ĐHĐCĐ VPBank: Bán 50% vốn FE Credit, phát hành 15 triệu cổ phiếu ESOP

ĐHĐCĐ VPBank: Bán 50% vốn FE Credit, phát hành 15 triệu cổ phiếu ESOP

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiều ngày 29/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán VPB – sàn HOSE) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 tại Hà Nội. Tất cả các tờ trình đã được cổ đông thông qua.

Tại Đại hội, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho biết, năm 2021 VPBank sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào phát triển chất lượng và bền vững để đạt được các chỉ tiêu về tăng trưởng hiệu quả.

VPBank đặt kế hoạch năm 2021 với tổng tài sản đạt 492.409 tỷ đồng, tăng 17,5%; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đạt 353.280 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 16,6%, đạt 376.340 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ (theo Thông tư 02) nhỏ hơn 3% và lợi nhuận trước thuế đạt 16.654 tỷ đồng, tăng 27,9%.

Năm 2020, dư nợ cấp tín dụng tăng trưởng 19%, hoàn thành 106% kế hoạch. Chất lượng tài sản VPBank được quản lý ở mức dưới 3% cho cả quy mô ngân hàng hợp nhất và riêng lẻ, trong đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ xuống dưới 2%.

Huy động khách hàng đạt 99% kế hoạch, tăng trưởng 9,1% so với năm 2019. Linh hoạt trong việc điều tiết bảng cân đối cùng với việc chủ động đa dạng hoá nguồn vốn đã giúp VPBank đạt dược mục tiêu giảm chi phí vốn và cải thiện tỷ lệ CASA.

Lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 13.000 tỷ USD, hoàn thành 127,5% kế hoạch đề ra, góp phần duy trì các tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu và tài sản nằm trong nhóm hiệu quả hàng đầu thị trường, đạt lần lượt 22% và 2,6%.

Tại đại hội, HĐQT VPBank trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2020. Theo đó, thống nhất việc giữ lại khoản lợi nhuận còn lại sau trích quỹ bắt buộc 8.852 tỷ đồng nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của Ngân hàng.

Chuyển nhượng tối đa 50% cổ phần tại FE Credit cho nhà đầu tư Nhật Bản và Chứng khoán Bản Việt

Theo đó, VPBank trình Đại hội thông qua phương án chuyển nhượng tối đa 50% vốn góp của VPBank tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit), tương đương 50% vốn điều lệ của FE Credit, cho các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài với 2 giao dịch chuyển nhượng.

Cụ thể, VPBank dự kiến chuyển nhượng phần vốn góp tương đương với 49% vốn điều lệ của FE Credit cho SMBC Consumer Finance (Nhật Bản) và 1% cho CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC). Sau khi giao dịch hoàn tất, FE Credit vẫn là công ty con của VPBank.

Trước đó, ngày 28/4, VPBank thông báo đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) để bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit), với mức định giá 2,8 tỷ USD.

“Sau bán vốn, VPBank sẽ cùng đối tác chiến lược tạo nên những giá trị cao hơn, nâng tầm FE Credit. Khoảng 1 - 2 năm đầu, lợi nhuận thu về từ FE Credit có thể sẽ bằng hoặc giảm so với hiện nay, song về dài hạn, triển vọng phát triển của FE Credit là rất lớn. FE Credit vẫn là một thành viên quan trọng của VP Bank”, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc của VP Bank cho biết.

Phát hành tối đa 15 triệu cổ phiếu ESOP

Ngoài ra, Ngân hàng cũng trình cổ đông hai phương án phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP).

Hiện VPBank có hơn 75,2 triệu cổ phiếu quỹ. Đây là số cổ phiếu VPBank mua lại cổ phần ưu đãi cổ tức 2018 và mua trên sàn giao dịch năm 2019. Ngân hàng dự kiến dùng 15 triệu cổ phiếu trong số đó bán ra với giá ưu đãi bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu theo chương trình ESOP.

Hơn 60 triệu cổ phiếu quỹ còn lại dự kiến phát hành cho các nhà đầu tư chiến lược hoặc các nhà đầu tư trên thị trường.

Cổ phiếu ESOP được mua sẽ bị phong tỏa (hạn chế chuyển nhượng) tối đa 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt bán và được nới dần qua các năm. Sau phát hành, vốn điều lệ của VPBank dự kiến tăng tối đa thêm 150 tỷ đồng, lên gần 25.450 tỷ đồng. Thời điểm thực hiện là vào quý III/2021.

Tin bài liên quan