Giao dịch chứng khoán sáng 11/9: Thị trường thoát hiểm nhờ SAB và VIC

Giao dịch chứng khoán sáng 11/9: Thị trường thoát hiểm nhờ SAB và VIC

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến bảng điện tử chìm trong sắc đỏ và chỉ số VN-Index đã "thoát hiểm" nhờ sự nâng đỡ của cặp đôi lớn SAB và VIC.

Thị trường đã ghi nhận tuần hồi phục thứ 3 liên tiếp sau đợt điều chỉnh và rung lắc khi VN-Index tiệm cận ngưỡng kháng cự 1.250 điểm. Tuy nhiên, trong những phiên cuối tuần qua, ngày 7-8/9, áp lực chốt lời một lần nữa gia tăng ở vùng đỉnh cũ này đã khiến đà tăng của chỉ số chung không được duy trì.

Theo giới phân tích, hiện Vn-Index đang đối diện ngưỡng cản ngắn hạn 1.250 điểm và sẽ cần thêm thời gian để hình thành vùng tích lũy mới, chuẩn bị cho khả năng hướng tới mốc cao hơn tại ngưỡng cản mạnh trung hạn 1.300 điểm, điều này sẽ khiến nhà đầu tư thận trọng hơn.

Tuy nhiên, sự kiện Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam trong tuần sau có thể là mang nhiều thông tin tích cực và có sức ảnh hưởng tâm lý đặc biệt đến nhà đầu tư, vì vậy có thể kỳ vọng thị trường duy trì được sự lạc quan và có xu hướng tích cực trong giai đoạn này.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng đầu tuần 11/9, không nằm ngoài dự báo trên, thị trường giao dịch khởi sắc ngay khi mở cửa, VN-Index đã thử thách thành công mốc 1.250 điểm. Tuy nhiên, cũng như các lần trước đó, chỉ số chung chưa thể dễ dàng bứt phá thành công ngưỡng kháng cự này.

Chỉ số VN-Index nhanh chóng giật lùi và thu hẹp biên độ ngay khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục. Sắc xanh vẫn chiếm áp đảo bảng điện tử nhưng do thiếu nhóm cổ phiếu trụ cột dẫn dắt nên thị trường chỉ duy trì đà tăng nhẹ trong hơn 1 giờ sau đó.

Theo ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên Phòng nghiên cứu khách hàng cá nhân, CTCK MBS, việc thị trường đón nhận thông tin hỗ trợ liên quan đến chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, một số nhóm ngành có thể “ăn theo” nhờ sự kỳ vọng về cải thiện hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa Việt Nam và Mỹ như nhóm cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu (dầu khí, dệt may, thủy sản, logistics…).

Trong phiên sáng nay, các nhóm cổ phiếu này cũng đang là điểm nhấn của thị trường. Cụ thể, ở nhóm dầu khí, PLX tăng 2,4%, GAS cũng tăng trên dưới 1%, PVD tăng hơn 2%, BSR tăng trên dưới 2%...; nhóm thủy sản có ACL sớm khoe sắc tím, ANV, ASM và IDI cùng tăng hơn 2%, các mã VHC, CMX, FMC cũng tăng nhẹ; nhóm vận tải biển có PVT sớm tăng trần và hiện đang thuộc top 5 mã có thanh khoản tốt nhất thị trường, các mã VOS, VTO tăng trên dưới 3%...

Áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, tuy nhiên nhờ sự nâng đỡ của bộ đôi SAB và VIC đã giúp VN-Index thoát khỏi xu hướng điều chỉnh.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 170 mã tăng và 319 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 1,6 điểm (+0,1913 lên 1.243,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 550,1 triệu đơn vị, giá trị 13.066,66 tỷ đồng, tăng 25,69% về khối lượng và 23,19% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 8/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 32,36 triệu đơn vị, giá trị 739,84 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, trái với xu hướng chung của thị trường, cổ phiếu SAB đã có màn bứt tốc trong nửa cuối phiên và đóng góp tốt nhất cho chỉ số chung với hơn 1,4 điểm. Chốt phiên, SAB tăng 5,2% lên mức 168.900 đồng/CP.

