GD điện tử: Nguy cơ thêm giấy phép con

GD điện tử: Nguy cơ thêm giấy phép con

(ĐTCK-online) Liên quan đến chủ đề giao dịch điện tử, cuối tuần qua, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch điện tử trên TTCK. Điểm dễ nhận thấy là quy định như dự thảo sẽ khiến các CTCK thêm một lần phải đối diện với cơ chế xin- cho, còn quyền lợi NĐT lại chưa được đảm bảo.

Theo đánh giá của các CTCK, việc UBCKNN soạn thảo cho ra đời khung pháp lý là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo bản dự thảo trên, khi triển khai dịch vụ giao dịch trực tuyến, các CTCK phải gửi một bộ hồ sơ khá "phức tạp" tới UBCKNN và trong vòng 45 ngày nếu hồ sơ hợp lệ sẽ được cấp phép thực hiện. Với thực tế UBCKNN đang quá tải công việc như hiện nay, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM lo ngại quy định như vậy vô hình trung tạo ra giấy phép con và gây phiền phức cho DN. Trong khi đó, giao dịch trực tuyến cũng chỉ là một nghiệp vụ đã được thừa nhận trên giấy phép hoạt động của CTCK. Dự thảo cũng quy định yêu cầu  Sở hay Trung tâm GDCK công bố danh sách CTCK thành viên đủ điều kiện cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến (sau khi UBCK cấp phép) nhưng lại không hướng dẫn hồ sơ và quy trình thực hiện cụ thể.

Nội dung được khá nhiều ý kiến tranh luận là rủi ro trong giao dịch trực tuyến nếu xảy ra thì thiệt hại vẫn đẩy chủ yếu về phía NĐT. Lâu nay, trong hợp đồng ký với khách hàng, CTCK vẫn quy định NĐT phải đọc, hiểu và chấp nhận mọi thiệt hại khi có rủi ro xảy đến với phương thức giao dịch trực tuyến. Như vậy, có nghĩa là dù khách quan hay chủ quan, thiệt hại vẫn do NĐT gánh chịu và nếu vụ việc tranh chấp (nếu có) được đưa đến tòa án thì CTCK sẽ được bảo vệ. Trong bản dự thảo, Bộ Tài chính chỉ yêu cầu CTCK công bố những rủi ro có thể xảy ra như đường truyền, trễ dữ liệu, hacker... như một cách khuyến cáo với NĐT. Còn khi rủi ro xảy ra, những lỗi nào thuộc trách nhiệm của CTCK, lỗi nào thuộc NĐT không được đề cập.

Một vấn đề quan trọng trong giao dịch trực tuyến là bảo mật cũng chỉ được đề cập rất ít. Trong khi đó, lâu nay giải pháp bảo mật chủ yếu trong giao dịch trực tuyến vẫn là xác thực người dùng thông qua mật khẩu truy cập và mật khẩu giao dịch. Đã có những chuyên gia công nghệ thông tin lên tiếng, đó chỉ là giải pháp dành cho khách hàng, ngay cả trong trường hợp khách hàng không có sơ suất, không làm lộ mật khẩu, hệ thống giao dịch của công ty nếu không đảm bảo thì rủi ro vẫn có thể xảy ra.

Ông Huỳnh Minh Vũ, Giám đốc công nghệ, CTCK VNDirect

Hoàn thiện khung pháp lý cho giao dịch chứng khoán trực tuyến là cần thiết, thể hiện sự quan tâm của cơ quan điều hành tới sự phát triển ổn định, bền vững và tính an toàn cho thị trường, bảo vệ lợi ích cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, có hai điểm trong dự thảo Thông tư nên xem xét. Thứ nhất, dự thảo Thông tư đưa ra quy định giao dịch trực tuyến chỉ áp dụng với chứng khoán niêm yết, vậy những chứng khoán chưa niêm yết sẽ thế nào, trong khi đây cũng là lượng hàng lớn trên thị trường. Thứ hai, dự thảo đưa ra quy định không cho CTCK cung cấp dịch vụ chuyển nhượng năng lực tài chính, vậy thì những dịch vụ giá trị gia tăng như ứng trước tiền bán chứng khoán, ủy thác đầu tư sẽ thực hiện ra sao?

 

Ông Trần Đình Tân, Giám đốc kỹ thuật, CTCK An Bình

Nếu không có quy định và định hướng cụ thể nào để quản lý giao dịch trực tuyến tại các CTCK thì sẽ gây nên sự rối loạn, các CTCK mạnh ai  nấy làm, nhiều chuẩn kỹ thuật khác nhau dẫn tới việc khó đảm bảo các dịch vụ cung cấp cho NĐT, việc kết nối với các cơ quan quản lý rất khó khăn, việc kiểm tra giám sát do đó cũng khó thực hiện. Để có một sản phẩm giao dịch trực tuyến là sự phối kết hợp  của khá nhiều yếu tố như quy trình giao dịch, khả năng hạ tầng kỹ thuật CNTT, yêu cầu dịch vụ... Tôi cho rằng, dự thảo nên bổ sung một số yêu cầu như bộ tiêu chuẩn về quy trình quản lý giao dịch trực tuyến, tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, bảo mật...

 

Ông Nguyễn Hải Nam , Phó trưởng ban Phát triển thị trường (UBCK) kiêm Tổ trưởng Tổ soạn thảo Thông tư

Khi xác định rủi ro có trách nhiệm ở phía nào hay nguyên nhân do đâu, không hề đơn giản. Những rủi ro chính có thể dễ nhận biết như trong truyền tải qua mạng Internet, lệnh giao dịch có thể bị treo, bị ngừng, bị trì hoãn hoặc có lỗi dữ liệu; vấn đề bảo mật, giá cả thị trường và các thông tin chứng khoán khác có thể có lỗi hoặc sai lệch... thì CTCK cần công bố rõ để cảnh báo cho NĐT lường trước những khả năng có thể xảy ra trong quá trình giao dịch trực tuyến. UBCKNN đang quản lý rất nhiều việc, nên chúng tôi cũng không hề muốn ôm đồm, tuy nhiên tham khảo thông lệ quốc tế và lấy ý kiến từ một số CTCK thì phần lớn ý kiến đều thống nhất cần có sự quản lý và cấp phép của Nhà nước trong lĩnh vực này. Chúng tôi sẽ đơn giản hóa một cách tối đa thủ tục để tạo thuận lợi cho các CTCK.