Đây là động thái can thiệp mang tính phi thị trường, nhưng Chính phủ Mỹ buộc phải ra tay cứu giúp, bởi nếu để 2 tập đoàn này chìm nghỉm thì có thể kéo theo phản ứng dây chuyền theo kiểu domino, với hậu quả rất tai hại và khó lường không chỉ đối với hệ thống tài chính - ngân hàng Mỹ, mà còn có ảnh hưởng rất xấu tới thị trường tài chính quốc tế.
Có người đặt ra câu hỏi là tại sao Chính phủ Mỹ lại phải cứu Freddie Mac và Fannie Mae và thực sự đã cần thiết chưa?
Theo các nhà phân tích, vai trò cho vay tín dụng mua nhà ở Mỹ (home mortgage) của Freddie Mac và Fannie Mae rất lớn và quan trọng. Hai tập đoàn này đang sở hữu hoặc bảo đảm cho vay thế chấp mua nhà ở Mỹ có tổng trị giá lên tới hơn 5.000 tỷ USD, bằng gần một nửa tổng số tiền vay thế chấp mua nhà ở Mỹ. Điều trớ trêu là, không quá nhiều người Mỹ để ý và biết đến hai thương hiệu này. Trong bài bình luận mới đây (số cuối tuần ra ngày 11 - 13/7/2008) đăng trên tờ The Wall Street Journal, ngay câu mở đầu đã nhấn mạnh như sau: “Ngược lại với 2 thương hiệu ô tô Ford và General Motor nổi tiếng, nhiều người Mỹ chẳng hề để ý hoặc chẳng mấy khi nghe đến 2 cái tên Freddie Mac và Fannie Mae. Song nếu cùng bị phá sản thì hậu quả và ảnh hưởng của Freddie Mac và Fannie Mae đối với mỗi người dân Mỹ (người đóng thuế Mỹ) lớn hơn gấp rất nhiều lần so với General Motor hoặc Ford”. Nhiều nhà phân tích nói thẳng toẹt ra rằng, nếu General Motor hoặc Ford chẳng may có bị “sập tiệm” thì Chính phủ cứ để mặc tự mà lo liệu lấy, còn với Freddie Mac và Fannie Mae thì không thể và không dám. Tức là Chính phủ buộc phải cứu giúp, không giúp không được.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Henry Paulson thừa nhận: “Freddie Mac và Fannie Mae đóng vai trò trung tâm và trọng yếu trong hệ thống tài chính của thị trường địa ốc Mỹ”.
Còn ông Peter Wallison, nguyên Vụ trưởng Bộ Tài chính Mỹ nhận định: “Nếu Freddie Mac và Fannie Mae bị phá sản, thì sẽ có hậu quả tai hại không thể lường trước đối với nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế thế giới. Không đời nào Chính phủ Mỹ lại để Freddie Mac và Fannie Mae bị phá sản”.
Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là, tại sao mà cả Freddie Mac lẫn Fannie Mae lại rơi vào nông nỗi này? Dù Freddie Mac và Fannie Mae trong nhiều tháng qua đã có nhiều biện pháp đối phó và Freddie Mac lẫn Fannie Mae đều không bị “dính” nhiều đến khủng hoảng cho vay thế chấp mua nhà đối với đối tượng có thu nhập thấp ở Mỹ (subprime mortgage). Song sóng gió hay đúng hơn là bão táp đã ập đến với 2 tập đoàn này bắt đầu từ ngày 7/7/2008, khi tại Sở GDCK New York (Mỹ), cổ phiếu của cả 2 tập đoàn bắt đầu có hiện tượng “rơi tự do”. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 7/7/2008, giá cổ phiếu của Freddie Mac rớt hơn 20%, còn giá cổ phiếu của Fannie Mae tụt hơn 10%, tuy ngày 8/7, cổ phiếu của 2 tập đoàn có hồi phục đôi chút, song sang phiên giao dịch ngày 9/7, giá cổ phiếu của Freddie Mac rớt tiếp 24%, còn của Fannie Mae giảm đúng 13%. Đến giữa phiên giao dịch ngày 10/7, giá 1 cổ phiếu của Freddie Mac chỉ còn là 8,14 USD, giảm tiếp 21% so với phiên giao dịch trước đó, trong khi giá 1 cổ phiếu của Fannie Mae là 13,76 USD, giảm thêm 10%. Như vậy, giá cổ phiếu của cả 2 tập đoàn đều ở mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Tính ra, so với thời điểm này năm ngoái, giá cổ phiếu của Freddie Mac và Fannie Mae giảm tương ứng là 87% và 79%. Chưa hết, sang ngày 11/7, giá cổ phiếu của cả 2 tiếp tục trượt dốc mạnh.
Đến lúc này, Chính phủ Mỹ quyết định phải tung “phao cứu sinh” cho 2 tập đoàn, bởi nếu không cả hai có nguy cơ... chết chìm.
Có nhiều biện pháp cứu khẩn cấp được đưa ra. Cụ thể, Chính phủ sẽ “bơm” nhiều tỷ USD vào 2 tập đoàn thông qua các khoản đầu tư, cho vay, trong đó có cả việc mua lại cổ phiếu để ổn định giá, Quốc hội Mỹ có thể sẽ phê chuẩn khoản chi cả gói cứu giúp 2 tập đoàn (có thể lên tới hàng trăm tỷ USD). Còn FED sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để cả Freddie Mac lẫn Fannie Mae có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngắn hạn nhằm tăng khả năng chi trả.
Đến lúc này có thể khẳng định, Freddie Mac và Fannie Mae phần nào đã tai qua nạn khỏi, song lòng tin của nhà đầu tư và người dân vào sự công bằng của Chính phủ Mỹ cũng bị xói mòn, nhất là khi Chính phủ Mỹ khẳng định rằng, không một công ty Mỹ nào sẽ được ưu ái như vậy nữa.