Bên cạnh đó, VIC đã đóng góp gần 1,2 điểm cho thị trường và chốt phiên sáng tăng 2% lên mức 60.300 đồng/CP cùng thanh khoản khá tốt, đạt hơn 9,87 triệu đơn vị. Ngoài ra, một số mã lớn khác như PLX tăng 2%, BVH tăng 1,2%, MWG, VCB, VHM nhích nhẹ, cũng đã hỗ trợ giúp thị trường giữ được sắc xanh.

Xét về nhóm ngành, dù biên độ thu hẹp, nhưng các nhóm dầu khí, thủy sản, vận tải biển vẫn có diễn biến tích cực hơn thị trường chung. Trong nhóm dầu khí, ngoài PLX, các mã khác như PVD, PVC cùng tăng hơn 1%, PVS tăng nhẹ, GAS đứng giá tham chiếu.

Nhóm thủy sản không có mã nào mất điểm, trong đó ACL vẫn giữ được sắc tím, FMC tăng 4,33%, ANV và IDI cùng tăng hơn 1,5%, CMX, VHC tăng nhẹ.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng và chứng khoán giao dịch phân hóa. Tuy nhiên, ở dòng bank, với thông tin hỗ trợ tích cực, OCB đang là cổ phiếu tăng tốt và hiện đang tăng hơn 4%, tuy nhiên VPB có giao dịch sôi động nhất ngành với hơn 17,5 triệu đơn vị khớp lệnh, đứng thứ 2 về thanh khoản toàn thị trường và chốt phiên tăng 1,4%.

Nhóm bất động sản cũng đi ngang nhờ sự nâng đỡ của các mã lớn VIC, VHM. Tuy nhiên, số mã giao dịch trong sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo như BCM, NVL, VRE, KDH, KBC… Trong đó NVL có thanh khoản tốt nhất thị trường với 26,53 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Ở nhóm cổ phiếu thép, bộ 3 gồm HPG, HSG, NKG đều mất điểm.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng đã khiến thị trường quay đầu điều chỉnh giảm.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 69 mã tăng và 103 mã giảm, HNX-Index giảm 0,59 điểm (-0,23%), xuống 355,62 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 47,44 triệu đơn vị, giá trị 943,23 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,71 triệu đơn vị, giá trị 71,23 tỷ đồng.

Cổ phiếu chứng khoán SHS vẫn có giao dịch tốt nhất thị trường với 7,25 triệu đơn vị giao dịch thành công và chốt phiên có được sắc xanh nhạt khi tăng 0,5% lên 18.900 đồng/CP.

Tiếp theo đó là CEO và PVS chốt phiên đều tăng nhẹ chưa tới 0,5% với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 4,44 triệu đơn vị và 2,36 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, cổ phiếu dệt may TNG tiếp tục có phiên khởi sắc khi tăng 2,4% lên mức 21.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch sôi động, đạt hơn 2 triệu đơn vị, thuộc top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường.

Trên UPCoM, thị trường diễn biến rung lắc trong suốt cả phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,24%) xuống mức 94,5 điểm với 131 mã tăng và 119 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 34,56 triệu đơn vị, giá trị 512,21 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,5 triệu đơn vị, giá trị 30,44 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR tiếp tục nối dài chuỗi ngày khởi sắc và chốt phiên sáng nay tăng 1,4% lên mức 21.300 đồng/CP và thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường UPCoM với 5,14 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Đáng chú ý là CEN có thời điểm chạm trần và chốt phiên tăng 9,2% lên sát trần 7.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 2,7 triệu đơn vị. Ngoài ra, MSR cũng tăng ấn tượng 9,2% lên 17.800 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 1,27 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan