Giao dịch chứng khoán phiên chiều 8/3: Ngày lễ không có quà

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 8/3: Ngày lễ không có quà

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày lễ 8/3, thị trường tràn một màu đỏ thắm của hoa hồng, nhưng đây rõ ràng không phải là món quà ưa thích với các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu.

Sau phiên sáng thu hẹp đà giảm đáng kể so với mức đáy của phiên nhờ lực cầu bắt đáy hoạt động tương đối tích cực, thị trường bước vào phiên chiều đã quay đầu điều chỉnh và sau nhịp rung lắc đã lao dốc thủng mốc 1.480 điểm, tương ứng mất khoảng 20 điểm.

Tưởng chừng đà giảm được chặn lại sau đó khi thêm một lần VN-Index bật lên, nhưng khi vừa nhích lên gần 1.485 điểm, áp lực bán dồn mạnh vào một số mã lớn và lực bán thường trực trên diện rộng khiến chỉ số lùi nhanh về 1.475 điểm và tiếp tục hạ độ cao trong phiên ATC.

Thị trường suy yếu đáng kể với lực bán mạnh, tuy nhiên lực bắt đáy cũng khá tốt khiến tình trạng bán tháo chưa diễn ra, trên HOSE chỉ có 12 mã giảm sàn, trong khi vẫn có 16 mã tăng trần. Mặc dù toàn sàn, số mã đỏ chiếm ưu thế nhưng tác động khiến chỉ số giảm sâu đến chủ yếu từ một số mã lớn như VCB, GAS, HPG, VHM, riêng 4 mã này đã lấy đi của VN-Index tới hơn 9 điểm.

Về mặt kỹ thuật, mốc hỗ trợ 1.480 của VN-Index đã bị xuyên thủng, hỗ trợ gần nhất cho thị trường tiếp tục là đường trung bình giá 100 ngày ở vùng 1.469 điểm, đây là đường hỗ trợ tốt cho thị trường trong đợt giảm điểm giữa tháng 1/2022 vừa qua.

Về mặt tâm lý, như đề cập ở bản tin sáng, thị trường hiện tại đang chịu chi phối lớn từ các diễn biến thị trường quốc tế, đặc biệt là cuộc xung đột ở Ukraine. Theo các phân tích đã đưa trước đây, thì tác động của các cuộc xung đột thường không kéo dài lâu bởi hoạt động doanh nghiệp sẽ có những điều chỉnh nhanh để phù hợp với diễn biến mới.

Đóng cửa, sàn HOSE có 95 mã tăng và 350 mã giảm, VN-Index giảm 25,34 điểm (-1,69%), xuống 1.473,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,03 tỷ cổ phiếu, giá trị 34.518,1 tỷ đồng, tăng hơn 5% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 55,3 triệu đơn vị, giá trị 2.285,4 tỷ đồng.

Nhóm bluechip gây sức ép mạnh, với các mã lớn đua nhau nới đà đi xuống, trong đó, VCB là tội đồ lớn nhất, khi giảm sâu nhất rổ VN30, mất 4% xuống 81.500 đồng và tác động gần 4 điểm tiêu cực đến VN-Index.

Các cổ phiếu khác như HPG, GAS, VHM, MBB đã “đóng góp” không kém với tổng cộng hơn 6,5 điểm trừ đến chỉ số.

Theo đó, MBB -3,7% xuống 31.000 đồng, HPG -3,2% xuống 49.450 đồng, GAS -3,1% xuống 120.700 đồng, VHM -2,1% xuống 74.600 đồng.

Các bluechip khác giảm tương đối mạnh còn có KDH -3,2% xuống 52.100 đồng, PLX -3,2% xuống 61.300 đồng, PDR -2,7% xuống 87.100 đồng, STB -2,1% xuống 30.850 đồng, ACB -2% xuống 32.600 đồng, các mã PNJ -1,9%, VPB -1,9%, BID -1,5%, GVR -1,2%...

Chỉ còn 6 cổ phiếu tăng, trong đó, VJC tăng cao nhất cũng chỉ +2,1% lên 137.000 đồng, FPT +1,1% lên 94.800 đồng, POW +0,9%, SAB +0,6%, MSN +0,4%...

Trong đó, HPG thanh khoản vượt trội và cũng lớn nhất HOSE với hơn 40,5 triệu đơn vị khớp lệnh. Hai cổ phiếu SSI và POW theo sau với 25,6 triệu đơn vị, POW khớp 18,3 triệu đơn vị.

