Dữ liệu việc làm tại Mỹ yếu kém, giới đầu tư xả hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall giảm trong phiên thứ Ba (4/4), sau khi có dữ liệu cho thấy nền kinh tế đang nguội lạnh, làm trầm trọng thêm lo ngại rằng chiến dịch thắt chặt của Fed nhằm kiềm chế lạm phát có thể gây ra một cuộc suy thoái sâu sắc.
Dữ liệu việc làm tại Mỹ yếu kém, giới đầu tư xả hàng

Theo đó, cơ hội việc làm của Mỹ trong tháng Hai giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm với 1,7 cơ hội cho mỗi một người thất nghiệp, cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt. Trong khi đó, đơn đặt hàng của nhà máy giảm tháng thứ hai liên tiếp, mất 0,7% trong tháng 2 sau khi giảm 2,1% trong tháng 1.

Báo cáo mới cũng cho thấy, trong tháng 2/2023, số lượng vị trí tuyển dụng giảm xuống dưới 10 triệu đơn vị lần đầu tiên trong gần 2 năm, một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động từng rất nóng hỗ trợ nền kinh tế đang bắt đầu chững lại.

Sal Bruno, Giám đốc đầu tư của IndexIQ ở New York, cho biết: "Số lượng việc làm giảm khiến mọi người lo lắng rằng việc tuyển dụng đang diễn ra quá chậm và điều đó làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế nặng nề hơn”.

Phiên này, nhóm cổ phiếu ngân hàng bị ảnh hưởng mạnh, sau khi CEO của JPMorgan Chase cảnh báo trong một bức thư gửi các cổ đông rằng, cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ đang diễn ra và tác động của nó sẽ còn kéo dài trong nhiều năm.

Các cổ phiếu ngân hàng đồng loạt rơi với Bank of America và Wells Fargo & Co giảm hơn 2% và đưa chỉ số ngân hàng S&P 500 giảm 1,9%.

Kết thúc phiên 4/4, chỉ số Dow Jones giảm 198,77 điểm (-0,59%), xuống 33.402,38 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 23,91 điểm (-0,58%), xuống 4.100,60 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 63,12 điểm (-0,52%), xuống 12.126,33 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, sau dữ liệu kinh tế yếu kém ở Mỹ, trong khi giá sản xuất khu vực đồng euro giảm tháng thứ năm liên tiếp trong tháng 3 cũng ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,05% xuống 457,51 điểm, với cổ phiếu dầu khí đảo chiều giảm 1,4% và ảnh hưởng đến chỉ số.

Các công ty lớn về dầu mỏ như Shell, BP, Tenaris và TotalEnergies giảm từ 1% đến 2,5% do giá dầu thô hạ nhiệt, sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ sụt giảm trong tháng 3 xuống mức thấp nhất trong gần ba năm do các đơn đặt hàng mới sụt giảm.

Stuart Cole, Trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô tại Equiti Capital, cho biết: “Ngày càng có nhiều suy đoán rằng việc cắt giảm sản lượng gần đây của OPEC+ được dự đoán là do nhu cầu giảm trong tương lai chứ không phải là một trò chơi định giá thuần túy”.

Chỉ số FTSE 100, vốn nặng về hàng hóa của Anh giảm 0,5%, chấm dứt chuỗi sáu ngày tăng liên tiếp.

Trong khi đó, giá sản xuất khu vực đồng euro giảm tháng thứ năm liên tiếp và nhiều hơn dự kiến ​​vào tháng Hai, gần như hoàn toàn do giá năng lượng giảm.

Người tiêu dùng khu vực đồng Euro cũng cắt giảm kỳ vọng lạm phát trong tháng 2 từ 4,9% xuống 4,6%. Tuy nhiên, về tăng trưởng thu nhập, người tiêu dùng trở nên bi quan hơn và nhận thấy thu nhập danh nghĩa của họ tăng 1,2% trong năm tới, giảm từ mức 1,3% trong tháng 1.

Kết thúc phiên 4/4: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 38,48 điểm (-0,50%), xuống 7.634,52 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 22,55 điểm (+0,14%), lên 15.603,47 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 1 điểm (-0,01%), xuống 7.344,96 điểm.

Giá dầu tăng nhẹ, khi các nhà đầu tư cân nhắc kế hoạch cắt giảm sản lượng gây sốc của OPEC+ trước dữ liệu kinh tế yếu của Mỹ và Trung Quốc cho thấy nhu cầu dầu hạ nhiệt.

Kết thúc phiên 4/4, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 0,29 USD/thùng (+0,36%), lên 80,71 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,01 USD/thùng (+0,01%), lên 84,94 USD/thùng.

Tin bài liên quan