Giao dịch chứng khoán phiên sáng 20/10: Mua bán buồn tẻ, thanh khoản vẫn ở mức thấp nhất 2 năm

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 20/10: Mua bán buồn tẻ, thanh khoản vẫn ở mức thấp nhất 2 năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền trên thị trường gần như mất hút do sự thiếu chắc chắn và động lực thúc đẩy chưa xuất hiện. Chỉ cần lực cung gia tăng đôi chút ở các trụ đỡ cũng đủ khiến các chỉ số yếu đi nhanh chóng.

Trong phiên hôm qua, VN-Index đã sớm nới đà giảm xuống 1.055 điểm khi lực bán vừa chớm gia tăng. Tuy nhiên, lệnh bán tháo không diễn ra nên đà giảm được chặn lại, chốt 1.055 điểm vẫn được giữ vững.

Diễn biến thị trường sau đó diễn ra chậm khi dòng tiền gần như mất hút, VN-Index giằng co quanh ngưỡng 1.050-1.060 điểm cho đến khi kết phiên.

Việc thanh khoản sụt giảm mạnh, ngay cả là khi nhiều mã xuống thấp, lực cầu bắt đáy không tham gia cho thấy sự thận trọng của dòng tiền. Đây sẽ là lực cản cho pha tăng mới của thị trường.

Thanh khoản tiếp tục sẽ là vấn đề của thị trường trong thời gian tới khi đã có vài phiên liên tục về mức thấp nhất trong khoảng 2 năm. Mặt tích cực của số liệu này cho thấy lực bán đã cạn kiệt, nhưng mặt tiêu cực khi thanh khoản thấp kéo dài đó là thị trường sẽ mất đi sự sôi động và kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế sẽ bị hạn chế vai trò.

Chi tiết phiên giao dịch sáng nay 20/10, thị trường giảm điểm từ sớm, VN-Index nhanh chóng bị đẩy xuống sát ngưỡng 1.050 điểm và bật trở lại. Dù vậy, lực cầu là không đủ và chỉ tập trung ở số ít mã lớn đã khiến VN-Index chưa kịp trồi lên trên tham chiếu đã bị đẩy ngược về quanh ngưỡng 1.055 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.

Dòng tiền vẫn khá đuối khiến thanh khoản tiếp tục mất hút, trong khi độ rộng bảng điện tử vẫn rất tiêu cực với gần 270 mã giảm và chưa đến 100 mã tăng, trong đó, nhóm VN30 có tới 25 mã đang chìm trong sắc đỏ.

Trên bảng điện tử, phần lớn các mã đang có khối lượng giao dịch cao nhất đều chìm trong sắc đỏ, nhưng điểm tích cực là phần lớn chỉ giảm nhẹ, ngoại trừ HAG, khi giảm khá sâu, để mất 4% với khối lượng khớp lệnh đang dẫn đầu sàn HOSE.

Ở chiều ngược lại, chỉ một vài cổ phiếu tăng điểm, nhưng phản ánh sự thận trọng cao của nhà đầu tư, với những cái tên như HSG, VCG, PVD, NKG, GAS, FPT…chỉ có mức tăng nhẹ.

Ngoài ra, ảnh hưởng đến thị trường có thể còn đến từ việc hôm nay là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai VN30F2210.

Giao dịch tiếp tục chậm lại do sự thận trọng cao của nhà đầu tư, khiến thanh khoản phiên sáng nay ở mức rất thấp. Chỉ số VN-Index có thêm một nhịp về dưới 1.050 điểm trước khi bật nhẹ trở lại ở những phút cuối.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 83 mã tăng và 316 mã giảm, VN-Index giảm 7,92 điểm (-0,75%), xuống 1.052 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 151,1 triệu đơn vị, giá trị 2.879 tỷ đồng, giảm gần 13% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 10,7 triệu đơn vị, giá trị 220,4 tỷ đồng.

Các trụ cột phần lớn giảm, như trong nhóm VN30 có tới 26 mã giảm. Dù vậy, áp lực bán không quá mạnh, với hai cổ phiếu giảm mạnh nhất là TCB và VHM chỉ mất hơn 2% xuống 24.650 đồng và 49.000 đồng.

Nhóm các mã khác trong nhóm như ngân hàng VIB, TPB, ACB, CTG, STB chỉ giảm từ 1% đến 1,7%. Tương tự là các mã MWG, GVR, HPG, VRE, KDH, POW, giảm cũng chỉ từ 1,2% đến 1,8%.

Chỉ còn ba mã tăng điểm là GAS, FPT và HDB, nhưng các mã này cũng chỉ nhích nhẹ.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giao dịch không khác nhiều, chỉ một số ít cổ phiếu bật lên đáng chú ý như VNS +5,2% lên 22.100 đồng, MSH +3,7% lên 36.400 đồng, TIP +3,2% lên 19.600 đồng, DHG +3% lên 88.600 đồng, CSV +2,9% lên 38.750 đồng, nhưng tất cả đều có khối lượng giao dịch không cao.

Một vài cổ phiếu lác đác xanh nhạt khác tại HSG, NKG, KSB, VCG, IDI, khớp lệnh thuộc top cao trên sàn, với khối lượng từ 0,98 triệu đến hơn 3,66 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, khá nhiều cổ phiếu giảm sâu ở các nhóm ngành như hóa chất, nông nghiệp, bất động sản, công ty chứng khoán, như VIX, VDS, TGG, DGC, CTS, BAF, TVS, HPX, DPG, DBC, HDG, với mức giảm từ hơn 3% đến hơn 4%.

Đại diện giảm giá đáng chú ý khác là HAG, khi mất tới 6,1% xuống 8.960 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 8,72 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giằng co nhẹ quanh tham chiếu sau những phút đầu mở cửa và sau đó bị đẩy xuống dưới tham chiếu và tìm đến các mức thấp hơn cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên, sàn HNX Có 46 mã tăng và 110 mã giảm, HNX-Index giảm 2,22 điểm (-0,97%), xuống 225,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 13,6 triệu đơn vị, giá trị 255,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,13 triệu đơn vị, giá trị 3,17 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu nổi bật là TC6 tăng kịch trần +9,1% lên 8.400 đồng và NBC +8,7% lên 11.300 đồng.

Còn tăng điểm không nhiều, với PVS +0,4% lên 23.700 đồng, TNG +3,6% lên 17.200 đồng.

Còn lại đều giảm, dù đa số cũng chỉ giảm nhẹ, với SHS -2,4% xuống 8.300 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 1,68 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu IDC, CEO, HUT, MST, AMV, APS, MBS, TVC giảm từ 1,8% đến hơn 4%.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index không giữ được sắc xanh lâu sau khi mở cửa, khi bị đẩy về sắc đỏ và kết phiên ở mức thấp nhất.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,4 điểm (-0,50%), xuống 80,27 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 8,09 triệu đơn vị, giá trị 118,77 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Cổ phiếu hoạt động tốt nhất phải kể đến CST +8,3% lên 15.700 đồng và LMH +6,8% lên 7.900 đồng.

Trong khi đó, BSR vẫn là cổ phiếu hút thanh khoản nhất, dù phiên này chỉ khớp hơn 1,54 triệu đơn vị, giá giảm 0,5% xuống 20.600 đồng.

Tin bài liên quan