Giao dịch chứng khoán chiều 8/5: VN-Index vượt mốc 1.050, bất ngờ thời gian giao dịch được "kéo dài" hơn

Giao dịch chứng khoán chiều 8/5: VN-Index vượt mốc 1.050, bất ngờ thời gian giao dịch được "kéo dài" hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đã có phiên giao dịch đầu tuần ngày 8/5 với nhiều điểm bất ngờ từ điểm số tăng vọt, thanh khoản sôi động... đến cả thời gian giao dịch cũng được "kéo dài" hơn.

Sau những phiên mở đầu tháng 5 với tâm lý thăm dò và trạng thái thị trường đi ngang, phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 8/5 có phần tích cực hơn với sự trở lại của dòng bank đã đem đến những tia hy vọng mới cho nhà đầu tư. Lực cầu có chút mạnh dạn hơn về cuối phiên đã giúp VN-Index tạm dừng phiên sáng ở vùng giá cao nhất khi áp sát ngưỡng kháng cự mạnh 1.050 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, chỉ số VN-Index vẫn giằng co và lên xuống trong biên độ hẹp ở mốc 1.050 điểm. Diễn biến có phần tích cực hơn trong 30 phút cuối phiên, khi nhiều mã ngân hàng nới rộng biên độ tăng đã lan rộng ra thị trường.

Chỉ số VN-Index đã vượt thành công ngưỡng 1.050 điểm và khép lại phiên đầu tuần ở mức giá cao nhất trong ngày, đây cũng là mức cao nhất trong khoảng nửa tháng qua. Đồng thời, thanh khoản lên gần mức 11.000 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giao dịch đạt hơn 655 triệu đơn vị, là mức cao nhất trong hơn nửa tháng qua.

Một điểm khá bất ngờ trong phiên hôm nay chính là bảng điện tử. Mặc dù phiên ATC đã kết thúc nhưng các chỉ số và cả thanh khoản của phiên giao dịch “vẫn không dừng”. Điều này khiến một số nhà đầu tư bất ngờ nhận được lệnh báo khớp dù thị trường đã đóng cửa trước đó 4-5 phút.

Theo thông báo của các công ty chứng khoán tới khách hàng, dữ liệu từ sàn HOSE bị trễ 4 phút so với thời gian thực tế. Do đó, phiên ATC hôm nay 08/05/2023 sẽ kéo dài đến 14 giờ 49 phút. Thị trường phiên hôm nay đóng cửa lúc 15 giờ 04 phút.

Chốt phiên, sàn HOSE có 255 mã tăng và 135 mã giảm, VN-Index tăng 13,13 điểm (+1,26%) lên 1.053,44 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 655,53 triệu đơn vị, giá trị 10.783,8 tỷ đồng, tăng 19,67% về khối lượng và 15,92% về giá trị so với phiên trước đó. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 64,29 triệu đơn vị, giá trị 1.540,71 tỷ đồng.

Nhóm bluechip vẫn đóng vai trò là động lực chính cho thị trường khi chỉ còn 2 mã mất điểm là NVL giảm 4,4% và TPB giảm 0,4%, cùng cặp PLX và VPB đứng giá tham chiếu, còn lại đều khởi sắc, trong đó nhiều mã xác lập đỉnh trong ngày như SSI, TCB, VNM, GAS, VRE…

Ở top vốn hóa vừa và nhỏ, nhiều mã như FIT, TTG, VPG, EVG vẫn trong trạng thái dư mua trần một vài triệu đơn vị; các mã SJF, PSH, LSS, MCG, NHA, TDC… cũng đóng cửa khoe sắc tím.

Xét về nhóm ngành, dòng bank chính là điểm sáng trong phiên hôm nay. Trong đó, dù không giữ được mức đỉnh của ngày, nhưng đà tăng ấn tượng của VCB đạt 3,56% đã đóng góp lớn vào chỉ số chung của thị trường.

Các mã khác trong ngành như BID tăng 2,9%, STB tăng 2,8%, TCB tăng 2,4%, ACB tăng 1,2%, VIB tăng 1%, SHB tăng 2,28%, MSB tăng 2,1%... Trong đó, SHB và STB là 2 mã giao dịch sôi động nhất ngành với khối lượng khớp đều đạt hơn 10 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, đà tăng mạnh nhất của thị trường vẫn thuộc về nhóm chứng khoán khi nhiều mã khép lại phiên giao dịch tại mức giá cao nhất ngày. Trong đó, SSI tăng 4% lên 22.300 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 3 thị trường, đạt 28,55 triệu đơn vị; tiếp theo là cổ phiếu VIX có khối lượng khớp lệnh đạt 25,44 triệu đơn vị nhưng biên độ tăng lại thu hẹp, đóng cửa tại mức 8.800 đồng/CP.

