Gắn kết xúc tiến đầu tư

(ĐTCK-online)Tới đây, các chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia trong giai đoạn 2007 - 2010 sẽ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét phê duyệt, trên cơ sở các đề án, chương trình xúc tiến đầu tư do các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố xây dựng và do Hội đồng thẩm tra Chương trình xúc tiến đầu tư tổng hợp và thẩm tra.

Đây là một trong những nội dung Quyết định 109/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia giai đoạn 2007 - 2010.

Theo Quy chế này, các bộ, ngành, quản lý đầu tư, sản xuất và UBND cấp tỉnh, sau khi xây dựng đề án xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, đầu tư trực tiếp từ Việt Nam ra nước ngoài và đầu tư trong nước, sẽ phải gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 1/7 của năm trước năm kế hoạch. Như vậy, mục tiêu của cơ chế mới này là tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, gắn kết hoạt động xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành và địa phương trên cả nước trong một chương trình tổng thể thống nhất. Không chỉ vậy, việc kết hợp, lồng ghép các chương trình xúc tiến đầu tư còn tạo cơ hội để gắn kết với các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và các lĩnh vực liên quan khác một cách hiệu quả hơn.

Điều quan trọng, các chuyên gia về đầu tư cho rằng, cách làm này tránh được tình trạng manh mún, thiếu kế hoạch, chồng chéo, trùng lắp, đang diễn ra khá phổ biến trong hoạt động xúc tiến đầu tư. Cũng cần phải nói rằng, trong khi phần lớn các hoạt động xúc tiến đầu tư hiện nay đều dùng vốn ngân sách nhà nước, thì hậu quả của sự dàn trải các hoạt động đầu tư không chỉ là hiệu quả thấp của từng chương trình xúc tiến, mà còn là sự lãng phí lớn nguồn lực xã hội.

Hiện tại, cả nước có gần 120 đầu mối trực tiếp quản lý nhà nước về đầu tư, bao gồm UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ban quản lý (BQL) khu công nghiệp, khu chế xuất cấp tỉnh, BQL khu kinh tế và BQL khu công nghệ cao. Các đầu mối này hàng năm đều tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước, nhằm vận động thu hút đầu tư vào từng dự án cụ thể. Ngoài ra, các bộ, ngành trung ương và các doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình cũng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư vào từng dự án cụ thể. Hơn thế, cách “mạnh ai nấy làm”, đặc biệt là việc thiếu điều phối thống nhất trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, khiến một số chương trình xúc tiến của các địa phương không phù hợp với định hướng thu hút và khuyến khích của Chính phủ, tạo nên sự cạnh tranh không đáng có giữa các địa phương.

Theo quy định tại Quy chế, các đề án chương trình xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành và địa phương phải đảm bảo các yêu cầu là: phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố và quy hoạch phát triển ngành kinh tế - kỹ thuật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phù hợp với định hướng thu hút đầu tư trong từng thời kỳ, khả thi và hợp lý trên các phương diện, phương thức triển khai; có sự kết hợp, lồng ghép, thống nhất hoạt động xúc tiến đầu tư của các đầu mối quản lý hoạt động đầu tư trên địa bàn. Sau khi được phê duyệt, kinh phí hỗ trợ thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư thuộc Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia hàng năm do Nhà nước cấp từ Quỹ hỗ trợ và được bố trí trong kế hoạch ngân sách hàng năm.