Giao dịch chứng khoán sáng 18/12: Thị trường tìm cơ hội ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ

Giao dịch chứng khoán sáng 18/12: Thị trường tìm cơ hội ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh nhóm cổ phiếu bluechip gia tăng sức ép khiến VN-Index nhanh chóng "thủng" mốc 1.100 điểm, thì dòng tiền quay ra tìm cơ hội ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giúp nhiều mã giao dịch khởi sắc.

Trái với diễn biến thị trường thế giới tăng mạnh sau khi Fed phát tín hiệu sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2024, chứng khoán trong nước đã trải qua tuần giao dịch kém khả quan khi chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm gần 2%, là mức mạnh nhất kể từ cuối tháng 10/2023 đến nay.

Đáng chú ý, khối ngoại đã đóng vai trò là lực cản lớn cho khả năng tăng điểm của thị trường trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân thận trọng, nhà đầu tư tổ chức trong nước chưa hình thành quan điểm rõ ràng. Khối này đã bán ròng mạnh với tổng giá trị chỉ trong 2 tuần đầu tháng 12 đã lên tới hơn 7.500 tỷ đồng.

Chỉ số VN-Index đã liên tiếp có những phiên điều chỉnh trong những ngày cuối tuần qua nhưng vẫn giữ được ngưỡng hỗ trợ 1.100 điểm sau phiên cơ cấu danh mục ETF. Tuy nhiên, với trạng thái thị trường hiện tại, KBSV cho rằng, chỉ số VN-Index có thể vẫn sẽ duy trì diễn biến tiêu cực trước khi có phản ứng hồi phục quanh ngưỡng hỗ trợ gần 1.080 (+/-15) điểm.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng ngày 18/12, dù mở cửa le lói sắc xanh nhưng đà tăng khá yếu trong bối cảnh giao dịch trầm lắng. Lực cầu tham gia nhỏ giọt đã khiến VN-Index nhanh chóng đảo chiều giảm ngay sau thời gian ngắn bước sang đợt giao dịch khớp lệnh.

Nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là gánh nặng chính trên thị trường khi hầu hết đều đã chuyển đỏ, ngoại trừ một số mã may mắn thoát hiểm nhưng mức tăng cũng chỉ trong biên độ trên dưới 0,5%.

Đáng chú ý là lực cầu khá yếu khi dòng tiền chủ yếu đứng ngoài và chờ đợi cơ hội - như một số công ty chứng khoán đã nhận định – VN-Index về vùng giá 1.080 điểm. Thanh khoản toàn sàn HOSE sau khoảng 80 phút giao dịch đạt chưa tới 3.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh sắc đỏ chiếm áp đảo thị trường và nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục gia tăng sức ép, thì dòng tiền lại đang chuyển hướng qua nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Bên cạnh DLG sớm tìm đến sắc tím và hiện đã khớp gần 2,7 triệu đơn vị cùng lượng dư mua trần lên tới hơn 3,9 triệu đơn vị, các mã vừa và nhỏ khác như HAR, HHS, JVC, QCG, ITA đều đang tăng trên 3-5%.

Cặp đôi HAG và HQC đang có mức tăng trên dưới 3% và đang là các mã có giao dịch sôi động nhất thị trường, lần lượt đạt 12,5 triệu đơn vị và hơn 7,5 triệu đơn vị.

Thị trường không có nhiều biến động và tiếp tục duy trì đà giảm điểm trước sức ép đến từ nhóm cổ phiếu bluechip.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 91 mã tăng và 362 mã giảm, VN-Index giảm 7,31 điểm (-0,66%) xuống 1.094,99 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 280,44 triệu đơn vị, giá trị 5.292,72 tỷ đồng, đạt xấp xỉ về khối lượng và giảm 6,37% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 15/12. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 42,8 triệu đơn vị, giá trị 874,87 tỷ đồng.

Nhóm Vn30 chỉ còn 3 mã giữ được sắc xanh là VJC tăng 1%, VHM và VRE tăng 0,2-0,3%; cùng 4 mã đứng giá tham chiếu là BID, MBB, POW, SSI, VIC.

Trong khi đó, có tới 22 mã giảm, với BCM giảm sâu nhất khi để mất 3,5%, tiếp theo là VPB giảm 2,7%, MWG giảm 2,5%...

Mặt khác, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, DLG giữ vững đà tăng trần và đóng cửa đứng tại mức giá 2.570 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh 3,36 triệu đơn vị và dư mua trần gần 3,4 triệu đơn vị; HAR kéo trần thành công, chốt phiên đứng tại mức giá 4.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 1,73 triệu đơn vị và dư mua trần gần 1 triệu đơn vị.

Cặp đôi HAG và HQC tiếp tục dẫn đầu thanh khoản thị trường, lần lượt đạt 16,3 triệu đơn vị và 11,53 triệu đơn vị, chốt phiên tương ứng tăng 2,3% lên 13.350 đồng/CP và tăng 3,6% lên 4.600 đồng/CP.

Ngoài ra, nhiều mã vừa và nhỏ khác cũng ghi nhận mức tăng khá tốt như HHS tăng 3,9%, HQC, JVC đều tăng 3,6%, HNG tăng 3,3%, FIT, ITA tăng 2,5%...

Xét về nhóm ngành, hầu hết đều chuyển đỏ, trong đó nhóm bán lẻ và chế biến thủy sản giảm mạnh nhất gần 2%. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng là nhân tố chính khiến thị trường giảm sâu hơn về cuối phiên, với VPB lấy đi gần 1 điểm của chỉ số chung, còn VCB và CTG tác động trên dưới 0,6 điểm.

Trên sàn HNX, sau thời gian đầu phiên rung lắc nhẹ, thị trường cũng đã đảo chiều giảm điểm.

Chốt phiên, sàn HNX có 38 mã tăng và 91 mã giảm, HNX-Index giảm 1,3 điểm (-0,57%) xuống 225,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 30,12 triệu đơn vị, giá trị 410,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 134 tỷ đồng.

Cổ phiếu nhỏ AMV là tâm điểm của thị trường. Chốt phiên sáng nay, AMV tăng 7,9% lên mức giá trần 4.100 đồng/CP với thanh khoản bùng nổ, đạt 6,86 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần 0,6 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã vừa và nhỏ khác như MBG tăng 2,4% và khớp 1,53 triệu đơn vị, LIG tăng 2,3%...

Trong khi đó, nhóm HNX30 chỉ còn duy nhất TIG tăng 0,8% và khớp 1,39 triệu đơn vị, còn lại 9 mã đứng giá và 19 mã giảm, với SHS và CEO vẫn thuộc top có thanh khoản tốt, lần lượt đạt 4,45 triệu đơn vị và 2,34 triệu đơn vị, chốt phiên tương ứng giảm 1,1% và 0,4%.

Thị trường UPCoM cũng không nằm ngoài xu hướng điều chỉnh giảm chung.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,32 điểm (-0,37%) xuống 84,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,98 triệu đơn vị, giá trị 143,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,06 triệu đơn vị, giá trị 9,2 tỷ đồng.

Toàn thị trường chỉ có duy nhất BSR giao dịch trên 1 triệu đơn vị. Chốt phiên, BSR giảm 0,5% xuống 18.400 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt 1,13 triệu đơn vị.

Tâm điểm đáng chú ý là DSC có thêm 1 phiên khởi sắc khi tạm dừng phiên sáng nay tăng 3,6% lên mức 19.900 đồng/CP, giao dịch cũng sôi động với 0,85 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công.

Tin bài liên quan