Nhóm ngân hàng với MBB khớp 25,6 triệu đơn vị, CTG, ACB, TCB, VPB, STB khớp từ 7,1 triệu đến 16,4 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nổi lên vẫn là các mã có tính đầu cơ cao như OGC, DAH, FCM, FTM, LCM, TGG, TNT, SJF, khi đều đóng cửa ở mức giá trần, với OGC khớp được hơn 6,66 triệu đơn vị, SJF khớp 5,77 triệu đơn vị, DAH khớp hơn 3,87 triệu đơn vị…

Nhích lên đáng kể khác không còn nhiều, với DPR, TLG, JVC, AAM, TV2, GEG, AMD, IDI, PC1, TNH, khi tăng từ 3,5% đến 6,4%. Trong đó, một số giao dịch rất sôi động như JVC khớp hơn 10 triệu đơn vị, AMD khớp 9,9 triệu đơn vị, PC1 khớp 5,96 triệu đơn vị, IDI khớp 5,38 triệu đơn vị…

Còn lại phần lớn đều đóng cửa giảm điểm, trong đó, ở các cổ phiếu thanh khoản cao đáng kể như HAG -6,4% xuống 11.700 đồng, khớp 21,8 triệu đơn vị, GEX -5,2% xuống 39.000 đồng, khớp 23,6 triệu đơn vị, KBC -4,8% xuống 52.000 đồng, khớp 15,7 triệu đơn vị, HNG -4,8% xuống 10.000 đồng, khớp 14,66 triệu đơn vị….

Ngoài ra, một số cổ phiếu bị bán ồ ạt và đồng loạt giảm sàn như FRT, YEG, ACL, VOS, VIP, GIL, ASP, PET và DIG.

Đà giảm sâu khác còn ở nhiều nhóm ngành như vận tải, cảng biển, TCO -3,9%, TLC -4,4%, MHC -4,6%, CLL -4,7%, PVT -4,8%, HAH -5,9%, GMD -6,1%, nhóm dầu khí với PSH -4,2%, PGC -4,8%, PGD -5,3%, PXS -5,5%, nhóm bất động sản, xây dựng với HQC -4,2%, HAR -4,6%, FCN -4,7%, DXG -4,8%, DRH -5,8%, NHA -6,1%, SCR -6,4%...

Nhóm cổ phiếu thép cũng đã lao dốc, ngoài HPG nêu trên thì HSG -4,8% xuống 40.400 đồng, POM -4,8% xuống 15.000 đồng, SMC -4,7% xuống 41.000 đồng, TLH -4,4% xuống 20.550 đồng, NKG -2,6% xuống 49.100 đồng...

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng rơi dần xuống các mức thấp hơn và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày khi lực bán gia tăng.

Đóng cửa, sàn HNX có 83 mã tăng và 172 mã giảm, HNX-Index giảm 6,98 điểm (-1,54%), xuống 445,89 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 140 triệu đơn vị, giá trị 2.836 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 7 triệu đơn vị, giá trị 167,3 tỷ đồng.

Bảng điện tử HNX cũng không khá hơn HOSE, ngoài OCH, TDN tăng kịch trần lên 15.800 đồng và 21.000 đồng, cùng lác đác HUT +5,3%, PVC +6,3%, AMV +3,1%, LAS +0,8%, VKC +0,8%, thì còn lại đều giảm.

Đáng kể như CEO khi nới rộng đà đi xuống, mất 7,9% xuống 64.500 đồng, TNG -6,1% xuống 33.800 đồng, IDJ -5,5% xuống 31.100 đồng, IDC -4,3% xuống 74.000 đồng, TVC -3,5% xuống 22.100 đồng, BII -6,7% xuống 13.900 đồng…

Các cổ phiếu PVS, SHS, KLF, ART, APS, MBG, NDN, PVL, LIG, TAR chìm trong sắc đỏ, với biên độ giảm trên dưới 2%.

Phiên này, thanh khoản cao nhất thuộc về PVS với hơn 13,9 triệu đơn vị khớp lệnh, CEO theo sau với 8,91 triệu đơn vị, SHS khớp 7,69 triệu đơn vị, KLF khớp 6,83 triệu đơn vị…

Trên UpCoM, diễn biến tương tự, khi UpCoM-Index nhanh chóng quay đầu giảm ngay khi bước vào phiên chiều và lùi xuống các mức thấp hơn, trước khi có nhịp nảy nhẹ từ mức đáy ở cuối phiên.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,62 điểm (-0,54%), xuống 112,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 105,4 triệu đơn vị, giá trị 2.274,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,96 triệu đơn vị, giá trị 79,2 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu giao dịch lớn nhất đã phân hóa mạnh với VHG, C4G, DDV DRI MSR, QTP, VGI và NED nằm trong số các mã tăng, với mức tăng đáng chú ý tại DRI +10,4% lên 20.200 đồng, DDV +6% lên 33.500 đồng, VGI +5% lên 33.800 đồng.

Ở chiều ngược lại, BSR, VGT, SBS OIL, G36, PAS, LMH, BVB, TVN, ABB đóng cửa giảm điểm.

Trong đó, BSR là cổ phiếu có thanh khoản cao nhất UpCoM với 13,6 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 2,7% xuống 28.400 đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều mất điểm, trong đó, VN30F2203 đáo hạn gần nhất giảm 13,9 điểm (-0,92%), xuống 1.490,3 điểm, với tổng khối lượng khớp lệnh hơn 142.800 đơn vị, khối lượng mở hơn 30.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ bao phủ rộng, với gần như 30 mã thanh khoản cao nhất đều giảm, với phiên này CHPG2114 và CHPG2202 phiên này khớp đều trên 1,7 triệu đơn vị, trong đó, CHPG2114 giảm 10% xuống 360 đồng/cq, còn CHPG2202 giảm hơn 6% xuống 930 đồng/cq.

Tin bài liên quan