“Dưỡng sức” trước thử thách 600 điểm

“Dưỡng sức” trước thử thách 600 điểm

(ĐTCK) Sau phiên 20/2 kỷ lục về thanh khoản, thị trường tưởng như sẽ bị bị điều chỉnh, nhưng điều đó đã không xảy ra như nhiều người nghĩ. Không những vậy, cả hai chỉ số vẫn tiếp tục tăng điểm với những diễn biến vô cùng hấp dẫn.

Nhiều NĐT bắt đầu tiếc nuối khi cho rằng mình đã vội vã bán ra ở phiên này, và cũng không ít NĐT đã nhanh chóng quay trở lại với thị trường.

Quả thật, nếu quan sát bảng điện tử suốt cả tuần qua cũng thật khó kiềm lòng trước diễn biến của thị trường khi mà các cổ phiếu cứ thay nhau tăng giá. Liệu có NĐT nào còn tiền trong tài khoản mà không mua vào chút ít?

Đây là lần thứ hai trong thời gian gần đây, thị trường diễn ra những phiên giao dịch với khối lượng lớn như vậy. Thế nhưng thị trường đã chứng tỏ bản lĩnh, không hề có sự hoảng loạn sang tới phiên thứ 2, cho thấy không chỉ tâm lý NĐT đã được tôi luyện mà tỷ lệ giao dịch của các quỹ đã chiếm phần ưu.

Nhà đầu tư cá nhân thường có xu hướng hoảng loạn và bán tháo mỗi khi diễn ra cú đảo chiều, nhưng khi xu hướng quỹ nắm thế chủ đạo thì những yếu tố này đã dần giảm bớt. Tuy nhiên, dù là cá nhân hay quỹ thì họ cũng sẽ phải tuân theo những quy luật của thị trường và bắt buộc phải giảm tỷ lệ đòn bẩy tài chính. Đã có thông tin cho rằng, lượng tiền sử dụng đòn bẩy rất cao, lên tới 300 triệu USD, nhưng chưa có một nguồn chính thức nào thông báo chính xác về điều này, cho dù các công ty chứng khoán vẫn phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán hàng tháng về vấn đề này.

Chúng tôi vẫn đặt ra những nghi ngờ về đà tăng của thị trường kể từ sau phiên 20/2. Sức hút của thị trường vẫn hấp dẫn, nhưng đà tăng này không còn hội tụ đầy đủ một tổng thể nữa. Và rằng, thị trường sẽ đi vào quá trình giảm nợ, diễn ra trong hai tuần sau đó. Cũng chính vì thế mà thị trường sẽ có những biến động mạnh, bất ngờ và phân hóa sâu sắc. Điều đó đang xảy ra. Tuần qua, chỉ số VN-Index vẫn có mức tăng nhẹ 2,79% nhưng để lại đó rất nhiều nghi vấn mà những NĐT thận trọng không thể không đặt ra những câu hỏi. Thứ nhất, những thông tin hỗ trợ xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến hai vấn đề là: (1) quy định nâng tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài sẽ được ký trong tháng 2; và (2) gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho bất động sản có sự sai lệch và nhiều mâu thuẫn. Đây là hai thông tin hết sức tích cực đối với thị trường và có tác động tâm lý vô cùng lớn, nhưng nó lại xuất hiện đồng thời và đúng lúc như vậy?

Thứ hai là những “chim mồi” như MSN, VNM, GAS, BVH... được sử dụng triệt để trong tuần qua. Bởi đơn giản những cổ phiếu này có tác dụng rất lớn đến chỉ số và nó đã tác động rất lớn đến tâm lý của NĐT. Chính điều này đã góp phần giảm bớt áp lực với cung hàng giá thấp và trở thành điểm tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, điểm tích cực này lại là áp lực với sức cầu. Cứ cổ phiếu nào tăng giá hầu hết đều phải đón nhận một lực bán vô biên mà điển hình tuần qua là những cổ phiếu như ITA, PVX, SHB, HAG... Điều đó cho thấy, để thị trường có thể bứt tốc và tăng mạnh thì cần phải có một lực cầu với dòng tiền cực mạnh đủ sức đẩy tan nguồn cung và thay thế bằng một lớp NĐT mới. Liệu thị trường sẽ có một dòng tiền nào đủ lớn đến như vậy hay không?

Chúng ta đã kết thúc tháng 2 đầy sôi động, cả hai chỉ số đều tăng liên tiếp, đồng thời, sàn HOSE đã có được khối lượng giao dịch bình quân lớn nhất từ trước đến nay với hơn 145 triệu đơn vị/phiên. Cả hai chỉ số cũng đã tiến đến những ngưỡng khá quan trọng, với VN-Index là 600 điểm, còn HNX-Index là vùng cao nhất thiết lập năm 2012. Tuy nhiên, để bứt qua ngưỡng trên, thị trường không thể trông cậy vào những cổ phiếu vốn hóa lớn và lực cầu như hiện tại. Nhưng mơ ước về một luồng tiền lớn hơn vừa qua đủ sức hấp thụ hết lực cung giá cao là một điều khó tưởng.

Với mức giao dịch như hiện nay thì khối lượng của phiên 20/2 cũng sẽ sớm được hóa giải đúng như cách mà thị trường đã từng làm ở giai đoạn tháng 11/2013. Ở giai đoạn đó, sau khi hóa giải phiên 22/11, thị trường đã có xu hướng đi ngang, tích lũy lực cầu và sau đó đã tạo ra một chuỗi tăng giá vô cùng ấn tượng. Điều này đang lặp lại, và chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ nghỉ ngơi tích lũy trong tháng 3 này. Nhưng trước khi điều đó diễn ra thì chúng ta còn được chứng kiến thêm một tuần sôi động nữa, kèm theo đó, thanh khoản sẽ bắt đầu giảm dần. Chỉ số sẽ lại một lần nữa bật ngược trở lại khi tiếp cận đến những vùng nhạy cảm 600 điểm của VN-Index và 85 điểm của HNX-Index. 

Tin bài liên quan