Hiện tại, dòng tiền vẫn tiếp tục hướng vào cổ phiếu vừa và nhỏ.

Hiện tại, dòng tiền vẫn tiếp tục hướng vào cổ phiếu vừa và nhỏ.

Dòng tiền sẽ tìm đến cổ phiếu đột biến về lợi nhuận

(ĐTCK-online) Xu hướng chủ đạo của thị trường về dài hạn vẫn là tích lũy để đi lên, nhưng trước mắt, các diễn biến chủ đạo của thị trường lại tập trung vào dòng tiền đầu cơ ngắn hạn. Hiện nay, các chỉ số chung đang tiếp cận ngưỡng cản trên ngắn hạn và nếu blue-chips tiếp tục đi ngang, rất có khả năng thị trường sẽ có một đợt giảm nhẹ sau khi sóng penny-stock kết thúc.

Đó là góc nhìn của ông Lê Văn Thanh Long, một người từng có các trải nghiệm sâu sắc với TTCK Việt Nam từ những ngày đầu, hiện là chuyên viên cao cấp CTCK SME. Xin giới thiệu bài viết ông dành cho ĐTCK về góc nhìn thị trường trong thời gian tới.

 

Thị trường có thể sẽ giảm nhẹ khi sóng penny-stock kết thúc

Thị trường gần đây đã có khá nhiều thay đổi về bản chất. Nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn đang trở nên nặng nề. Trong khi đó nhóm cổ phiếu nhỏ thu hút sự chú ý của NĐT với giao dịch hết sức sôi động. Một bộ phận lớn dòng tiền đầu cơ đã và đang tập trung vào các cổ phiếu vừa và nhỏ - nơi hứa hẹn các cơ hội tìm kiếm siêu lợi nhuận trong ngắn hạn. Tương tự nguyên tắc bình thông nhau, dòng tiền hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu blue-chips sẽ giảm, dẫn đến sự đi ngang của nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn. Đây là lý do VN-Index không có sự bứt phá đáng kể trong quý I/2010. Trạng thái này có thể tiếp diễn sang nửa đầu quý II.

Rất nhiều blue-chips hiện đã đến giai đoạn phát triển bão hòa. Trong quá khứ, các bước nhảy vọt về lợi nhuận của nhiều DN niêm yết gắn với tiềm năng về đất đai, xuất phát điểm thấp… Tuy nhiên hiện tại, các lợi thế này đã được khai thác triệt để, dư địa tạo ra đà tăng trưởng bùng nổ của các DN trong thời gian tới không nhiều. Rất nhiều NĐT tổ chức đã và đang cảm nhận rằng, nhiều blue-chips đã chững lại, thậm chí có nhiều DN niêm yết ban lãnh đạo đã không thể thuyết phục được cổ đông về các chiến lược phát triển công ty trong dài hạn.

Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện khái niệm về tập đoàn. Nhiều công ty cổ phần lớn, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh nhờ thu hút vốn và cơ hội trên TTCK, hiện vẫn đang loay hoay trong giai đoạn tái cấu trúc và định hướng lại mô hình hoạt động tối ưu.

Do ngày càng có nhiều NĐT cảm nhận được sức ỳ từ các blue-chips nên khối lượng tiền nóng, tiền đầu cơ ngắn hạn sẽ được tập trung vào các penny-stocks, từ đó gây ra hiện tượng đột biến ở các mã cổ phiếu nhỏ. Các cổ phiếu này có vốn hóa thị trường thấp khi tăng giá mạnh càng thu hút dòng tiền nóng đổ vào. Các tác động này sẽ làm giảm kỳ vọng tăng trưởng của nhóm blue-chips trong trung hạn. Bởi vậy về tổng thể, nhóm cổ phiếu blue-chips khó có sự bứt phá mạnh trong ngắn hạn.

Hiện tại dòng tiền vẫn tiếp tục hướng vào cổ phiếu vừa và nhỏ. Các blue-chips có thể phục hồi từ mức giá thấp hiện nay, nhưng kỳ vọng tăng giá ngắn hạn của các blue-chips vẫn không nhiều. Hiện nay, các chỉ số chung của thị trường đang tiếp cận ngưỡng cản trên ngắn hạn và nếu blue-chips tiếp tục đi ngang, rất có khả năng thị trường sẽ có một đợt giảm nhẹ sau khi sóng penny-stock kết thúc.

