Dòng bank “trở mặt”, VN-Index lao dốc

Dòng bank “trở mặt”, VN-Index lao dốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán mạnh và dứt khoát trên toàn thị trường đã khiến VN-Index lao dốc từ vùng đỉnh ngắn hạn 1.240 điểm, bốc hơi gần 30 điểm và rơi về sát mốc 1.210 điểm, nhưng thanh khoản xác lập mức cao nhất từ tháng 9/2023.

Sau 2 phiên rung lắc và điều chỉnh nhẹ, thị trường đã nhanh chóng tìm lại sắc xanh ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 23/2. Dòng tiền sôi động nhập cuộc sôi động với sự trở lại của nhóm cổ phiếu vua đã tiếp sức cho đà tăng của thị trường, giúp VN-Index tìm lại mốc 1.230 điểm và tiếp tục nới rộng đà tăng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn tràn đầy năng lượng khi lực cầu mạnh tiếp tục gia tăng với tâm điểm là các cổ phiếu ngân hàng. Đồng loạt các mã bank đua nhau tăng tốc, trong đó BID tiếp tục xác lập đỉnh lịch sử mới tại mức giá trần, đã giúp VN-Index thẳng tiến lên ngưỡng 1.240 điểm chỉ sau hơn 10 phút mở cửa.

Tuy nhiên, ngay khi chạm vùng kháng cự trên, áp lực bán bắt đầu gia tăng và lan rộng hơn thị trường. Mọi nỗ lực còn sót lại ở một số mã bank như BID, TCB cũng không đủ để giúp VN-Index “gượng dậy” trước lực bán mạnh và dứt khoát. Trong khoảng 1 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index đã bốc hơi hơn 25 điểm từ vùng đỉnh ngắn hạn 1.240 điểm rơi thẳng đứng xuống mốc 1.215 điểm với sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử.

Toàn bộ các nhóm ngành đều đổi sắc, ngoại trừ duy nhất nhóm cổ phiếu thủy sản đang cố gắng giữ sắc xanh nhạt.

Điều đặc biệt là thanh khoản thị trường tăng vọt. Trên sàn HOSE, khối lượng giao dịch đã vượt 1,3 tỷ đơn vị, với tổng giá trị giao dịch trên 1,2 tỷ USD trước khi thị trường bước vào đợt khớp lệnh ATC, cao nhất kể từ cuối tháng 9/2023 đến nay.

Thị trường vẫn tịnh tiến lùi trong đợt khớp lệnh ATC và đóng cửa tại mức giá thấp nhất, tương ứng biến động giảm lên tới gần 30 điểm kể từ mức giá cao nhất trong phiên. Đồng thời, thanh khoản đạt xấp xỉ phiên 22/9/2023 với giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt xấp xỉ 32.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 1,28 tỷ USD.

Kết phiên, sàn HOSE chỉ còn 98 mã tăng và có tới 414 mã giảm, VN-Index giảm 15,31 điểm (-1,25%), xuống 1.212 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,39 tỷ đơn vị, giá trị xấp xỉ 31.983 tỷ đồng, tăng mạnh 65,87% về khối lượng và 78,17% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 66,62 triệu đơn vị, giá trị gần 1.900 tỷ đồng.

Nhóm VN30 quay xe khi giảm tới gần 17 điểm khi chỉ còn 2 mã giữ được sắc xanh là BID và VJC, cùng duy nhất SSB đứng giá tham chiếu, còn lại đều mất điểm.

Dù áp lực bán gia tăng đã khiến BID hạ độ cao nhưng kết phiên mã này vẫn tăng ấn tượng 4,5% lên mức 52.000 đồng/CP, đây cũng là mức giá đóng cửa cao nhất của BID, đã đóng góp hơn 3,3 điểm cho chỉ số chung.

Tuy nhiên, đà tăng của BID không đủ để gánh nổi sức ép đến từ các cổ phiếu khác trong ngành khi tất cả đều đã chuyển đỏ, đã khiến nhóm cổ phiếu vua đảo chiều giảm. Trong đó, ngoài VCB, TCB và MBB giảm nhẹ, còn lại đều mất trên 1-2%, với LPB giảm mạnh nhất là 3,4%.

Bên cạnh đó, các nhóm cổ phiếu khác cũng đồng loạt lao dốc mạnh. Đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động gây sức ép lớn lên thị trường khi những mã vốn hóa lớn đều lùi sâu. Tổng cộng nhóm bất động sản đã giảm tới 3,25%.

Điểm sáng le lói duy nhất là nhóm cổ phiếu chế biến thủy sản may mắn giữ được sắc xanh với mức tăng chỉ còn 0,62%. Trong đó, VHC, IDI, ACL, FMC đều hạ độ cao, còn ASM, CMX đảo chiều giảm cùng thị trường chung.

Về thanh khoản, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm của dòng tiền. Trong đó, SHB dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh hơn 50,66 triệu đơn vị, tiếp theo là MBB khớp hơn 49 triệu đơn vị, TPB khớp 43,6 triệu đơn vị, VPB khớp 42,13 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng mạnh với tâm điểm là nhóm HNX30 cũng khiến thị trường giảm sâu sau phiên chiều.

Chốt phiên, sàn HNX có 59 mã tăng và 120 mã giảm, HNX-Index giảm 2,93 điểm (-1,25%) xuống 231,08 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 120 triệu đơn vị, giá trị 2.144 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,6 triệu đơn vị, giá trị 115,3 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 bốc hơi hơn 10 điểm khi có tới 25 mã giảm, trong khi chỉ còn 4 mã tăng đều chỉ trên dưới 1%.

Trong đó, top 5 mã giao dịch sôi động nhất đều đóng cửa ở mức giá thấp nhất của phiên chiều như SHS khớp 25,8 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 2,3% xuống 17.300 đồng/CP; CEO khớp 10,82 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 1,4% xuống 21.200 đồng/CP, PVS giảm 2,7% xuống 36.000 đồng/CP và khớp hơn 8 triệu đơn vị, HUT và MBS cùng khớp hơn 6 triệu đơn vị, tương ứng giảm 2,1% và 1,1%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng không nằm ngoài xu hướng chung, đáng kể như TTH lùi về mốc tham chiếu, TIG đảo chiều giảm 1,6%, AMV và IDJ giảm 4,7%... Trong khi đó, cổ phiếu S99 không giữ được sắc tím nhưng vẫn tăng khá tốt 8%.

Trên UPCoM, thị trường cũng không thoát khỏi xu hướng điều chỉnh chung.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,46%), xuống 90,16 điểm với 169 mã tăng và 158 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 72,26 triệu đơn vị, giá trị 828,25 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,96 triệu đơn vị, giá trị 33,66 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn có thanh khoản tốt nhất thị trường với xấp xỉ 7,9 triệu đơn vị giao dịch, tuy nhiên đóng cửa giảm 2% xuống mức 19.300 đồng/CP.

Trong khi đó, các cổ phiếu ngân hàng vẫn giao dịch lình xình với ABB và NAB cùng đóng cửa đứng giá tham chiếu, BVB tăng nhẹ chưa tới 1%, VAB vẫn là tăng tốt nhất đạt 2,4%.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm khá mạnh, trong đó VN30F2403 giảm 12,9 điểm, tương đương -1% xuống 1.225,1 điểm, khớp lệnh hơn 271.850 đơn vị, khối lượng mở 44.390 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế lớn, trong đó CVPB2309 giao dịch sôi động nhất với gần 6,15 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 4,5% xuống 210 đồng/cq. Tiếp theo là CSTB2322 khớp 4,22 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 9% xuống 710 đồng/cq.

Tin bài liên quan