DN không tổ chức ĐHCĐ, ai bảo vệ quyền lợi NĐT?

DN không tổ chức ĐHCĐ, ai bảo vệ quyền lợi NĐT?

(ĐTCK-online) ĐTCK số 74 ra ngày 21/6 phản ánh trường hợp CTCP Kim Thạch 3 năm liền không tiến hành ĐHCĐ, vi phạm nghiêm trọng quy định tại Luật Doanh nghiệp. Sau đó, ĐTCK đã liên hệ với lãnh đạo Công ty để tìm câu trả lời. Từ vụ việc trên, ĐTCK cũng nhận được phản ánh của nhiều NĐT khác về các trường hợp tương tự.

>> 3 năm liền không ĐHCĐ: Công ty Kim Thạch phớt lờ quyền lợi của cổ đông 

Trường hợp của Kim Thạch

Ông Lê Hoàng Dương, Chủ tịch HĐQT Kim Thạch thừa nhận phản ánh của cổ đông là hoàn toàn có cơ sở. Theo ông Dương, sau khi cổ phần hóa, hiện nay Kim Thạch vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, liên quan đến sự tồn vong của Công ty. Điều này khiến nhiều trách nhiệm của Kim Thạch với các cổ đông chưa thể thực hiện. Đầu tiên là sự cố không may mắn khi mỏ đá Bình An Kim Thạch đang khai thác phải dừng lại, do vướng quy hoạch mới của tỉnh Bình Dương. Ba năm qua, Kim Thạch đấu tranh không mệt mỏi, nhưng đến tháng 4/2010 vừa qua, cơ quan quản lý có văn bản cuối cùng chính thức yêu cầu Công ty đóng mỏ, trả lại hiện trạng khu vực như ban đầu.

Chưa hết, ông Dương cho biết, với mỏ đá tại Tân Thành Vũng Tàu, Công ty cũng không may mắn khi không thể xin được giấy phép như dự kiến. 1 héc-ta đất tại quận 6, mặt tiền đường An Dương Vương là khối tài sản có giá trị lớn nhất của Công ty tính đến thời điểm hiện tại. Trước đây, Kim Thạch cho đối tác nước ngoài thuê, nhưng do làm ăn thua lỗ, đối tác đã giải thể về nước. Điều này khiến khối tài sản lớn phải bỏ hoang do mảnh đất đang đứng tên đối tác, dù nhiều đơn vị muốn thuê hoặc hợp tác phát triển kinh doanh.

Ông Dương cho biết thêm, sau hai lần chào bán cổ phiếu ra công chúng, 3 năm sau khi cổ phần hóa, Kim Thạch chưa sản xuất - kinh doanh gì đáng kể. Số nhân sự của Công ty đã giảm 90%, hiện chỉ còn duy trì hoạt động tối thiểu của khối văn phòng. Tiền lương nợ đọng dai dẳng, Công ty mất khả năng thanh toán, nguồn thu dựa hoàn toàn vào sự thu hồi công nợ cũ.

Ông Dương cho rằng, một trong những lý do sâu xa dẫn tới tình trạng bi đát hiện nay của Kim Thạch là nhiều bất cập trong việc định giá tài sản DN khi cổ phần hóa, chủ yếu ở việc xác định công nợ (phải trả) và giá trị tài sản thật. Trước viễn cảnh không mấy sáng sủa, Kim Thạch đang cố gắng hết sức để tránh rơi vào tình trạng phá sản, nên không còn tâm trí để triệu tập ĐHCĐ. Giải pháp trách nhiệm, ít tốn kém có lẽ là Kim Thạch sẽ gửi một lá thư thông báo tình trạng hiện thời cho các cổ đông!

Theo phản ánh của NĐT, có không ít trường hợp khác phớt lờ quyền lợi cơ bản của cổ đông là tham dự ĐHCĐ. Chẳng hạn, NĐT ngụ tại quận Phú Nhuận, TP. HCM phản ánh, anh là cổ đông của CTCP Công nghệ tự động Trí Việt (trụ sở tại đường Cao Thắng nối dài, quận 10, TP. HCM). Anh lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi mua cổ phần của công ty này, vì sau đó không nhận được thông tin gì về tình hình hoạt động của DN, do Công ty không triệu tập ĐHCĐ thường niên trong hai năm qua. Năm nay, HĐQT hết nhiệm kỳ, giờ đây phải bầu lại, nhưng do Công ty không tổ chức đại hội nên anh cũng không biết các vị trong HĐQT ai đi, ai ở và các quyết định có giá trị pháp lý hay không…

 

Cổ đông cần lên tiếng

Thực tế, nhiều DN niêm yết thời gian qua đã thực hiện tốt nghĩa vụ cơ bản nhất với cổ đông là tổ chức ĐHCĐ thường niên và cung cấp nhiều thông tin về tình hình hoạt động. Hàng ngàn công ty đại chúng khác, dù chưa niêm yết, nhưng phải đăng ký và chịu sự giám sát hoạt động từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Quyền dự họp của cổ đông tại các công ty này được đảm bảo. Tuy nhiên, với các CTCP chưa phải là công ty đại chúng, quyền lợi của cổ đông dường như vẫn bị xem nhẹ. Khi bị xâm phạm các quyền lợi cơ bản như vậy, các cổ đông cũng không biết cơ quan nào sẽ đứng ra phân xử, bảo vệ quyền lợi cho mình.

Về điều này, luật sư Trần Phương Bắc, Văn phòng Luật sư Luật Việt cho biết, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, CTCP phải tiến hành họp ĐHCĐ hàng năm tối thiểu một lần trong thời hạn 4 tháng, kể từ khi kết thúc năm tài chính. Nếu có lý do khách quan tác động thì DN có thể lùi thời gian tổ chức, HĐQT xin gia hạn, nhưng thời gian không quá 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính. Nếu vi phạm, DN có thể bị xử phạt hành chính từ 7 - 10 triệu đồng theo Nghị định 53/2007/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Trước câu hỏi của ĐTCK, cổ đông có thể làm gì để DN đáp ứng quyền lợi cơ bản nhất của người góp vốn là được dự họp để biết thông tin về tình hình hoạt động, đọc báo cáo tài chính…, luật sư Bắc cho rằng, NĐT có thể gửi đơn khiếu nại lên Sở Kế hoạch và Đầu tư để thanh tra của cơ quan này xử phạt và cưỡng chế, buộc DN phải có nghĩa vụ tổ chức ĐHCĐ theo luật định. Ngoài ra, cổ đông có thể khởi kiện DN ra tòa án, yêu cầu tòa án ra phán quyết cưỡng bức DN tiến hành đại hội hoặc bồi thường thiệt hại (nếu có).