Giao dịch chứng khoán chiều 5/4: SHB bị chốt lời ồ ạt cuối phiên, HNX-Index rơi mạnh

Giao dịch chứng khoán chiều 5/4: SHB bị chốt lời ồ ạt cuối phiên, HNX-Index rơi mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi sàn HOSE gần như đã đóng cửa sau khi chốt phiên sáng, thì trên HNX, SHB một lần nữa lại khiến HNX-Index loạn nhịp, nhưng lần này là theo hướng ngướng lại.

Thị trường vẫn duy trì đà tăng khá tốt trong phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 5/4 nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip với tâm điểm là dòng bank. Tuy nhiên, việc thanh khoản tiếp tục giữ ở mức cao trong phiên sáng giống phiên sáng cuối tuần trước (2/4), khiến nhà đầu tư dự cảm, phiên hôm nay trên HOSE coi như đã kết thúc .

Không nằm ngoài dự báo trên, trạng thái “tắc đường” đã xảy ra ngay khi thị trường bước vào phiên giao dịch chiều. Trên sàn HOSE, chỉ một số lệnh nhỏ vượt qua, khiến chỉ số VN-Index gần như “đứng hình”, đi ngang quanh mốc 1.235 điểm suốt phiên chiều.

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, VCB giữ mức tăng tốt 4,3% lên 102.000 đồng/CP, các mã khác như VIB tăng 5,1% lên 53.300 đồng/CP, EIB tăng 6,9% lên mức giá trần 21.800 đồng/CP, STB tăng 2,4% lên 23.150 đồng/CP, MBB tăng 2,7% lên 30.400 đồng/CP, CTG, BID và HDB tăng trên dưới 1,5%.

Cổ phiếu SSB sau 8 phiên chào sàn ấn tượng cũng đã có chút “nghỉ ngơi” khi quay đầu giảm nhẹ 0,5% xuống mức 28.100 đồng/CP. Ngoài ra, OCB cũng điều chỉnh nhẹ với biên độ 0,4% xuống 24.600 đồng/CP.

Bên cạnh trụ đỡ chính là dòng bank, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng duy trì sự khởi sắc với VHM và VIC cùng tăng hơn 1%, VRE tăng 1,9% lên 34.500 đồng/CP, PDR tăng 5,3% lên 68.000 đồng/CP, NVL tăng 4,3% lên 85.500 đồng/CP…

Cổ phiếu TCH sau nhịp điều chỉnh nhẹ cuối tuần trước cũng đã đảo chiều hồi phục khi tăng 1,4% lên mức 24.550 đồng/CP và khớp 14,25 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, dù không có sự bứt phá nhưng các mã vẫn giao dịch khá tốt như SSI tăng 2% lên 35.000 đồng/CP, HCM tăng 1,8% lên 33.300 đồng/CP, CTS tăng 1,45% lên 17.550 đồng/CP, đặc biệt, cổ phiếu đầu tiên tạm thời chuyển sang giao dịch trên HNX để tránh trạng thái nghẽn lệnh là VND đã có phiên giao dịch khá ấn tượng.

Ngay khi mở cửa, VND đã tăng kịch trần và kết phiên, sắc tím được bảo toàn vững chắc khi lượng dư mua trần đạt hơn 2 triệu đơn vị. Đóng cửa, VND tăng 9,9% lên 33.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 4,53 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các mã HQC, AMD, TNI, SJF, QBS, DLG, TSC… đều đóng cửa trong sắc tím. Trong đó, HQC tăng 6,9% lên mức 3.430 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 26 triệu đơn vi, đứng sau cặp đôi ngân hàng là STB và MBB lần lượt khớp 46,16 triệu đơn vị và 26,1 triệu đơn vị.

Ngoài ra, cặp đôi nhà FLC là FLC và ROS vẫn giiwx nhiệt giao dịch sôi động, và đều thuộc top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất trên sàn HOSE. Trong đó, FLC tăng 2,5% lên mức 12.500 đồng/CP và khớp 25,92 triệu đơn vị, còn ROS giữ mức tăng 4% lên 4.900 đồng/CP và khớp 23,79 triệu đơn vị.

Đóng cửa, sàn HOSE có 226 mã tăng và 201 mã giảm, VN-Index tăng 11,6 điểm (+0,95%), lên 1.236,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 693 triệu đơn vị, giá trị 16.815,44 tỷ đồng, tăng 4,7% về khối lượng và 2,6% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 2/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 57,73 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.812 tỷ đồng.

