G7 lập quỹ hỗ trợ các nước đang phát triển củng cố chuỗi cung ứng

Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) sẽ thành lập một quỹ hỗ trợ các quốc gia đang phát triển xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ các sản phẩm cần thiết cho quá trình giảm khí thải carbon.
(Nguồn:oreanda)

(Nguồn:oreanda)

Hãng tin Kyodo ngày 29/9 dẫn các nguồn thạo tin cho biết Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) sẽ thành lập một quỹ hỗ trợ các quốc gia đang phát triển xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ các sản phẩm cần thiết cho quá trình giảm khí thải carbon.

Quỹ này sẽ được sử dụng để giúp các nước đang phát triển và mới nổi ở khu vực Nam bán cầu tăng cường năng lực sử dụng tài nguyên và sản xuất các mặt hàng thiết yếu theo hướng giảm lượng khí thải carbon dioxide, như tấm pin mặt trời và pin xe điện. Theo các nguồn tin, Nhật Bản dự định đóng góp 5 triệu USD vào quỹ này.

Sự gián đoạn nguồn cung trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát và tình hình xung đột tại Ukraine đã khiến G7 và các quốc gia khác, đặc biệt là những nước phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, phải xem xét lại cách họ bảo đảm các sản phẩm quan trọng đối với an ninh kinh tế của mình.

Sự kiện ra mắt quỹ hỗ trợ mới dự kiến được tổ chức vào ngày 11/10 tới, trước cuộc họp các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Maroc.

Theo kế hoạch, quỹ hỗ trợ sẽ được sử dụng để trang trải chi phí cho nhân sự tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ cho các quốc gia đang phát triển.

Quỹ sẽ phát triển thành một khuôn khổ cho phép các tổ chức tài chính khu vực tư nhân gia hạn các khoản vay dành cho các công ty ở Nam bán cầu và hỗ trợ việc khai thác và sử dụng khoáng sản, cũng như sản xuất các linh kiện và sản phẩm hoàn thiện tại địa phương.

Ngoài Nhật Bản-nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên G7 năm nay, trong khối này còn có Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Hiện G7 cùng Australia và một số quốc gia phát triển khác đang tìm cách xây dựng các chuỗi cung ứng tốt hơn nhằm hướng tới mục tiêu đạt được tăng trưởng xanh, giúp các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đóng vai trò lớn hơn trong các chuỗi cung ứng đó và hỗ trợ các ngành công nghiệp trong nước.

Tin bài liên quan