
Ông Lê Hải Bình, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì Hội thảo.
Tại Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số”, PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí lần này không chỉ là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn, mà còn mang ý nghĩa kiến tạo, nhằm mở đường cho báo chí bước vào “hành trình 100 năm mới”.
Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình cho biết, việc hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí lần này là những bổ sung cơ bản, hình thành không gian, cơ chế, tạo hành lang pháp lý để báo chí phát triển, giúp người làm báo có thể yên tâm làm nghề trong những năm tới.
Trong dự thảo mới có một số nội dung đáng chú ý cần được tiếp thu các ý kiến đóng góp, gồm vấn đề kinh tế báo chí, chuyển đổi số như thế nào và về tổ hợp báo chí truyền thông.
Thứ trưởng Lê Hải Bình cũng lưu ý, trong quá trình xây dựng Luật, phải bám sát các văn bản, nghị quyết của Đảng, quy định pháp luật cùng thực tiễn để tiếp tục kịp thời tham mưu, điều chỉnh nếu có phát sinh.
Một trong những điểm mới mà Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lần này là bổ sung quy định về mô hình "Tổ hợp báo chí truyền thông". Theo đó, cơ quan báo chí hoạt động theo mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông được phép có một số cơ quan báo chí trực thuộc; được có cơ chế tài chính, lao động, tiền lương như doanh nghiệp; được phép có doanh nghiệp trực thuộc hoặc góp vốn tại doanh nghiệp. Có 2 mô hình là tổ hợp báo chí truyền thông chủ lực đa phương tiện và tổ hợp báo chí truyền thông địa phương. Chính phủ là cơ quan được giao quy định chi tiết về điều kiện, tiêu chí, thẩm quyền thành lập, mô hình hoạt động, cơ chế tài chính của tổ hợp báo chí truyền thông.
Liên quan đến nội dung này, tại Hội thảo, TS Lê Hải, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử (Tạp chí Cộng sản) thông tin, trao đổi về một số mô hình Tập đoàn truyền thông trên thế giới. Theo đó, Trung Quốc coi báo chí là đơn vị sự nghiệp, nhưng hoạt động và quản lý theo mô hình doanh nghiệp.
Từ thực tiễn hình thành và phát triển các tập đoàn truyền thông của nước ngoài, TS Lê Hải cho rằng, việc hình thành các tổ hợp truyền thông hoạt động tương tự như các tập đoàn truyền thông của nước ngoài, là nhu cầu phát triển khách quan và nội tại của báo chí Việt Nam. Việc tổ chức các tổ hợp truyền thông tại Việt Nam hiện nay là hết sức cần thiết. Tổ hợp truyền thông ra đời là nhân tố góp phần hoàn thiện những vấn đề đang còn thiếu và yếu của nền truyền thông nước ta, như về thể chế, điều kiện, môi trường báo chí, mô hình tổ chức cơ quan báo chí, chiến lược quy hoạch...
Đặc biệt, TS Lê Hải chỉ ra, hầu hết các cơ quan báo chí của Việt Nam chưa tiếp cận mô hình tổ chức hiện đại, giữ mô hình tổ chức cũ với phương thức quản trị hiệu quả không cao. Khi phát triển tới một trình độ nhất định, mô hình tổ chức cũ sẽ mâu thuẫn với trình độ lực lượng sản xuất mới, cản trở phát triển.
Ghi nhận tinh thần cải cách mạnh mẽ của dự thảo Luật Báo chí sửa đổi, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm cho rằng, lần đầu tiên nhiều khái niệm mang tính “thị trường truyền thông” hiện đại như “kênh nội dung trên không gian mạng”, “tổ hợp báo chí”, hay “cơ quan truyền thông đa phương tiện” được quy định trong luật - cho thấy tư duy lập pháp đã bắt nhịp với thực tiễn số hóa và hội tụ truyền thông.
Tuy nhiên, ông Tú cũng cho rằng cần làm rõ thêm một số nội dung để tránh vướng mắc khi triển khai sau này. Đơn cử như Điều 23 về liên kết trong hoạt động báo chí, cần xác định rõ thế nào là “pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp”.
Còn bà Nguyễn Thị Sự, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam thì đề xuất, Nhà nước nên có cơ chế đặc thù về tài chính, lao động, tiền lương, công nghệ cho mô hình báo chí truyền thông đa phương tiện.
“Qua ý kiến thảo luận có nhiều mô hình khác nhau, gắn với chế độ chính sách đi kèm. Đề nghị cân nhắc thể hiện câu chữ theo hướng mở hơn, ứng cho nhiều mô hình phù hợp", bà Sự đề xuất.
Thứ hai, mô hình tổ hợp báo chí địa phương, có thể không nêu chữ “địa phương mà nêu “tổ hợp báo chí” nói chung.
Thứ ba, vấn đề bản quyền báo chí. Dự thảo mới có duy nhất Điều 39 ngắn gọn về vấn đề bản quyền: “Cơ quan báo chí phải thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan khi đăng, phát tác phẩm báo chí”.
Ông Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cũng cho rằng, các cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay là cơ quan sự nghiệp có thu, nhưng đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Nếu không giải quyết được bài toán kinh tế báo chí, báo chí không thể phát triển.
Báo chí hiện có 4 nguồn thu chính: Bán nội dung (gần như không còn hoặc rất ít); Ngân sách Nhà nước (rất hạn chế, chỉ một số cơ quan lớn được cấp); Truyền thông - quảng cáo (đang bị sụt giảm mạnh); Tài trợ, viện trợ từ tổ chức, cá nhân (rất hiếm và không ổn định).
“Câu hỏi đặt ra: Vậy báo chí đang sống bằng gì và phát triển bằng gì? Muốn báo chí phát triển phải định hướng kinh tế báo chí, không có thực lực không phát triển được, nếu không có nguồn nhân lực tốt. Cần có quy định nào bán nội dung trên báo điện tử, không để tất cả các tờ báo phải bán”, ông Sưởng nêu quan điểm và cho rằng nếu không có cơ chế phù hợp, sẽ không thể phát triển nền kinh tế báo chí vững mạnh.
“Tổ hợp truyền thông hay tổ hợp báo chí là gì? Tổ hợp truyền thông chỉ là tên gọi của một đơn vị tổ chức mà chưa phải là đơn vị có tính chất pháp nhân như một doanh nghiệp hay đơn vị sự nghiệp. Ngay từ yếu tố cơ bản đó, liên quan đến yếu tố cơ chế, điều kiện vận hành, vai trò như thế nào...”, ông Nguyễn Kim Khiêm, Tổng giám đốc Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội đặt vấn đề. Nếu một tổ hợp báo chí truyền thông là một doanh nghiệp hoặc một đơn vị sự nghiệp, vậy thì những cơ quan báo chí trực thuộc nếu có tư cách pháp nhân thì có phải một đơn vị sự nghiệp trong đơn vị sự nghiệp không, hoạch toán thế nào, báo cáo tài chính sẽ theo mô hình nào…?
"Nếu được, rất mong bộ, ban, ngành, các đơn vị có thêm một hội thảo riêng về mô hình tổ hợp truyền thông để mổ xẻ các yếu tố khác, và có góc nhìn về tư pháp, tài chính của một mô hình mới. Khi đó, chúng ta luật hóa được ở mức có thể thực hiện ngay”, ông Khiêm đề xuất.