Trái với sự ảm đạm trên sàn HOSE, giao dịch trên HNX lại khá sôi động và kép chính vẫn là SHB.

Trong tuần trước, SHB đã có nhiều phiên khiến HNX-Index loạn nhịp khi đang lình xình bất ngờ nhận được lực cầu khủng ồ ạt tung vào cùng lúc vào cuối phiên (có phiên cuối phiên sáng, có phiên cuối phiên chiều), kéo cổ phiếu này tăng thẳng đứng lên mức trần, qua đó cũng khiến HNX-Index nhảy dựng theo.

Trong phiên hôm nay, SHB cũng khiến HNX-Index loạn nhịp, nhưng ở chiều ngược lại. Lình xình trong gần như suốt phiên, nhưng vào cuối phiên, lực cung chốt lời bất ngờ tung vào ồ ạt cùng lúc kéo SHB từ mức gần tham chiếu lao thẳng xuống mức sàn 24.300 đồng. Lực cung tiếp tục gia tăng trong đợt ATC, trong khi bên mua chùn tay khiến lượng dư bán sàn khi chốt phiên còn hơn 1 triệu đơn vị.

Đóng cửa, sàn HNX có 121 mã tăng và 97 mã giảm, HNX-Index giảm 3,65 điểm (-1,24%), xuống 291,24 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 148,98 triệu đơn vị, giá trị 2.400,85 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,47 triệu đơn vị, giá trị 51,12 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, sau chuỗi 5 phiên tăng mạnh, với mức tăng lên tới hơn 50%, cổ phiếu SHB đã chịu áp lực xả bán mạnh và lao dốc ở cuối phiên, là tác nhân chính khiến HNX-Index cắm đầu đi xuống trong thời gian cuối phiên.

Kết phiên, SHB giảm 10% xuống mức giá sàn 24.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HNX, đạt hơn 14,66 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, “ngôi sao” mới lên NVB dù không còn giữ được sắc tím nhưng vẫn tăng mạnh, với biên độ tăng 8,4% và kết phiên tại mức giá 18.100 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 4,85 triệu đơn vị.

Bên cạnh SHB giảm mạnh, nhiều mã lớn khác cũng giao dịch trong sắc đỏ, đã tác động không mấy tích cực tới thị trường như PVS, VCS, VIF, PVB đều giảm.

Mặt khác, hàng loạt mã vừa và nhỏ như ACM, LIG, BII, MPT, KVC, SD6, SDT, NSH… cũng đã lan tỏa sắc tím trong nhóm cổ phiếu này.

Trên UPCoM, thị trường vẫn duy trì đà tăng trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,57 điểm (+0,69%), lên 82,84 điểm với 173 mã tăng và 118 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 83,92 triệu đơn vị, giá trị 1.179,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,9 triệu đơn vị, giá trị gần 224 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR giao dịch tích cực trong phiên chiều nhưng biên độ tăng đã thu hẹp về cuối phiên khiến cổ phiếu này chỉ còn giữ sắc xanh nhạt. Kết phiên, BSR tăng 0,6% lên 18.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch vượt trội, đạt 18,83 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, VEA tăng 1,1% lên 45.800 đồng/CP, FOX tăng 3,9% lên 80.000 đồng/CP, PGV tăng 1,8% lên 17.400 đồng/CP, MML, QNS nhích nhẹ…

Cũng như trên sàn niêm yết, nhiều mã nhỏ trên UPCoM như VHG, KSH, VNH, PVV, ATB, CDO, SDO… cũng đóng cửa trong sắc tím.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó VN30F2104 đáo hạn gần nhất tăng 23 điểm (+1,9%), lên 1.257 điểm. Khối lượng khớp lệnh đạt gần 140.630 đơn vị, khối lượng mở gần 28.060 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng tràn ngập, trong đó, CNVL2003 có giao dịch lớn nhất, khớp 143.030 đơn vị, tăng 6,7% lên 2.400 đồng/cq. Tiếp theo là CVIC2005 và CVIC2004 lần lượt khớp 96.780 đơn vị và 95.260 đơn vị, kết phiên CVIC2005 tăng 8,7% lên 2.510 đồng/CQ, còn CVIC2004 tăng 10,7% lên 1.350 đồng/CQ.

Tin bài liên quan