 

Nhận định về cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu ngân hàng chiếm một tỷ trọng rất lớn trong "rổ" Index, hiện nay nhiều NĐT kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu này sẽ bật dậy sau một thời gian tích lũy đã dài. Trong quá khứ, nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò tiên phong trong mỗi chu kỳ đi lên. Tuy nhiên, sau một thời gian dài tăng trưởng mạnh (2006-2008), ngành ngân hàng có lẽ đang đối mặt với sự suy giảm tốc độ tăng trưởng và tín dụng, vì vậy trong trung hạn, kỳ vọng đối với tương lai của ngành này khó cao.

Theo chỉ số P/E của ngành ngân hàng được công bố, dường như cổ phiếu ngân hàng hiện nay khá hấp dẫn với mức P/E thấp. Tuy nhiên, các ngân hàng Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào tín dụng hơn là dịch vụ. Mặt khác, tiêu chuẩn đánh giá rủi ro của ngân hàng Việt Nam chưa đáp ứng các chuẩn quốc tế, các dự án cho vay về BĐS có thể tồn tại rất nhiều rủi ro, vì vậy, dự phòng rủi ro đã trích lập của các ngân hàng Việt Nam cần phải được điều chỉnh cao hơn. Từ đó thu nhập trên mỗi cổ phiếu ngân hàng giảm xuống, EPS hạ, nên chỉ số P/E có lẽ cần điều chỉnh và sự thật sẽ khác đi.

Các ngân hàng đều thực hiện lộ trình tăng vốn điều lệ theo quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP. Trào lưu tăng vốn theo quy định hoặc do áp lực tăng trưởng như hiện nay sẽ làm nản lòng một số nhà đầu tư dài hạn (những người không đủ tài chính để theo đuổi việc tăng vốn này), nên một bộ phận NĐT sẽ tất yếu thoái vốn.

Ngân hàng là nhóm có khối lượng cổ phiếu lớn và cơ sở cổ đông rộng nên khả năng tăng giá mạnh là điều khó xảy ra. Do vậy, hiện tại việc mua và nắm giữ cổ ngân hàng cho mục tiêu ngắn hạn chưa phải là lựa chọn tốt, khả năng chôn vốn trong ngắn hạn là khá cao.

 

Chiến lược giao dịch năm 2010

TTCK Việt Nam hiện nay vẫn ở giai đoạn dao động không xu hướng sau thời gian hồi phục vào quý II và quý III năm 2009. Các yếu tố vĩ mô hiện đã ổn định và có xu hướng tích cực, đây là tín hiệu quan trọng cho thấy kinh tế Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng một cách an toàn. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam khó có thể quay lại quỹ đạo tăng trưởng với tốc độ cao trong một vài năm tới, vì vậy khó có thể trông chờ TTCK Việt Nam có sự bứt phá mạnh mẽ trong tương lai gần.

Xu hướng chủ đạo của thị trường về dài hạn vẫn là tích lũy để đi lên, phù hợp với các yếu tố cơ bản của nền kinh tế. Nhưng trước mắt, diễn biến chủ đạo lại tập trung vào dòng tiền đầu cơ mang tính ngắn hạn. Do giai đoạn dao động không xu hướng có thể kéo dài, nên xu hướng chính của các NĐT Việt Nam - đa phần dòng vốn đầu tư mang tính ngắn hạn, sẽ tập trung vốn và công sức đi tìm kiếm các cổ phiếu có khả năng đột biến về lợi nhuận. Từ đó sẽ tạo ra các cơn sóng nhỏ trong thị trường, tập trung vào các cổ phiếu vừa và nhỏ (mid-and small-caps).

Với các yếu tố kinh tế vĩ mô dần ổn định, TTCK Việt Nam có thể tăng trưởng tốt vào giai đoạn cuối năm 2010. Nhiều khả năng VN-Index có thể đạt được mục tiêu 625 điểm và HNX-Index có thể đạt 220 điểm vào cuối năm.