Giá cả lương thực tại Trung Quốc leo thang

Giá cả lương thực tại Trung Quốc leo thang

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trung Quốc không phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực nhưng nước này cũng không thể miễn nhiễm với đà tăng giá lương thực toàn cầu vì cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Trung Quốc là nước tiêu thụ ngô lớn thứ hai thế giới, nhưng trong năm 2021, dữ liệu của Citi chỉ ra 9,4% tiêu thụ ngô trong nước đến từ nhập khẩu. Đối với tiêu thụ lúa mì, tỷ lệ này chỉ là 5,9%.

"Xung đột thương mại Mỹ - Trung, dịch tả lợn châu Phi và cú sốc giá lương thực, thực phẩm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy Trung Quốc nâng cao khả năng tự chủ trong việc cung cấp thực phẩm. Trung Quốc đã và đang cải thiện hệ thống sản xuất ngũ cốc, thịt lợn và đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu thực phẩm", chuyên gia phân tích Xiangrong Yu và Xiaowen Jin của Citi nhận xét.

Năm 2021, sản lượng ngô trong nước tăng 4,6%. Người mua Trung Quốc quay lưng với ngô Mỹ và trở thành khách hàng lớn nhất của Ukraine. Ngô Ukraine chiếm 1/3 lượng ngô nhập khẩu của Trung Quốc, theo báo cáo của chính phủ Mỹ.

Theo ông Stephen Olson - thành viên nghiên cứu cấp cao tại tổ chức phi lợi nhuận Hinrich Foundation, Ukraine đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung ngũ cốc của Trung Quốc nhằm cải thiện an ninh lương thực quốc gia.

"Nếu các chuyến hàng từ Ukraine đến Trung Quốc bị gián đoạn, áp lực lạm phát chắc chắn sẽ tăng lên", ông Olson nhận xét. Trên thực tế, mối lo về lạm phát đã nhen nhóm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020.

Ông Steven Cochrane - nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics cho biết: "Lạm phát giá lương thực có thể tiếp tục tăng cao do giá năng lượng cao hơn, hoặc hoạt động vận chuyển lúa mì, ngô và dầu hạt bị gián đoạn. Ngoài ra, Ukraine chủ yếu xuất khẩu những mặt hàng nông sản như lúa mì và các mặt hàng sản xuất cơ bản như sắt, thép và nhôm".

“Indonesia và Ấn Độ có tỷ lệ nhập khẩu từ Ukraine cao nhất, tiếp đến là Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu tính đến quy mô GDP của mỗi quốc gia, dòng chảy nhập khẩu vẫn còn khiêm tốn so với quy mô của mỗi nền kinh tế", ông Cochrane nói thêm.

Trung Quốc không phụ thuộc vào lúa mì và ngô nhập khẩu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là giá cả của những mặt hàng này tại đất nước 1,4 tỷ dân không leo thang. Theo truyền thông địa phương, giá lúa mì và ngô nhập khẩu đã tăng mạnh.

Trên toàn cầu, giá ngô và lúa mì kỳ hạn tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong ít nhất 9 năm. Các nhà giao dịch lo ngại xung đột Nga - Ukraine kéo dài sẽ làm sụt giảm nguồn cung ngũ cốc toàn cầu.

Cục Dự trữ Chiến lược và Lương thực Quốc gia Trung Quốc mới đây đã quyết định "xả" kho dự trữ một số loại dầu ăn do "tình hình trong nước và thị trường nước ngoài ở thời điểm hiện tại" đang bất ổn.

Ngay ngày hôm sau, cơ quan hải quan Trung Quốc cũng quyết định thông quan một số đơn hàng nhập khẩu lúa mì từ Nga. Theo ông Bian Shuyang - nhà phân tích nông sản của Nanhua Futures, nguồn cung ngũ cốc, dầu và dầu hạt có thể sẽ vẫn khan hiếm trước khi kết thúc đàm phán Nga - Ukraine. Ngoài vấn đề địa chính trị, các vấn đề như hạn hán ở Argentina cũng làm dấy lên lo ngại về nguồn cung cây trồng.

Đậu nành là cây trồng quan trọng duy nhất mà Trung Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu. Theo Citi, nhập khẩu đậu nành chiếm tới 84% tiêu thụ nội địa của nước này, chủ yếu từ Mỹ và Brazil.

Theo ông Jim Sutter, Giám đốc điều hành của Hội đồng Xuất khẩu Đậu nành Mỹ, giá đậu nành tăng vọt do các thương nhân lo ngại tình trạng thiếu hụt dầu hướng dương Ukraine có thể thúc đẩy nhu cầu đối với những loại dầu thực vật khác. Ông Sutter cho biết, Trung Quốc là nhà nhập khẩu đậu nành lớn nhất trên toàn cầu.

Tin bài liên quan