
Quốc hội nghe tờ trình Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Ảnh: Quochoi.
Sáng 13/5, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình Quốc hội Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.
Đề xuất này, theo Bộ trưởng, nhằm thể chế hóa mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
Đáng chú ý, phương án giảm thuế giá trị gia tăng tại dự thảo Nghị quyết lần này có sự thay đổi nội dung so với quy định tại các nghị quyết của Quốc hội trước đây.
Cụ thể, Bộ trưởng cho biết, thuế giá trị gia tăng có các loại hàng hoá, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng và không chịu thuế giá trị gia tăng (có hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng, có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu áp dụng thuế suất 0%, có hàng hoá, dịch vụ chịu thuế suất 5% và có hàng hoá, dịch vụ chịu thuế suất 10%) thì chỉ giảm thuế đối với hàng hoá, dịch vụ chịu thuế suất 10%.
Trong nhóm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% thì mở rộng đối tượng được giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá, dịch vụ phục vụ cho sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng nhằm hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa, hàng hoá đặc biệt góp phần quan trọng trong sản xuất kinh doanh. Như, sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, than ở khâu nhập khẩu và than bán ra ở khâu kinh doanh thương mại, xăng, dầu.
Không giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá là tài nguyên khoáng sản, trừ hàng hoá đặc biệt góp phần quan trọng trong sản xuất kinh doanh như: Sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm kim loại.
Tương tự, hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ mặt hàng xăng, cũng không được giảm thuế.
Chính phủ cũng đề xuất giữ nguyên các dịch vụ không được giảm thuế giá trị gia tăng theo quy định tại các nghị quyết của Quốc hội trước đây như: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản.
Chốt lại, Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng). Thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.
Thẩm tra, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 theo đề nghị của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, gắn với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế thế giới có nhiều biến động bất ổn không thể lường trước, việc tiếp tục ban hành chính sách này có thể xem là một biện pháp hướng vào tiêu dùng nội địa nhằm thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% đã đề ra, Chủ nhiệm Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc mở rộng diện đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng, đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng việc này là cần thiết để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định môi trường vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ có giải pháp hiệu quả để bảo đảm khắc phục được các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách do vẫn có các hàng hóa, lĩnh vực loại trừ, không được giảm thuế, bảo đảm mục tiêu dễ thực hiện và tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Đồng thời, cần đánh giá kỹ hơn về tác động đối với nguồn thu ngân sách nhà nước, bảo đảm việc thực hiện chính sách giảm thuế gắn với mục tiêu ổn định tài khóa trung hạn và an toàn nợ công, bảo đảm nhất quán với các chính sách thuế khác như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Mãi nêu ý kiến.