Dòng tiền trên thị trường chứng khoán gần đây có dấu hiệu cải thiện, nhưng nhìn chung vẫn yếu

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán gần đây có dấu hiệu cải thiện, nhưng nhìn chung vẫn yếu

“Ế” niêm yết, phát hành mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường năm 2023 có thể sẽ “thưa bóng” các thương vụ niêm yết mới hoặc phát hành thêm cổ phiếu.

Bối cảnh không thuận

“Năm 2022 - 2023 do điều kiện vĩ mô chưa thực sự tốt, cộng đồng doanh nghiệp phải đương đầu với sự suy giảm trong hiệu quả hoạt động, nên các doanh nghiệp chủ yếu co hẹp kinh doanh để chống chọi lại điều kiện khắc nghiệt. Do đó, niêm yết mới hay phát hành thêm cổ phiếu không phải là việc ưu tiên, thay vào đó là giữ quy mô phù hợp với bức tranh kinh tế hiện tại”, chuyên gia chứng khoán Lê Ngọc Nam nhận xét.

Ông Nam cho biết, những năm thị trường thuận lợi như 2015 - 2018, có nhiều doanh nghiệp phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), hay giai đoạn có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn chứng khoán thì số lượng niêm yết/đăng ký giao dịch tăng đột biến như sàn UPCoM năm 2018. Bối cảnh hiện nay khác trước rất nhiều.

Từ đầu năm 2023 đến nay, HOSE có 1 mã cổ phiếu mới niêm yết là PVP, chuyển từ UPCoM sang. Trên HOSE hiện có 11 hồ sơ đăng ký niêm yết, trong đó 8 doanh nghiệp đang giao dịch trên UPCoM gồm TCI, CSI, SIP, VCP, LPT, HTG, BDW, ADP. Đáng lưu ý, phần lớn hồ sơ được nộp từ lâu nhưng chưa thấy động thái của các doanh nghiệp về việc hoàn thiện hồ sơ để được chấp thuận niêm yết. Tương tự, HNX có thêm 1 mã cổ phiếu niêm yết là KSV, chuyển từ UPCoM sang.

Theo ông Nam, hiện tại có nhiều khó khăn, nhưng nhìn rộng ra thì 6 tháng cuối năm 2023 có thể các yếu tố tích cực sẽ xuất hiện nhiều hơn.

“GDP, lãi suất có thể sẽ tốt hơn, vì hết quý I/2023, tăng trưởng GDP thấp, nhưng lãi suất có xu hướng giảm, lạm phát chỉ trên 3%… Cuối năm, nhu cầu vốn sẽ lớn hơn và là lúc doanh nghiệp nghĩ đến chuyện huy động vốn, chứ hiện tại thì co hẹp và phù hợp để chống chọi”, ông Nam nhận định.

Trong khi đó, ông Trung Kiên, người sáng lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam Holdings Inc cho rằng, thị trường chứng khoán năm 2023 sẽ hồi phục sau khi “thảm bại” năm 2022, VN-Index giảm điểm mạnh nhất thế giới, hơn cả Nga và Ukraine là hai quốc gia xảy ra chiến sự.

“Chúng tôi dự báo, năm 2023 sẽ là một năm hồi phục, ở mức trung bình khoảng 20 - 25% so với thời điểm 1/1/2023, tức VN-Index có thể lên mức 1.200 - 1.250 điểm. Tuy nhiên, mức hồi phục này chưa đủ hấp dẫn để các nhà đầu tư đổ tiền vào doanh nghiệp như năm 2020 - 2021”, ông Kiên nói.

Mặc dù vậy, theo ông Kiên, hoạt động phát hành, niêm yết sẽ có những câu chuyện riêng, nhất là với các doanh nghiệp đã có kế hoạch từ trước. Hiện tại, chưa có nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch niêm yết hay tăng vốn, nhưng tín hiệu có câu chuyện này có thể được phản ánh sớm từ các công ty chứng khoán, bởi đây là nhóm doanh nghiệp luôn nhanh nhạy, bắt nhịp thị trường tốt, khi thấy có triển vọng thường sẽ đi đầu trong việc phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ.

Thực tế, triển vọng thị trường hiện tại không quá khả quan, nhưng một số doanh nghiệp đã lên kế hoạch phát hành cổ phiếu trong năm 2023.

Cụ thể, Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng dự kiến phát hành 100 triệu cổ phiếu trong quý II hoặc quý III/2023, Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một dự kiến chào bán cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng, Công ty cổ phần Container Việt Nam dự kiến phát hành hơn 121 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, Công ty Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam dự kiến chào bán 50 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Kỳ vọng cuối năm sẽ tích cực hơn

Ông Lê Ngọc Nam cho rằng, với các doanh nghiệp đã có kế hoạch phát hành cổ phiếu từ trước, tùy từng kế hoạch mà có thể thành công, nhất là nhằm tái cơ cấu nợ, hoặc bị hoãn hay phải điều chỉnh, do thị trường hiện tại không sôi động.

Theo ông Nam, tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong hai quý cuối năm 2023 không tốt và quý I/2023 cũng vậy, nhưng thị trường có vẻ đang phản ánh triển vọng tốt đẹp hơn. Do vậy, không ít nhóm cổ phiếu có thể thu hút dòng tiền trong nửa cuối năm nay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn thành công.

Còn theo ông Trung Kiên, nếu doanh nghiệp vẫn giữ ý định niêm yết hay phát hành cổ phiếu thì cần tuân thủ đầy đủ các quy định pháp lý, thường xuyên theo dõi các biến động kinh tế, tiền tệ và chứng khoán để xác định thời điểm phù hợp.

Đặc biệt, việc tăng vốn phải cân đối trên cơ sở nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh, chứ phát hành với nhu cầu không thực tế hay đầu tư vào các dự án không đúng năng lực chuyên môn, làm sai mục đích, ngành nghề là rủi ro lớn và gây pha loãng cổ phiếu.

Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc mở cửa mạnh mẽ trở lại, mà đây là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, cùng với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới như Mỹ, châu Âu sẽ dần hồi phục khi lãi suất chạm đỉnh, lạm phát giảm, nên các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị trước để nắm bắt cơ hội.

Ông Lê Ngọc Nam, Chuyên gia chứng khoán

Thị trường đâu đó đã phản ánh những thứ xấu nhất rồi, lãi suất có xu hướng giảm thì cổ phiếu bất động sản, ngân hàng sẽ đón nhận dòng tiền tốt hơn các nhóm còn lại và đó là hai nhóm “cầm cờ”.

Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT

Riêng với nhóm cổ phiếu bất động sản, sau một giai đoạn sụt giảm nặng nề cần có thời gian để thị trường hấp thụ. Ở điều kiện thị trường hiện tại, việc phát hành cổ phiếu thành công là tương đối khó khăn. Nếu do yếu tố nào đó khiến thị trường hồi phục tích cực và dòng tiền vào mạnh thì đây sẽ lại là kênh huy động vốn tốt cho các doanh nghiệp niêm yết.

Ông Trung Kiên, Người sáng lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam Holdings Inc

Nhu cầu tăng dần nên các doanh nghiệp tính đến việc mở rộng sản xuất - kinh doanh, tăng vốn, tức có phương án chuẩn bị từ trước khi các bạn hàng lớn phục hồi hoàn toàn. Tăng vốn cần thời gian từ 3 - 6 tháng. Hiện là giai đoạn chuẩn bị nguồn lực tốt cho khoảng thời gian sắp tới.

Tin bài liên quan