Giao dịch chứng khoán sáng 2/11: Chưa đủ tự tin

Giao dịch chứng khoán sáng 2/11: Chưa đủ tự tin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực cầu mua giá thấp giúp VN-Index hồi trở lại sau nhịp giảm sâu đầu phiên, nhưng khi chỉ số trở lại mức tham chiếu, lực cầu nhanh chóng biến mất, trong khi lực cung gia tăng, đẩy chỉ số này giảm trở lại trong phiên sáng nay (2/11).

Trong phiên hôm qua (1/11), thị trường tiếp tục duy trì đà tăng, nhưng có 4 lần VN-Index thất bại khi thử thách ngưỡng 1.040 điểm. Đặc biệt, trong phiên giao dịch chiều, lực cung gia tăng tại một số mã lớn như VIC, NVL, PDR, HPG khiến thị trường có những đợt rung lắc mạnh, trong đó đáng kể nhất là giao dịch tại HPG.

Sau phiên bị bán mạnh và lùi về mức giá sàn trong phiên cuối cùng của tháng 10 sau báo cáo kết quả kinh doanh quý III đáng thất vọng khi ghi nhận quỹ lỗ đậm đầu tiên tới hơn 1.700 tỷ đồng, lực cầu bắt đáy đã kéo HPG hồi phục trở lại trong những phút đầu phiên 1/11. Tuy nhiên, lực cung quá mạnh, nhất là khối ngoại mạnh tay cắt lỗ, loại HPG ra khỏi danh mục khiến mã này nhanh chóng quay đầu giảm trở lại, lùi về mức 15.000 đồng với thanh khoản đạt mức kỷ lục, hơn 81 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, VN-Index sau khi bị đẩy trở lại tham chiếu, đã quay đầu đi lên và giữ được đà tăng nhờ sự hỗ trợ đắc lực của nhóm ngân hàng với nhiều mã tăng mạnh như TPB (+5,3%), VPB (+5,2%), STB (+4,6%), TCB (+4,3%), VIB (+2,8%), đặc biệt dù tăng khiêm tốn hơn các mã trên, nhưng với mức tăng 2%, VCB là lực đỡ chính, góp nhiều điểm số nhất cho VN-Index trong phiên hôm qua.

Bước vào phiên sáng nay, thị trường trong nước không có thông tin gì đáng chú ý, nhưng ở bên kia bờ Thái Bình Dương, phố Wall điều chỉnh nhẹ trở lại trong phiên giao dịch kết thúc rạng sáng nay theo giờ Việt Nam khi giới đầu tư thận trọng trước dữ liệu việc làm. Theo các báo cáo sơ bộ và dự báo, số lượng việc làm của Mỹ vẫn tăng trong tháng 9 và tháng 8, khiến giới đầu tư lo lắng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có thêm sự tự tin để tăng mạnh lãi suất hơn nữa nhằm chống lại lạm phát. Nếu điều này xảy ra, thì thị trường tài chính, chứng khoán sẽ chịu tác động tiêu cực, trong đó các thị trường châu Á mới nổi và cận biên sẽ bị nhiều ảnh hưởng khi dòng vốn ngoại sẽ rút ra, đồng USD tăng giá.

Có thể một phần do tác động từ tâm lý này, nên ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng nay, lực bán đã được nhà đầu tư ưu tiên, khiến thị trường mở cửa trong sắc đỏ, VN-Index có lúc giảm hơn 10 điểm, về vùng 1.020 - 1.025 điểm, trong đó tác nhân chính đẩy thị trường giảm điểm đến từ nhóm ngân hàng. Sau phiên khởi sắc hôm qua, các mã ngân hàng đồng loạt quay đầu giảm giá, có thời điểm chỉ còn duy nhất OCB tăng nhẹ. Trong đó, giảm mạnh nhất là VCB khi trả lại hết những gì đã có trong phiên hôm qua và đây cũng là mã lấy đi của VN-Index nhiều điểm số nhất.

Tuy nhiên, sau 20 phút giao dịch, lực cầu bắt đáy đã tranh thủ cơ hội để gom hàng giá rẻ, giúp giao dịch sôi động hơn, cùng với đó là nhiều mã cũng được kéo tăng trở lại, trong đó nhóm ngân hàng sắc xanh đã xuất hiện tại STB, VIB, MBB, VPB, SHB, LPB, CTG, trong khi VCB cũng chỉ còn giảm chưa tới 1%.

Cùng với đó, các mã bluechip khác như nhóm dầu khí, VHM, KDH, GVR và đặc biệt là HPG đã bật tăng trở lại, góp phần kéo VN-Index trở lại gần với mức tham chiếu.

Nhóm thép ngoài HPG, các mã khác cũng đều trở lại ấn tượng với mức tăng trên dưới 4% như HSG, NKG, nhóm này cũng không còn mã nào giảm.

