các khoản trái phiếu thường là 1.111 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ sở hữu tiền và đầu tư tài chính 1.050,3 tỷ đồng, ngoài ra còn chịu áp lực thanh toán lãi vay với tổng nợ vay lên tới 17.500,7 tỷ đồng.

Như vậy, với việc hoạt động thu phí BOT bị ảnh hưởng, cũng như hoạt động BĐS bị ảnh hưởng, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền vào công ty. Trong khi đó, vẫn chịu áp lực trả lãi vay và các khoản nợ vay tới hạn trong vòng 1 năm tới.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2021, CII ghi nhận doanh thu đạt 1.068,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 56,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 63% và giảm 45,6% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 40% về chỉ còn 35,8%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 45,7% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 119,9 tỷ đồng lên 382,4 tỷ đồng; chi phí lãi vay tăng 25,2% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 54,2 tỷ đồng lên 269,2 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 136,3%, tương ứng tăng thêm 13,22 tỷ đồng lên 22,9 tỷ đồng; lợi nhuận khác giảm 47,4%, tương ứng giảm 21,2 tỷ đồng về 23,5 tỷ đồng; chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tăng 64,3 tỷ đồng lên 64,8 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, CII ghi nhận doanh thu đạt 2.032,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 104,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 80,2% và giảm 72,3% so với 6 tháng đầu năm 2020.

Xét về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, dòng tiền kinh doanh chính âm 802,1 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 903,7 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 139,7 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 899,4 tỷ đồng (doanh nghiệp chủ yếu tăng vay nợ dẫn tới dòng tiền tài chính dương). Như vậy, doanh nghiệp đã gia tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh chính trong kỳ.

Trước đó, trong năm 2020, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính cũng âm kỷ lục 1.393,9 tỷ đồng, doanh nghiệp cũng thực hiện huy động dòng tiền vay để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/9, cổ phiếu CII giảm 300 đồng về 18.550 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan