Giao dịch chứng khoán phiên sáng 16/2: NVL trở lại, thị trường giao dịch cầm chừng

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 16/2: NVL trở lại, thị trường giao dịch cầm chừng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường vẫn đang trong giai đoạn thiếu vắng thông tin hỗ trợ, dòng tiền lớn chưa xuất hiện và hầu như không có nhóm ngành đủ mạnh dẫn dắt, khiến giao dịch nhìn chung vẫn khá ảm đạm và buồn tẻ.

Trong phiên hôm qua, sau ít phút giằng co sau khi mở cửa, VN-Index đã bật tăng nhờ dòng tiền bắt đáy nhập cuộc, nhất là ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ liên quan tới đầu tư công. Tuy nhiên, lực cầu chực chờ còn khá lớn đã khiến VN-Index chưa thể chinh phục lại ngưỡng cản ở đường MA50.

Sau giờ nghỉ trưa, lực bán bất ngờ gia tăng và có lúc đẩy VN-Index về gần tham chiếu, nhưng lực cầu hoạt động tích cực ở những phút cuối đã giúp chỉ số bật hồi trở lại gần vùng 1.050 điểm, với sắc xanh chiếm ưu thế và thanh khoản cũng cải thiện đáng kể, nhưng vẫn chưa thể trở lại ngưỡng 10.000 tỷ đồng.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 16/2, thị trường có nhịp tăng khá nhanh lên trên ngưỡng 1.050 điểm, nhờ sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện tử.

Tuy vậy, lực mua đa số chỉ ở mức độ thăm dò, biên độ giá các cổ phiếu tăng không nhiều, trong khi nhóm bluechip khá mong manh, khiến VN-Index gần như chỉ giằng co nhẹ quanh ngưỡng 1.050 điểm mà không thể tiến xa hơn sau hơn 1 giờ giao dịch.

Giao dịch đáng kể nhất có lẽ tại một số cổ phiếu thuộc nhóm vận tải, dầu khí vừa và nhỏ, như TCO, PVT, GSP, VTO, VOS, PVD, PSH với mức tăng từ khoảng 3% đến gần 5%, riêng cổ phiếu VIP tăng kịch trần +6,9% lên 10.900 đồng với khối lượng khớp lệnh khá cao khi có gần 1,9 triệu đơn vị.

Trong khi đó, hút thanh khoản nhất vẫn đang là các cổ phiếu thuộc nhóm nguyên vật liệu, đầu tư công, bất động sản, công ty chứng khoán như HSG, HPG, NKG, LCG, HHV, VND, SSI, DXG, HQC và các cổ phiếu ngân hàng STB, VPB, SHB…

Không có diễn biến mới nào về VN-Index ở nửa sau của phiên, chỉ số này vẫn gần như chỉ giằng co nhẹ quanh ngưỡng 1.050 điểm, trong khi đó, dù sắc xanh vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện tử, nhưng lực mua không quá mặn mà khiến thanh khoản thị trường xuống rất thấp.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 251 mã tăng và 93 mã giảm, VN-Index tăng 3,00 điểm (+0,29%), lên 1.051,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 204,1 triệu đơn vị, giá trị 3.614,2 tỷ đồng, giảm 33% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 22,1 triệu đơn vị, giá trị 580,6 tỷ đồng.

Các cổ phiếu bluechip đa phần chỉ biến động nhẹ, ngoại trừ một vài cái tên như NVL +2,7% lên 11.450 đồng, CTG +1,9% lên 29.450 đồng, HDB và POW cùng tăng 1,7%, GAS +1,5%, VIB +1,4%...

Ở chiều ngược lại, VIC là cổ phiếu giảm mạnh nhất, nhưng cũng chỉ -2,6% xuống 51.500 đồng, theo sau ngay là hai cổ phiếu liên quan VRE -1,4% xuống 28.850 đồng và VHM -0,9% xuống 42.100 đồng.

Trong khi đó, giao dịch sôi động nhất nhóm VN30 là STB với hơn 10,5 triệu đơn vị khớp lệnh, NVL khớp 6,92 triệu đơn vị, HPG khớp 6,5 triệu đơn vị, VPB khớp hơn 6 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, vẫn là những cổ phiếu vận tải, dầu khí, xuất nhập khẩu có thị giá vừa và nhỏ có mức tăng tốt nhất, nhưng thanh khoản cũng không thật sự cao, với VIP +5,4% lên 10.750 đồng, GIL +5,3% lên 19.950 đồng, VOS +5% lên 9.750 đồng, PSH +4,2% lên 6.660 đồng, VTO +3,9% lên 8.310 đồng, PVD +3,8% lên 21.950 đồng, TCO +3,1% lên 8.200 đồng…

Trong khi đó, các sắc xanh ở các mã thanh khoản lớn đều chỉ có mức tăng nhẹ, với các cổ phiếu SCR, ASM, VCI, IDI, HPX, SHB,. HHV, GEX, VCG, LPB, HQC, VND, LCG, HSG…khớp từ 1,37 triệu đơn vị đến hơn 9,5 triệu đơn vị.

Trái lại, cũng không có mã nào giảm quá sâu. Chỉ một vài cái tên như MCG -3,6% xuống 2.140 đồng, KPF -3,4% xuống 10.000 đồng, nhưng khối lượng khớp lệnh cũng chỉ vài trăm nghìn đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index nhích dần từ sớm khá tích cực, và dù có chịu áp lực ở nửa sau của phiên, nhưng vẫn kết phiên vững chắc.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 82 mã tăng và 50 mã giảm, HNX-Index tăng 1,57 điểm (+0,76%), lên 209,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 34,2 triệu đơn vị, giá trị 626,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,83 triệu đơn vị, giá trị 56,2 tỷ đồng.

Lác đác một vài cổ phiếu còn giảm như CEO -0,9%, BCC -0,9%, LIG -2,6%, VC3 -0,3% và VKC giảm sàn -7,7% xuống 1.200 đồng.

Còn lại phần lớn đều tăng, dù mức tăng không thực sự cao, ngoại trừ một số cáo tên như PVS +4,5% lên 25.800 đồng, khớp lệnh hơn 9 triệu đơn vị, cao nhất sàn.

Tiếp theo là PVC +7,2% lên 14.900 đồng, TNG +6,7% lên 17.600 đồng, DL1 +5,7% lên 3.3700 đồng, TVD +4,8% lên 15.200 đồng, TAR +4% lên 13.000 đồng, khớp lệnh từ 0,46 triệu đến hơn 2,3 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, UpCoM-Index dù tăng từ sớm, nhưng đã yếu đà và rơi về dưới tham chiếu trong những phút cuối.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,35 điểm (-0,44%), xuống 79,12 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16,47 triệu đơn vị, giá trị 232,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,74 triệu đơn vị, giá trị 108,9 tỷ đồng.

Dù vậy, đa số các cổ phiếu thanh khoản tốt nhất đều tăng, trừ nhóm VHG, SBS, ABB, LMH, LCM đứng tham chiếu.

Trong khi đó, BSR +4,5% lên 16.400 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 7,18 triệu đơn vị, VGT +7,6% lên 12.800 đồng, khớp 1,59 triệu đơn vị, OIL +4,5% lên 9.300 đồng, khớp 1,04 triệu đơn vị.

Cổ phiếu VNZ tạm dứt chuỗi tăng trần, kết phiên này giảm 4,3% xuống 1,3 triệu đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 7.000 đơn vị.

Tin bài liên quan