Dù vậy, trong bối cảnh tâm lý thận trọng trước những biến động khó lường của kinh tế thế giới, dòng tiền chỉ hoạt động tích cực khi giá xuống thấp, khi giá được đẩy lên, dòng tiền ngay lập tức thể hiện sự thận trọng, khiến VN-Index chỉ vừa mới chớm xanh đã nhanh chóng quay đầu giảm trở lại, thậm chí phá luôn đáy của phiên, trước khi nảy nhẹ trở lại trong ít phút cuối phiên.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 9,14 điểm (-0,88%), xuống 1.024,61 điểm với 140 mã tăng, trong khi có 251 mã giảm, dù lúc nửa đầu phiên số mã tăng đã nhỉnh hơn số mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 273 triệu đơn vị, giá trị 4.587,9 tỷ đồng, giảm nhẹ cả về khối lượng và giá trị giao dịch so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 42,6 triệu đơn vị, giá trị 641 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng chỉ còn VIB, STB và VPB giữ được sắc xanh, cùng OCB, SSB, TPB đứng tham chiếu, còn lại đều quay đầu giảm. Trong đó, VIB có mức tăng tốt 3,5% lên 20.850 đồng, STB tăng 1,8% lên 17.200 đồng, VPB tăng nhẹ 0,9% lên 17.350 đồng. Trong khi đó, EIB là mã giảm mạnh nhất 3,8% xuống 34.650 đồng, tiếp đến là LPB giảm 2,5% xuống 11.700 đồng, ACB giảm 2,2% xuống 21.950 đồng, anh cả của ngành là VCB cũng giảm 1,7% xuống 73.700 đồng, lấy đi của VN-Index hơn 1,5 điểm. Trong đó, VPB là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 9,54 triệu đơn vị, tiếp đến là STB với 8,07 triệu đơn vị, VIB khớp 6,58 triệu đơn vị.

Ngoài VCB, nhiều mã vốn hóa lớn khác cũng giảm mạnh, đóng góp vào việc đẩy VN-Index giảm điểm sáng nay như NVL giảm 4,3% xuống 67.000 đồng, MWG giảm 4,1% xuống 48.050 đồng, MSN giảm 3,5% xuống 83.500 đồng, PDR giảm 1,7% xuống 41.700 đồng, SAB giảm 1,4% xuống 180.900 đồng, hay bộ ba nhà Vingroup VRE, VIC, VHM giảm trên dưới 1%.

Nhóm chứng khoán, VND đảo chiều thành công, đóng cửa tăng 2,5% lên 12.100 đồng, khớp lớn nhất nhóm 12,4 triệu đơn vị và chỉ đứng sau HPG trên sàn HOSE. HCM cũng có sắc xanh nhạt với mức tăng 0,2% lên 20.850 đồng, hay CTS, FTS, AGR cũng có mức tăng nhẹ trước khi bước vào giờ nghỉ trưa, còn lại đều giảm. Trong đó, SSI giảm 0,9% xuống 16.800 đồng, khớp 7,25 triệu đơn vị.

Nhóm thép có 2 sắc đỏ, nhưng mức giảm không đáng kể. Tuy nhiên, ngoại trừ TNI vẫn duy trì sắc tím từ mấy phiên trước, các mã còn lại đều hạ nhiệt. Trong đó, HPG chỉ còn tăng 2,7% lên 15.400 đồng, khớp lớn nhất sàn 19,4 triệu đơn vị. HSG tăng mạnh nhất nhóm 3% lên 12.000 đồng, khớp 4,28 triệu đơn vị. Các mã SMC, NKG tăng trên dưới 2%.

Các mã đáng chú ý khác, KBC sáng nay cũng có phiên hồi tốt 3,2% lên 18.000 đồng, khớp 9,67 triệu đơn vị, đứng thứ 3 sau HPG và VND. Hay HAG cũng tăng 2,3% lên 8.960 đồng, khớp 6 triệu đơn vị. DIG sau phiên tăng trần hôm qua, tiếp tục duy trì đà tăng 1,1% lên 19.100 đồng sáng nay, khớp 4,34 triệu đơn vị.

Sàn HNX sáng nay chủ yếu giao dịch trong sắc xanh, nhưng đóng cửa cũng không thể giữ được đà tăng.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,16 điểm (-0,08%), xuống 212,2 điểm với 55 mã tăng và 76 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,7 triệu đơn vị, tổng giá trị 295 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp gần nửa triệu đơn vị, giá trị 6,8 tỷ đồng.

Sáng nay sàn HNX chỉ có 3 mã có thanh khoản tính bằng triệu đơn vị là SHS, PVS, CEO và BII, trong đó chỉ duy nhất CEO đóng cửa giảm điểm. Cụ thể, SHS tăng 1,2% lên 8.300 đồng, khớp 4,53 triệu đơn vị; PVS tăng 1,9% lên 21.900 đồng, khớp 2,36 triệu đơn vị; CEO giảm 2,8% xuống 13.800 đồng, khớp 2,29 triệu đơn vị; BII tăng kịch trần lên 2.200 đồng, khớp 1,54 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường chỉ chớm xanh lúc mở cửa, sau đó sau đầu giảm và nới rộng dần về sau.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,66 điểm (-0,86%) xuống 75,82 điểm với 83 mã tăng, 111 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8,66 triệu đơn vị, giá trị 126,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Sáng nay chỉ có BSR và PAS khớp trên 1 triệu đơn vị, lần lượt là 2,1 triệu và 1,23 triệu đơn vị. Cả 2 đều đóng cửa tăng giá, lần lượt là 0,6% lên 17.900 đồng và 1,6% lên 6.300 đồng.

Tin bài liên quan