5 tháng đầu năm, PPC đạt lợi nhuận 350 tỷ đồng, đạt 87% kế hoạch cả năm

5 tháng đầu năm, PPC đạt lợi nhuận 350 tỷ đồng, đạt 87% kế hoạch cả năm

Doanh nghiệp bước vào giai đoạn tăng tốc

(ĐTCK) Cùng với các giải pháp cải thiện sức cầu cho nền kinh tế, DN cũng đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, rốt ráo để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Ông Lê Thế Sơn, Kế toán trưởng CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cho biết, sản lượng điện sản xuất trong 5 tháng đầu năm ước đạt 2.863 triệu kwh và lợi nhuận trước thuế ước đạt 350 tỷ đồng. Dù không được hưởng lợi từ việc chênh lệch tỷ giá đồng yên như  năm trước, nhưng chỉ trong 5 tháng đầu năm, PPC đã đi được 87% chặng đường lợi nhuận cả năm (400 tỷ đồng).

Đại diện PPC cũng giải thích, những tháng đầu năm là mùa khô, nên các tổ máy của PPC đều hoạt động với công suất cao,  lợi nhuận từ sản xuất điện trong 5 tháng đầu năm khá ổn định.

Còn tại một doanh nghiệp cùng ngành với PPC là CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH), quý II này, lợi nhuận dự kiến cũng khả quan hơn so với quý I, do DN bước vào mùa tiêu thụ điện cao điểm. Trong quý I/2014, VSH đạt lợi nhuận 48 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2013.

Những DN lớn đầu ngành vẫn duy trì được kết quả kinh doanh ổn định và tăng trưởng. Dù chưa có con số cụ thể, nhưng lãnh đạo CTCP Khoan và dịch khoan Dầu khí (PVD) cho biết, lợi nhuận quý II dự kiến sẽ đạt cao hơn so với mức 579 tỷ đồng mà PVD đã đạt được trong quý trước.

Hay như công bố mới đây của CTCP FPT (FPT) cho thấy, 4 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu 9.775 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2013; lợi nhuận sau thuế đạt 636 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2013. Các công ty con của FPT như FPT Software, FPT IS… duy trì được kết quả kinh doanh khá ổn định.

Điều “dễ thở” hơn đối với các DN hiện nay là lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm, việc tiếp cận vốn lúc này cũng không còn quá khó khăn. Đặc biệt, các DN ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, khối DN thường xuyên sử dụng vốn vay lớn, đã giảm bớt áp lực cũng như giúp các DN yên tâm sản xuất. Các DN sản xuất - kinh doanh thép cũng cho biết, lượng tiêu thụ thép trong tháng 4/2014 và trong tháng 5 đã tăng trở lại.

Lãnh đạo CTCP Thép Việt Đức (VGS) cho biết, ưu tiên hàng đầu hiện nay là đẩy mạnh tiêu thụ, giảm hàng tồn kho, tăng công suất hoạt động để giải quyết việc làm cho người lao động.

Dù tình hình kinh doanh có phần khởi sắc so với đầu năm nay, khi tình hình vĩ mô bớt căng thẳng hơn, nhưng ở mỗi ngành lại tồn tại những khó khăn riêng. Ông Nguyễn Thái Bình, Phụ trách công bố thông tin của CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) cho biết, trong vòng 2 tuần trở lại đây, đà giảm của giá cao su đã bắt đầu chững lại và có dấu hiệu tăng, nhưng mức tăng không đáng kể. TRC đặt mục tiêu giá bán bình quân trong năm 2014 đạt 45 triệu đồng/tấn, nhưng giá bình quân trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt trên 40 triệu đồng/tấn. Hiện chưa có con số cụ thể, nhưng ước tính lợi nhuận 5 tháng đầu năm 2014 của TRC có thể đạt trên 66 tỷ đồng; trong đó, lợi nhuận 4 tháng đầu năm đạt 58,67 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Bình cho biết, Công ty đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh để hoàn thành chỉ tiêu doanh thu 759 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 173,4 tỷ đồng.

4 tháng đầu năm, CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) ước đạt lợi nhuận trước thuế 60,6 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với mức 90,2 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014. Giá mủ cao su tiêu thụ bình quân 4 tháng đầu năm của DPR dự kiến chỉ đạt 46,6 triệu đồng/tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 61,9 triệu đồng/tấn.

Dù vẫn còn khó khăn nhất định, nhưng có thể thấy, giai đoạn khó khăn nhất của các DN đã qua và các DN đang bước vào giai đoạn tăng tốc trong thời gian tới.

Tin bài liên quan