Giao dịch chứng khoán phiên sáng 20/4: Dòng tiền loay hoay tìm địa chỉ

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 20/4: Dòng tiền loay hoay tìm địa chỉ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đang có khoảng thời gian giao dịch thận trọng do kỳ nghỉ lễ dài ngày đang đến gần và hôm nay là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai VN30F2304.

Trong phiên hôm qua, giao dịch từ sớm vẫn chủ đạo là lình xình, ảm đạm, khiến VN-Index dao động trong biên độ hẹp quanh ngưỡng tham chiếu.

Tuy nhiên, sau giờ nghỉ trưa, lực bán gia tăng, trong khi lực cầu vẫn duy trì sự thận trọng khiến VN-Index bị đẩy mạnh xuống dưới tham chiếu và mất mốc 1.050 điểm khi đóng cửa.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 20/4, dù nhóm bluechip vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng và tiếp tục phân hóa, nhưng bảng điện tử đã tích cực hơn với sắc xanh chiếm ưu thế rõ nét.

Mặc dù vậy, dòng tiền phần lớn chỉ mua thăm dò, giá trị giao dịch trên sàn HOSE chỉ hơn 1.600 tỷ đồng sau hơn 1 giờ giao dịch khiến thị trường không thể tiến xa, mà chỉ lấy lại được ngưỡng 1.050 điểm.

Một vài cổ phiếu đơn lẻ thu hút nhà đầu tư khi đang tăng tốt với thanh khoản khá, với VNS và HHP tăng kịch trần lên 18.250 đồng và 10.550 đồng, cổ phiếu SKG cũng có thời điểm tăng kịch trần trước khi hạ nhiệt đôi chút, các cổ phiếu DBC, GIL, STG, DAH, JVC, TNH nhích từ 3% đến hơn 5,5%, trong đó, DBC đang có khối lượng khớp lệnh đứng thứ hai trên sàn HOSE, chỉ sau HAG.

Chớm vượt qua 1.050 điểm, thị trường đã chững lại và lực bán gia tăng khiến bảng điện tử đổi màu, điều tương tự cũng diễn ra ở nhóm bluechip dù lực bán không quá mạnh, nhưng cũng đủ khiến VN-Index đảo chiều về dưới tham chiếu khi kết phiên với thanh khoản cạn kiệt.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 123 mã tăng và 213 mã giảm, VN-Index giảm 1,86 điểm (-0,18%), xuống 1.047,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 156,6 triệu đơn vị, giá trị 2.607,7 tỷ đồng, giảm 38% về khối lượng và 40% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 13,7 triệu đơn vị, giá trị 283,8 tỷ đồng.

Các trụ cột chỉ lác đác còn FPT, STB, GAS, SAB và BVH nhích nhẹ từ 0,3% đến 1,8%, trong khi nhiều cổ phiếu VNM, PLX, MBB, GVR, ACB, HDB và HPG đứng tham chiếu.

Phần còn lại chìm trong sắc đỏ, với PDR -2,6% xuống 13.350 đồng là mã giảm sâu nhất, trong khi các mã khác chỉ giảm nhẹ, như MWG, VJC, TCB, NVL, CTG, VRE, VPB mất từ 0,6% xuống 1,5%.

Thanh khoản cao nhất thuộc về VPB với hơn 5,4 triệu đơn vị, NVL khớp hơn 5 triệu đơn vị, PDR khớp 4,8 triệu đơn vị, STB khớp 4,5 triệu đơn vị, HPG khớp 2,2 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, chỉ còn một số ít các mã riêng lẻ nhận lực cầu tích cực và tăng tốt, trong đó, cặp đôi HHP và VNS nổi bật, khi giữ vững giá trần tại 10.550 đồng và 18.250 đồng, khớp lệnh lần lượt 1,81 triệu và 0,19 triệu đơn vị.

Sắc xanh khác đáng kể chỉ còn ở SKG +4,7% lên 17.950 đồng, TNH +4,3% lên 26.550 đồng, BMP +3,9% lên 69.100 đồng, JVC +3,9% lên 3.460 đồng, các mã VHC, TSC, DBC, SFI, GIL tăng từ 2% đến gần 3%, trong đó, DBC thuộc top thanh khoản cao nhất sàn khi có gần 3,9 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở chiều ngược lại, đáng chú ý có cổ phiếu VTO, khi giảm sàn -6,9% xuống 9.100 đồng, khớp hơn 1,34 triệu đơn vị.

Tại các mã thanh khoản cao, sắc đỏ chiếm lĩnh với VIP, HBC, BCG, LDG, SCR, HPX, VND, VIX, DXG, DIG, HAG, SHB…nhưng mức giảm phần lớn chỉ trên dưới 1%, với SHB phiên này có khối lượng khớp lệnh cao nhất sàn khi có 6,21 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, lực cầu tích cực ở đầu phiên không đủ giúp HNX-Index tiến xa, mà chỉ số này còn gặp lực cản từ giữa phiên và đảo chiều lùi về sát tham chiếu khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 59 mã tăng và 69 mã giảm, HNX-Index tăng 0,1 điểm (+0,05%), lên 205,94 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 34,5 triệu đơn vị, giá trị 422,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,66 triệu đơn vị, giá trị 59,6 tỷ đồng.

Một vài mã tăng khá tốt như NDN tăng trần +9,6% lên 8.000 đồng, TAR +7,4% lên 14.600 đồng và vươn lên dẫn đầu thanh khoản toàn sàn HNX với 5,37 triệu đơn vị, AMV +7,3% lên 4.400 đồng, khớp 2,73 triệu đơn vị, SRRA +5,9% lên 3.600 đồng, khớp 0,45 triệu đơn vị, NRC +5% lên 4.200 đồng, khớp 5,37 triệu đơn vị, TNG +3,4% lên 18.200 đồng, khớp 3,83 triệu đơn vị.

Trong khi đó, các cổ phiếu IDJ, CEO, PVS, APS, HUT, TIG, VGI, API mất điểm nhẹ, cùng SHS, MBS, PVC, MBG đứng tham chiếu.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index giằng co nhẹ đầu phiên và bứt nhẹ lên sau đó và kết phiên trên tham chiếu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,26 điểm (+0,34%), lên 78,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 13,29 triệu đơn vị, giá trị 215,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Hai cổ phiếu nổi bật nhất là MSR và VNB, khi đều tăng trần lên 13.300 đồng và 9.700 đồng, khớp lần lượt 0,5 triệu và 0,36 triệu đơn vị.

Trái lại, cổ phiếu VLB giảm khá mạnh -7,9% xuống 30.500 đồng, SBS -1,7% xuống 5.900 đồng và BSR -2,5% xuống 15.900 đồng và vẫn là cổ phiếu thanh khoản cao nhất UpCoM với 4,19 triệu đơn vị khớp lệnh.

Tin bài liên quan