FPT sẽ tuyển nhiều chuyên gia nước ngoài

FPT sẽ tuyển nhiều chuyên gia nước ngoài

(ĐTCK) ĐHCĐ 2014 tổ chức sáng 29/3, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết, tập đoàn này đang tìm kiếm ứng viên cho vị trí Tổng giám đốc với tiêu chí: phải là chuyên gia, doanh nhân có uy tín trên thế giới.

Tại Đại hội, ông Bình và các lãnh đạo của FPT nói nhiều đến chương trình toàn cầu hóa của Tập đoàn, trong đó có việc tìm kiếm nhiều nhân sự quốc tế để đáp ứng nhu cầu phát triển của Tập đoàn.

Ông Bình cho biết, để thực hiện thành công chiến lược toàn cầu hóa, nguồn nhân lực là vấn đề thách thức lớn nhất của FPT hiện nay. Đơn cử, làm với ngân hàng, FPT cần chuyên gia ngân hàng, về lĩnh vực giao thông cần người am hiểu về giao thông..., bên cạnh đó, FPT cũng cần những nhân sự giỏi tiếng Anh. “Người Việt Nam không đủ, chúng tôi đang nghĩ đến việc thuê thêm nguồn nhân sự toàn cầu, như những chuyên gia của Ấn Độ, Indonesia…”, ông Bình nói.

Đề cập đến vị trí Tổng giám đốc, vốn gây nhiều dư luận trong vài năm do FPT liên tục thay người, ông Bình cho biết, Tập đoàn đang tìm kiếm ứng viên là người nước ngoài. Tiêu chí quan trọng đầu tiên là ứng viên phải là người có uy tín trên trường quốc tế, có khả năng thích nghi cao với môi trường làm việc tại FPT. Thông điệp Chủ tịch FPT đưa ra có thể hiểu, ghế nóng do Tổng giám đốc Bùi Quang Ngọc đang đảm nhiệm chỉ là tạm thời.

Trong một cuộc gặp gỡ giới báo chí gần đây, trả lời câu hỏi sẽ tại vị trên ghế Tổng giám đốc trong bao lâu, ông Ngọc cũng cho biết, Tập đoàn đang tìm kiếm người phù hợp, tuy nhiên, để có thể thuê được CEO giỏi, ít nhất mất một vài năm, vì thế năm 2014, ghế Tổng giám đốc FPT sẽ do ông Ngọc đảm nhận.

Về chế độ đãi ngộ, FPT có đề cập đến chương trình phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP). Theo đề xuất của HĐQT FPT, năm 2014, FPT sẽ phát hành cổ phần ưu đãi với quy mô 0,5% vốn điều lệ và hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm cho cán bộ nhân viên. Vốn được coi là một chương trình cầu hiền, song ESOP của FPT cũng từng khiến không ít cổ đông nhỏ lẻ thắc mắc, bởi ở một số đợt phát hành trước, FPT dành tỷ trọng khá lớn cho đội ngũ lãnh đạo và liên tục phát hành khiến cổ phiếu bị pha loãng. Chia sẻ đề xuất nâng tỷ lệ này lên, ông Bình cho biết, tỷ lệ 0,5% là phù hợp, khi nào FPT có tốc độ phát triển nhanh hơn sẽ xin ý kiến cổ đông tăng lên.

Cũng tại Đại hội, một vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm là lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng của FPT không như mong muốn. Đại diện VPBS đề nghị FPT giải thích tại sao năm 2013, doanh thu một số lĩnh vực như tích hợp hệ thống tăng trưởng mạnh, mà lợi nhuận âm, hay mảng nội dung giảm mạnh doanh thu, mảng giáo dục tăng trưởng doanh thu bằng 0…, dẫn đến lợi nhuận cả năm của FPT không về đích.

Lãnh đạo FPT cho biết, có nhiều lĩnh vực FPT chịu ảnh hưởng mạnh từ khó khăn chung của nền kinh tế, nên chỉ có thể cố gắng duy trì doanh thu. Chẳng hạn, tỷ trọng khách hàng và công việc trong lĩnh vực ngân hàng giảm. Đây là lĩnh vực đóng góp nhiều lợi nhuận cho FPT.

“Năm 2014, lợi nhuận của chúng tôi có thể cải thiện nếu thị trường ngân hàng hồi phục”, ông Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch HĐQT Công ty Hệ thống thông tin FPT nhận định.

Về cơ cấu cổ đông, hiện FPT có nhiều cổ đông là các quỹ nước ngoài, trong đó có 2 tên tuổi mới là Quỹ GIC và Temasek (Singapore). Trả lời câu hỏi về việc có phát hành thêm cho NĐT nước ngoài nếu Chính phủ cho phép tăng room (hiện FPT đã kín room), ông Bình cho hay, HĐQT FPT sẵn sàng và không ngại bất cứ yếu tố nước ngoài nào tham gia vào Tập đoàn.

ĐHCĐ FPT đã thông qua kế hoạch doanh thu năm 2014 đạt 31.892 tỷ đồng, tăng 11%; lợi nhuận trước thuế 2.672 tỷ đồng, tăng 6% so với 2013. Thông qua việc chi trả cổ tức 55% năm 2013, trong đó có 30% bằng tiền mặt. Tỷ lệ cổ tức 2014 dự kiến 20% bằng tiền mặt… Với những gì lãnh đạo FPT trình bày, kỳ Đại hội năm nay diễn ra rất thành công. Việc còn lại là thực tế FPT làm, để lấy lại niềm tin của nhiều cổ đông vốn đã mai một, dù họ dành không ít tình cảm gắn bó với DN.

Tin bài liên quan