Giao dịch chứng khoán sáng 15/6: Cổ phiếu thép chưa nở đã tàn, VN-Index trở lại đà giảm

Giao dịch chứng khoán sáng 15/6: Cổ phiếu thép chưa nở đã tàn, VN-Index trở lại đà giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau ít phút thăm dò, lực bán gia tăng khiến thị trường giảm mạnh trở lại trong phiên sáng nay. Trong đó, nhóm thép tưởng chừng hồi lại, nhưng lực bán mạnh sau đó đã kéo nhóm này tiếp tục lùi sâu.

Sau phiên bắt đáy khá tích cực ngày đầu tuần, dòng tiền đã nhanh chóng thận trọng trở lại trong phiên thị trường hồi phục hôm qua (14/6). Dường như nhà đầu tư trong nước cũng đang hồi hộp chờ đợi thông tin từ bên kia bờ Thái Bình Dương khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang có cuộc họp kéo dài 2 ngày hàng tháng.

Trong cuộc họp này, việc Fed tăng lãi suất là điều chắc chắn 100% khi lạm phát của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất 40 năm. Điều quan trọng mà giới đầu tư đang nín thở chờ đợi là mức độ tăng như thế nào. Theo dự đoán, nhiều khả năng Fed sẽ tăng thêm 0,5%, nếu đúng như vậy, thì thị trường có thể thở phào vì đã phần nào được phản ánh trong các phiên vừa qua. Còn nếu Fed tăng ở mức mạnh hơn là 0,75%, thì nhiều khả năng thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ sụt giảm mạnh.

Mức tăng mạnh này cũng ảnh hưởng tới các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam, khi dòng vốn ngoại theo nguyên lý “dòng tiền thông minh” sẽ hướng về nơi có tỷ suất sinh lời cao hơn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các kênh trú ẩn an toàn như đồng USD sẽ được nhắm tới.

Dù không tác động trực tiếp, nhưng với những ảnh hưởng như trên, trong khi dòng vốn rẻ trong nước không còn dồi dào như trước, nên thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa sáng nay với giao dịch khá chậm. VN-Index theo đà tăng của phiên chiều qua, tiếp tục duy trì sắc xanh nhạt khi mở cửa phiên sáng nay. Tuy nhiên, việc thiếu đi động lượng là dòng tiền lớn khiến thị trường nhanh chóng đuối sức, quay đầu giảm trở lại.

Nhóm cổ phiếu dầu khí, bệ đỡ chính cho đà hồi phục của thị trường phiên hôm qua cũng đang chịu áp lực chốt lời nên quay đầu giảm trong phiên sáng nay, trong đó đáng chú ý là GAS và PVD đang giảm hơn 2,7%.

Nhóm ngân hàng cũng đồng loạt quay đầu, ngoại trừ 3 sắc xanh nhạt, may mắn trong đó có mã đầu ngành và cũng là vốn hóa lớn nhất thị trường VCB.

Trong khi đó, sau chuỗi phiên giảm liên tiếp, khiến nhiều nhà đầu tư bắt đáy trong phiên thứ Năm tuần trước lỗ nặng, HPG đã hồi nhẹ trở lại, nhưng không đủ sức để kéo các mã khác trong nhóm thép tăng theo. Trong đó HSG tiếp tục giảm mạnh gần 5%, NKG cũng giảm gần 4,5%, TLH giảm gần 2%.

Trong các mã được Quỹ MV Index Solutions (MVIS) tăng tỷ trọng trong danh mục, có nhiều mã tăng như MSN, NVL, VHM, VNM, SAB, VCB…, trong khi VCG được thêm mới vào vẫn giảm.

Trong khi dòng tiền yếu, lực bán sau đó gia tăng đã đẩy VN-Index giảm mạnh, về mất hơn 20 điểm với sắc đỏ bao trùm bảng điện tử.

Trong những phút cuối phiên, chỉ số này đã bật trở lại hơn 10 điểm khi chạm vào dải dưới của dải bolliger band (vùng 1.207 điểm). Giá thấp cũng kích thích dòng tiền bắt đáy nhập cuộc, giúp nhiều cổ phiếu hãm đà rơi, thậm chí đảo chiều, trong đó đáng kể nhất là GAS. Việc cổ phiếu này đảo chiều từ mức giảm gần 3% thành tăng 1,6% khi đóng cửa đóng góp lớn nhất giúp VN-Index bật trở lại, lấy lại được phân nửa điểm số đã mất so với mức đáy của phiên. Sự nhập cuộc của dòng tiền bắt đáy cũng giúp giao dịch trở nên sôi động hơn nửa đầu phiên chiều và cải thiện hơn so với phiên sáng qua.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 12,3 điểm (-1%), xuống 1.218,01 điểm với 71 mã tăng, chỉ duy nhất EMC trần, nhưng không phản ánh đúng tương quan cung cầu, trong khi có tới 369 mã giảm, trong đó có 16 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 349,4 triệu đơn vị, giá trị 8.624,5 tỷ đồng, tăng 17,5% về khối lượng và 7,8% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,5 triệu đơn vị, giá trị 769 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30, chỉ có 6 mã tăng, trong đó MWG tăng mạnh nhất 2,1% lên 146.500 đồng. Ngoài có thêm GAS tăng 1,6%, lên 128.000 đồng, các mã còn lại đều tăng dưới 1%. Trong khi VCB đã không giữ được sắc xanh, có lúc giảm hơn 1,1%, nhưng đóng cửa ở mức tham chiếu 77.000 đồng.

