Bà Nguyễn Thị Hương Nga, Giám đốc toàn quốc Quản lý rủi ro tín dụng, Ngân hàng ANZ, Thành viên Hội đồng bình chọn BCTN 2013

Bà Nguyễn Thị Hương Nga, Giám đốc toàn quốc Quản lý rủi ro tín dụng, Ngân hàng ANZ, Thành viên Hội đồng bình chọn BCTN 2013

“DN nên có cái nhìn nhìn thiết thực hơn về BCTN”

(ĐTCK) Tham gia chấm BCTN năm nay, tôi nhận thấy, dường như nền kinh tế khó khăn vừa qua đã khiến các DN có nhiều ưu tiên quan trọng hơn việc chuẩn bị BCTN. Điều này đã làm cho mặt bằng chung về chất lượng cũng như hình thức của các BCTN có phần thấp hơn so với năm trước.

Số lượng các BCTN khiến Hội đồng bình chọn chúng tôi cùng có ấn tượng mạnh ngay từ đầu đã giảm đi đáng kể, ý tưởng về hình thức của các BCTN cũng có vẻ hạn chế hơn.

Đa số BCTN của các DN đều thẳng thắn nhận định về những khó khăn của môi trường kinh tế vĩ mô, là nguyên nhân khiến cho kết quả kinh doanh của DN không đạt được chỉ tiêu kế hoạch. Tuy nhiên, những yếu kém, hạn chế trong quá trình quản trị, điều hành của DN cũng là một trong những nguyên nhân khiến DN chưa đủ khả năng “vượt sóng dữ” thì lại chỉ có một số ít DN mạnh dạn thừa nhận. Các biện pháp để hạn chế tác tiêu cực của kinh tế vĩ mô được đề cập trong một số BCTN còn nặng tính sách vở, lý thuyết chứ chưa thực sự cho thấy hiệu quả và tác dụng thực tiễn vào hoạt động của DN.

Trong BCTN năm nay, đã có nhiều hơn số DN thực hiện phép so sánh kết quả hoạt động kinh doanh của mình với các DN cùng ngành nhưng phần lớn đều so sánh mình với những DN yếu hơn, chứ chưa đặt mình đứng cạnh những cái tên tiêu biểu. Việc so sánh “nửa vời” này có thể trở thành “con dao hai lưỡi”, tạo nên tâm lý “thỏa mãn giả” cho cả ban quản trị lẫn nhà đầu tư, mà không nhìn nhận được một cách khách quan những điểm mạnh để phát huy và điểm yếu để khắc phục.

Về vấn đề quản trị rủi ro, các DN đề cập nhiều hơn trong BCTN, nhưng cũng mới chỉ dừng ở mức độ liệt kê, chưa tập trung phân tích kỹ tác động của các loại rủi ro vào hoạt động kinh doanh của DN, chưa nêu ra những biện pháp DN đã áp dụng để giảm thiểu rủi ro và hiệu quả của các biện pháp đó. Nhà đầu tư, những người không trực tiếp tham gia vào hoạt động quản trị DN rất cần những thông tin cụ thể, chi tiết như vậy để đảm bảo rằng, nguồn vốn của mình được sử dụng một cách có hiệu quả và bền vững.

Thiết nghĩ, các DN nên có cái nhìn thiết thực hơn về ý nghĩa của BCTN và ảnh hưởng của BCTN đến quyết định của các nhà đầu tư. Từ đó, DN có sự chuẩn bị tốt hơn và nâng cao chất lượng của BCTN, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn và DN cần phải “giữ chân” nhà đầu tư ở lại với DN lâu dài hơn, nhằm đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động của DN trong tương lai.