Chủ tịch đoàn điều hành ĐHCĐ

Chủ tịch đoàn điều hành ĐHCĐ

ĐHCĐ thường niên 2023 VPBank (VPB): Sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt liên tục trong vòng 5 năm tới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phát biểu tại ĐHCĐ thường niên 2023, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank (mã chứng khoán VPB) cho biết: “Với nền tảng vốn hiện nay đủ để Ngân hàng duy trì tăng trưởng cao trong vòng 5 năm tiếp theo, nên sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 tới".

Phát biểu tại Đại hội, ông Bùi Hải Quân, Phó chủ tịch HĐQT VPBank nói: “Tôi không nhớ được chính xác lần cuối VPBank chia cổ tức bằng tiền mặt là khi nào, nhưng chắc cũng phải hơn 10 năm. Năm nay, sau hơn 10 năm, VPBank đã tiến hành chia cổ tức tiền mặt. Tôi chúc quý vị cổ đông năm nay và nhiều năm sau đều sẽ có tờ trình như thế này trong bộ hồ sơ trình ĐHCĐ”.

Còn nhớ hơn 10 năm trước, tại ĐHCĐ thường niên 2012, các cổ đông khá gay gắt khi đề nghị chia cổ tức năm 2011 bằng tiền của họ đã không được đáp ứng, mà Ngân hàng quyết định trả cổ tức bằng cổ phiếu.

“Ngân hàng là một doanh nghiệp đặc biệt, trong đó chỉ tiêu quy mô, an toàn vốn đóng vai trò rất quan trọng. Vốn phải tăng theo lộ trình để đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, khi VPBank có quy mô lớn sẽ được thuộc đối tượng đi sáp nhập, chứ không phải bị sáp nhập. Điều này đồng nghĩa nhu cầu tăng vốn của VPBank là liên tục và cần thiết khi VPBank muốn trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu của Việt Nam”, lãnh đạo VPBank lúc đó giải thích.

Do vậy, không khó để giải thích tại sao ngay khi ông Quân dứt lời, cả hội trường đã vỗ tay hưởng ứng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank đã chia sẻ tiếp tin vui: “Với nền tảng vốn hiện nay đủ để Ngân hàng duy trì tăng trưởng cao trong vòng 5 năm tiếp theo, nên sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 tới. VPBank sẽ duy trì tăng trưởng cao và dành 30% lợi nhuận hàng năm để chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông”.

Được biết, VPBank dự kiến sẽ chia cổ tức tiền mặt, tỷ lệ 10% trong năm nay, tương đương 1.000 đồng/cổ phiếu, thực hiện vào khoảng quý II - quý III. Thời gian cụ thể do Hội đồng quản trị quyết định, đảm bảo phù hợp quy định pháp luật và các điều kiện thực tế của ngân hàng. Số tiền dự kiến chi trả cổ tức tiền mặt là 7.934 tỷ đồng.

VPBank có kế hoạch phát hành 30,22 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (ESOP), với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về 302,2 tỷ đồng. Số cổ phiếu này sẽ bị phong tỏa tối đa 3 năm, được nới lỏng thời gian hạn chế chuyển nhượng tùy thuộc vào chính sách nhân sự trong mỗi thời kỳ.

Đáng chú ý, VPBank đã trình cổ đông thống nhất đầu tư góp vốn, hợp tác, liên doanh, liên kết. Trong đó, ĐHĐCĐ thống nhất về mặt chủ trương và thông qua các phương án/giao dịch VPBank thực hiện góp vốn/mua cổ phần, thành lập hoặc mua lại công ty con, liên kết, hợp tác, tham gia vào các phương án cơ cấu lại/hỗ trợ tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng yếu kém hoặc các hình thức khác với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác.

Trả lời câu hỏi chất vấn của cổ đông liên quan đến thương vụ SMBC mua 15% đã hoàn tất? Ông Ngô Chí Dũng cho biết, ngày 27/3, Ngân hàng đã ký thoả thuận hợp tác và ngày 17/4 vừa qua đã nhận được đặt cọc 10% giá trị thương vụ là hơn 3.900 tỷ đồng. Còn một số thủ tục khi phát hành riêng lẻ sẽ kéo dài 2-3 tháng. Dự kiến cuối tháng 7, đầu tháng 8 sẽ hoàn tất thương vụ, khi đó đối tác sẽ chuyển hết tiền vào.

Cũng theo ông Dũng, VPBank là một trong bốn ngân hàng tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, nhận chuyển giao bắt buộc. Ngân hàng đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cơ quan chức năng nên hiện tại mới chỉ có thể thông tin như vậy.

“Trong dự thảo đề án, 4 ngân hàng tham gia tái cơ cấu sẽ có 2 ngân hàng được nới room ngoại lên 49%, nhưng còn phụ thuộc vào quá trình phê duyệt nên hiện tại chưa thể nói điều gì chính xác được”, ông Dũng nói.

Một trong những vấn đề "nóng" được cổ đông chất vấn tại ĐHCĐ đó là câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp, trong đó Novaland là cái tên được nhắc đến. Đại diện VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc cho biết, tổng trái phiếu doanh nghiệp VPBank đang đầu tư tính đến thời điểm hiện tại là hơn 30.000 tỷ đồng, giảm hơn 5.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022 và dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ giảm còn khoảng 20.000 tỷ đồng.

Ông Vinh chia sẻ, gần 60% trái phiếu doanh nghiệp là trái phiếu bất động sản với hơn 44 nhà đầu tư bất động sản. Trái phiếu doanh nghiệp của mỗi nhà đầu tư bất động sản không chiếm quá 1% tổng dư nợ của VBank. 100% trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo và có đủ điều kiện để xử lý nếu có vấn đề phát sinh.

"Đúng là dư nợ của Novaland đang gặp khó khăn, nhưng như tôi đã đề cập, trái phiếu của mỗi nhà đầu tư bất động sản tại VPBank dưới 1% tổng dư nợ và Novaland là một trong hơn 40 nhà đầu tư bất động sản của Ngân hàng. VPBank vẫn đang quản lý dòng tiền của Novaland và dòng tiền vẫn còn để tiếp tục chi trả các khoản nợ của doanh nghiệp bất động sản này. VPBank Không có sức ép về việc chuyển nợ xấu của Novaland từ nay đến cuối năm", ông Vinh nói.

Ông Vinh tiết lộ thêm, ngoài trái phiếu doanh nghiệp, VPBank còn sở hữu 30.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ.

Về kế hoạch kinh doanh của năm 2023, ông Vinh cho biết, là năm thứ hai trong giai đoạn chuyển đổi 2022-2026, trong bối cảnh diễn biến thị trường vẫn còn nhiều biến động khó lường, HĐQT VPBank đã đặt ra các định hướng hoạt động cho Ban điều hành với các chỉ tiêu cơ bản như tổng tài sản đạt 877.460 tỷ đồng tăng trưởng 39%; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá 518.192 tỷ đồng tăng trưởng 41%; dư nợ cấp tín dụng đạt 635.972 tăng trưởng 33%; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; lợi nhuận trước thuế đạt trên 24.000 tỷ đồng tăng trưởng 13%.

Tin bài liên quan