Trong khi đó, sau nhịp hồi nhẹ đầu phiên, HPG đã chịu áp lực bán lớn và quay đầu giảm mạnh, đóng cửa giảm 2,3% xuống 29.600 đồng. Tuy nhiên, điểm tích cực là dòng tiền vẫn chảy mạnh vào HPG, có thể là bắt đáy, cũng có thể là lực cầu cân bằng giá của những nhà đầu tư nhỡ bắt đáy sai nhịp trước đó, giúp thanh khoản của HPG đạt gần 12 triệu đơn vị, đứng thứ 2 thị trường, chỉ sau VND.

Nhóm thép cũng chỉ còn DTL cầm cự được ở mức tham chiếu, còn lại tiếp tục giảm sâu, trong đó HSG giảm mạnh nhất khi mất 6,1% xuống 17.600 đồng. TLH giảm 5,1% xuống 10.250 đồng. NKG giảm 4,8% xuống 19.700 đồng…

Hôm nay nhóm chứng khoán là nhóm giảm mạnh nhất, với SSI giảm 6% xuống 22.900 đồng, khớp 10,5 triệu đơn vị, mạnh nhất nhóm VN30. Trong khi đó, VND thậm chí còn sát mức sàn 1 bước chân nhỏ với mức giảm 6,7% xuống 19.500 đồng, có lúc chạm sàn 19.450 đồng. Thanh khoản cao nhất sàn với 22,2 triệu đơn vị.

Nhóm ngân hàng ngoài VCB giữ tham chiếu, chỉ có VPB giữ được sắc xanh nhạt, còn lại đều giảm, trong đó VIB vẫn là mã giảm mạnh nhất. Sau khi giảm sàn hôm qua, sáng nay VIB mất thêm 4,2% xuống 21.650 đồng. MBB cũng giảm mạnh 3,5% xuống 24.600 đồng, khớp 10,4 triệu đơn vị, đứng thứ 4 sau SSI.

POW sau chuỗi tăng giá ấn tượng từ giữa tháng 5, với mức tăng gần 40%, đã chịu áp lực chốt lời trong 3 phần gần đây và sáng nay đã không thể cầm cự được, nên quay đầu điều chỉnh 2% xuống 14.950 đồng, khớp hơn 9,3 triệu đơn vị.

Sàn HNX cũng có diễn biến tương tự khi chớm xanh nhạt đầu phiên, sau đó quay đầu giảm mạnh và chỉ thoát mức thấp nhất phiên nhờ cú nảy trong ít phút cuối phiên.

Chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 4,26 điểm (-1,47%), xuống 285,82 điểm với 26 mã tăng, trong khi có tới 169 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36,8 triệu đơn vị, giá trị 763 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1 triệu đơn vị, giá trị 13,3 tỷ đồng.

Các mã đáng chú ý trên sàn này cũng đa số chìm trong sắc đỏ, trong đó SHS giảm 3,8% xuống 15.000 đồng, khớp 5,35 triệu đơn vị; PVS giảm nhẹ 0,7% xuống 29.700 đồng, khớp 4,63 triệu đơn vị; HUT giảm 4,9% xuống 25.000 đồng, khớp 3,05 triệu đơn vị; CEO giảm 4,4% xuống 32.900 đồng, khớp 2,27 triệu đơn vị; IDC giảm 1,9% xuống 51.000 đồng, khớp 0,95 triệu đơn vị. Ngoại trừ TAR vẫn duy trì đà tăng 1,8% lên 28.800 đồng.

Đặc biệt, hôm nay chứng kiến đà trở lại ngoạn mục của THD khi tăng kịch trần lên 46.000 đồng. Đây là phiên hồi mạnh thứ 2 liên tiếp của TDH sau chuỗi lao dốc từ mức giá trên 200.000 đồng/cổ phiếu cuối năm ngoái.

UPCoM cũng có diễn biến giống 2 sàn niêm yết và đóng cửa phiên sáng nay với mức giảm mạnh.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 1,79 điểm (-1,98%), xuống 88,83 điểm với 68 mã tăng và 171 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,6 triệu đơn vị, giá trị 725 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Cổ phiếu BSR dù có nhiều lúc chịu áp lực chốt lời mạnh giảm gần 2%, nhưng sau đó vẫn lấy lại đà tăng, đóng cửa tăng nhẹ 0,3% lên 31.200 đồng, khớp lớn nhất sàn với 14,6 triệu đơn vị. Trong khi các mã còn lại như C4G, VHG, VGT, OIL hay SBS đều giảm giá.

Tin bài liên quan