Giải mã thanh khoản tăng mạnh

Giải mã thanh khoản tăng mạnh

(ĐTCK) Trong tuần qua, giá trị giao dịch trên HOSE đạt bình quân 4.935 tỷ đồng/phiên, tăng 31% so với tuần trước đó. Đây là dấu hiệu thị trường tiếp tục thu hút dòng tiền hay đang bước vào giai đoạn phân phối (xả hàng)?

Theo một số công ty chứng khoán, từ đầu tháng 4 đến nay, TTCK có diễn biến tăng điểm nhờ những tín hiệu tái khởi động nền kinh tế bao gồm mở cửa trở lại các địa điểm công cộng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ…, cùng với những gói hỗ trợ lớn với doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, khiến nhà đầu tư chứng khoán trở nên lạc quan và tin tưởng hơn vào khả năng sớm hồi phục của các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Giao dịch chứng khoán tăng do lượng tài khoản mở mới tiếp tục tăng, bên cạnh đó là khối ngoại tăng cường giao dịch ở các quỹ ETF và quay trở lại mua ròng…

Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, thanh khoản tăng do lượng tài khoản mở mới trong tháng 4 tiếp tục tăng, bên cạnh đó là việc khối ngoại tăng cường giao dịch ở các quỹ ETF và quay trở lại mua ròng mạnh là nhân tố đóng góp cho thanh khoản thị trường, có những phiên bùng nổ trên 6.000 tỷ đồng với giao dịch khớp lệnh.

Tháng 4, TTCK đón thêm 36.867 tài khoản mới, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư trong nước. Ở thời điểm tháng 4/2018, khi VN-Index thiết lập mức đỉnh 1.200 điểm, số lượng nhà đầu tư “ào” đến thị trường cũng tăng mạnh.

Hơn 41.000 tài khoản mới và giá trị giao dịch bình quân đạt trên 8.000 tỷ đồng/phiên trong tháng này.

Tuy nhiên, sang tháng 5/2018, giá trị giao dịch xuống dưới 4.000 tỷ đồng/phiên, tương ứng giảm trên 50%. Điều này cho thấy, dòng tiền rất linh hoạt và luôn sẵn sàng chớp lấy cơ hội và thoát khỏi khi thấy rủi ro.

Về phía nhà đầu tư, anh Việt Tuấn, người bám sàn giao dịch lâu năm tại Hà Nội cho rằng, dòng tiền dồn dập đổ vào thị trường, đẩy thanh khoản tăng trong thời gian qua có hai lý do chính.

Thứ nhất, nhà đầu tư tiếp tục đặt niềm tin vào sự hồi phục của thị trường, trong khi không ít nhóm cổ phiếu, bao gồm cả bluechips đang ghi nhận mức giá thấp hơn 20 - 30% so với mức cao đạt được trước đó như nhóm ngân hàng, dầu khí…

Thứ hai, khối ngoại đã quay lại mua ròng trên HOSE trong tuần vừa qua (tính đến ngày 14/5) là 2.194 tỷ đồng, sau 15 tuần bán ròng liên tiếp. Các cổ phiếu trong chỉ số Diamond, Finselect và Finlead được khối ngoại mua mạnh.

Thực tế, trong tuần qua, một số nhà đầu tư trong nước có tâm lý lo ngại thị trường được kéo lên để xả, nhưng khối ngoại lại mạnh tay mua vào, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư nội.

Dòng tiền chảy nhanh và mạnh vào TTCK khiến tâm lý nhà đầu tư hứng khởi, nhưng cũng có nhà đầu tư cảm thấy mơ hồ, bởi giá cổ phiếu phục hồi mạnh trong bối cảnh triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp nhìn chung vẫn khó khăn.

Tình trạng này không chỉ xảy ra tại thị trường Việt Nam, mà TTCK thế giới cũng tăng mạnh trong thời gian qua, bất chấp những quan ngại về tình hình kinh tế và thất nghiệp.

Đã có nhiều lý giải được đưa ra, chủ yếu xoay quanh 3 yếu tố là: lãi suất 0% (ZIRP), hiện tượng không có sự lựa chọn nào khác (TINA) và hiệu ứng lo sợ bỏ lỡ (FOMO).

TTCK Việt Nam không có lãi suất 0% hay lãi suất âm, nhưng theo ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán, có thể nhận thấy một số điểm tích cực mang tính hiệu ứng như sau.

Thứ nhất là Bộ Tài chính đề xuất Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho chứng khoán quy định tại Thông tư 36/2015/TT-NHNN ban hành năm 2015.

Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất khiến dòng tiền chảy mạnh vào TTCK, bởi ngay sau khi có đề xuất, thị trường bắt đầu bứt phá.

Thứ hai là sự hỗ trợ của các TTCK thế giới khi liên tiếp tăng điểm. Thứ ba là Chính phủ đã tổ chức thành công Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, với nhiều thông tin tích cực.

Trong hai tuần qua, một số chuyên gia kỹ thuật đánh giá, 800 điểm là ngưỡng kháng cự mạnh của chỉ số VN-Index, điều này tạo tâm lý thận trọng cho một bộ phận nhà đầu tư.

Thực tế, chỉ số đã tiến lên mức 830 điểm. Tuy vậy, trong bối cảnh các ngành phân hóa, nhóm bất động sản khu công nghiệp, dệt may, thủy sản lần lượt xuất hiện “sóng” trong vòng 1 năm qua; nhóm dầu khí, ngân hàng, bất động sản, xây dựng, phân bón, hóa chất chịu không ít sức ép từ biến động vĩ mô cũng như giá hàng hóa, nguyên vật liệu, nên khó có thể kỳ vọng một đợt sóng ngành cùng tăng, cùng giảm.

Ðể tìm kiếm lợi nhuận, đòi hỏi nhà đầu tư phải nhận ra câu chuyện riêng và triển vọng của từng doanh nghiệp.             

Tin bài liên quan