Các mã tăng tốt khác như VND và VCI cùng tăng 2,7%, HCM tăng 2,2%, ORS tăng 3,1%, CTS tăng 1,5%, VDS tăng 3,5%...

Nhóm bất động sản tăng nhẹ với các mã vốn hóa lớn như VHM và VIC tăng chưa tới 1%, tuy nhiên đáng chú ý là cặp đôi nóng là NVL và DIG có thanh khoản tốt nhất thị trường nhưng đều đóng cửa giảm điểm. Trong đó, NVL giảm 4,4% xuống mức thấp nhất ngày 12.950 đồng/CP và khớp 38,11 triệu đơn vị; còn DIG giảm 1% xuống 18.850 đồng/CP và khớp 28,79 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường cũng có phiên tăng khá tốt cả về điểm số và thanh khoản nhờ sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu HNX30.

Đóng cửa, sàn HNX có 129 mã tăng và 61 mã giảm, HNX-Index tăng 3,12 điểm (+1,5%) lên 210,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 111,6 triệu đơn vị, giá trị 1.397,98 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,16 triệu đơn vị, giá trị 82,36 tỷ đồng.

Tương tự sàn HOSE, rổ HNX30 cũng chỉ có 4 mã kết phiên trong sắc đỏ với DDG giảm sàn, NTP giảm 1,4%, LHC giảm 1,2%, BCC giảm 0,9%, còn lại đều đóng cửa tăng điểm.

Trong đó có 3 mã là LAS, BVS, DTD đóng cửa tại mức giá trần và đều trong trạng thái dư mua trần vài trăm nghìn đơn vị; ngoài ra, TIG tăng 8,2%, HUT tăng 3,7%, PVS tăng 2,4%...

Ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, BII vẫn đóng cửa tại mức giá trần với thanh khoản chỉ thua SHS, đạt 6,56 triệu đơn vị; các mã LIG, LAS, DL1, KVC, KSQ, VC7 đều khoác áo tím.

Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX khởi sắc hơn. Bên cạnh BVS tăng trần, cổ phiếu SHS ấn tượng khi tăng 5,9% lên mức giá cao nhất ngày 10.800 đồng/CP và thanh khoản sôi động với 38,47 triệu đơn vị khớp lệnh; VIG tăng 2,9%...

Trên UPCoM, nhận tín hiệu tích cực từ thị trường niêm yết, UPCoM- Index cũng kéo lên mức giá cao nhất trong ngày.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,82 điểm (+1,05%) lên 78,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 37,62 triệu đơn vị, giá trị 442,61 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4,63 triệu đơn vị, giá trị 57,18 tỷ đồng.

Cổ phiếu PVX tiếp tục có thêm phiên tăng trần khi đóng cửa tại mức giá 4.700 đồng/CP và thanh khoản thuộc top 10 với hơn 1,89 triệu đơn vị khớp lệnh.

Bên cạnh đó, một số mã vừa và nhỏ khác cũng tăng tốt như SBS tăng 3,1% và khớp 3,62 triệu đơn vị, VHG tăng sát trần đạt 8,7% và khớp 2,8 triệu đơn vị…

Tuy nhiên, đóng góp lớn vào chỉ số chung của thị trường có BSR tăng 3,8% lên mức cao nhất ngày 16.400 đồng/CP và thanh khoản sôi động nhất với gần 6,2 triệu đơn vị giao dịch; VGI cũng ấn tượng khi tăng 5,2% lên 22.300 đồng/CP và khớp 1,34 triệu đơn vị…

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đóng cửa đều tăng. Trong đó, VN30F2305 đáo hạn gần nhất tăng 8,3 điểm, tương đương +0,8% lên 1.041,8 điểm, khớp lệnh 139.125 đơn vị, khối lượng mở gần 47.100 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh có phần chiếm ưu thế và tiếp tục tình trạng thanh khoản kém khi không mã nào khớp quá 1 triệu đơn vị. Trong đó, CSTB2203 có thanh khoản cao nhất chỉ đạt 0,71 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,6% lên 2.790 đồng/cq. Tiếp theo là CVRE2216 khớp 0,66 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,3% lên 310 đồng/cq.

Tin bài liên quan