Đừng bắt CTCK nội “vào lưới nhặt bóng”!

(ĐTCK-online) TTCK khấp khởi mừng thầm, khi trong quy chế giao dịch của Sở GDCK Hà Nội (HNX) được ban hành vào giữa năm nay "bỏ ngỏ" quy định cụ thể về mua bán cùng phiên. Nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, động thái này có thể mở đường cho mua bán cùng phiên diễn ra, điều mà các CTCK, nhà đầu tư trông đợi từ lâu. Tuy nhiên, hy vọng này vừa bị dập tắt, khi một lãnh đạo HNX chính thức công bố: không có chuyện mua bán cùng phiên trên HNX.

>> HNX: Không được phép mua bán cùng phiên 

Cái lý mà vị này đưa ra: chứng khoán là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, bởi vậy, các CTCK, NĐT chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép, chứ không được làm những gì pháp luật không cấm.

Đó là cái lý của nhà quản lý. Chính vì cái lý này mà suốt 10 năm qua, TTCK rơi vào tình cảnh: các CTCK đua nhau "vượt rào" triển khai các dịch vụ, sản phẩm mới để có thể sống được. Thực trạng này dưới cái nhìn của nhà quản lý rõ ràng là các CTCK đã vi phạm. Nhưng hãy thử tưởng tượng, với vị trí quan trọng là trung gian của thị trường, nếu các CTCK không chủ động, linh hoạt trong hoạt động như thời gian qua, thì họ có lớn được như hiện tại, trình độ phát triển và quy mô của TTCK có đạt đến độ như ngày nay?

Trong bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy, một khi tư duy quản lý bị bỏ lại khá xa so thực tiễn phát triển, thì ở một góc độ nào đó ắt gây cản trở cho sự phát triển. Điều này cũng không phải là ngoại lệ đối với TTCK, bởi chiểu theo tư tưởng CTCK chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, thì cơ quan quản lý "cho" đến đâu, CTCK được phép làm đến đó. Hệ quả của tình trạng này là tạo ra nhiều rủi ro cho CTCK, nhà đầu tư, rộng ra là cả TTCK, bởi nếu CTCK nghiêm ngặt tuân thủ các quy định pháp lý "chật chội" như hiện, thì không khéo hình hài của TTCK, CTCK không khác cách đây 10 năm? Đáng nói là khi động lực để CTCK phát triển bị giới hạn, thì sẽ "tạo đất" cho lối cạnh tranh theo kiểu "đi đêm". Điều này là đáng báo động, bởi theo lộ trình cam kết WTO, từ năm 2012, Việt Nam phải mở cửa cho các CTCK, công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài, chi nhánh của CTCK nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam.

Ngay từ bây giờ, nếu các CTCK vẫn phải "sống" trong cảnh loay hoay đối phó với cơ quan quản lý, mà thiếu môi trường cho họ cạnh tranh lành mạnh, đặc biệt là nhanh chóng tạo dựng cho mình lối làm ăn chuyên nghiệp, hiệu quả, thì với quãng thời gian còn lại hơn 1 năm, họ sẽ khó tích luỹ được các giá trị nội tại để đủ sức cạnh tranh với các CTCK ngoại. Khi đó, e rằng các CTCK nội phải thường xuyên "vào lưới nhặt bóng".

Trong rất nhiều thông điệp phát đi tại các diễn đàn, cơ quan quản lý khẳng định: luôn nỗ lực hỗ trợ các CTCK trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh trước yêu cầu hội nhập. Vậy sự chậm trễ trong "cởi trói" cho các CTCK trong triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới có mâu thuẫn với thông điệp này?