Giao dịch chứng khoán sáng 22/3: VHM tăng vọt, VN-Index vẫn chưa thể vượt mốc 1.040 điểm

Giao dịch chứng khoán sáng 22/3: VHM tăng vọt, VN-Index vẫn chưa thể vượt mốc 1.040 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù VHM tiếp tục duy trì đà tăng mạnh cùng diễn biến khởi sắc của nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhưng VN-Index chưa thể vượt được mốc 1.040 điểm bởi thanh khoản còn khá yếu.

Sau 3 phiên giảm liên tiếp thị trường đã bất ngờ có cú đảo chiều tăng vọt trong phiên giao dịch chiều qua ngày 21/3. Chỉ số VN-Index đã kết phiên với cây nến dạng Bullish hammer ghi nhận phục hồi từ vùng hỗ trợ dưới của khung sideway quanh mức đáy tháng 2. Tuy nhiên, chỉ báo MACD vẫn duy trì tín hiệu bán và chỉ báo RSI tiếp tục biến động dưới mức 50, qua đó thể hiện xu hướng tăng ngắn hạn vẫn chưa được ủng hộ.

Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường sụt giảm đáng kể với tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt thấp nhất trong khoảng 10 phiên gần đây, chỉ đạt hơn 8.300 tỷ đồng, cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư đã gia tăng sau chuỗi phiên liên tiếp mất điểm vừa qua.

Tâm điểm đáng chú ý của thị trường tài chính toàn cầu đang chờ đợi kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ diễn ra trong 2 ngày 21-22/3. Các chuyên gia nghiêng về khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất với bước nhảy 0,25% trong đợt này. Tuy nhiên, bước đi của Fed vẫn là một ẩn số khó đoán định.

Quay lại chứng khoán Việt Nam, thị trường tiếp tục mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 22/3 với sắc xanh chiếm áp đảo trên bảng điện tử. Tuy nhiên, diễn biến khởi sắc của thị trường không phải nhờ lực cầu hoạt động sôi động mà do áp lực bán không quá lớn, điều này khiến thanh khoản tiếp tục trong trạng thái khá ảm đạm.

Sau khoảng gần 1 giờ giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE chưa tới 1.500 tỷ đồng và chỉ số VN-Index vẫn chỉ tăng nhẹ nhờ sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng và VHM.

Cụ thể, bên cạnh VHM tăng hơn 2,2%, dòng bank cũng hầu hết giao dịch trong sắc xanh, ngoại trừ ACB và SSB điều chỉnh nhẹ. Trong đó, mã lớn VCB và BID tăng trên dưới 1%, nhưng cặp EIB và VPB đang dẫn đầu đà tăng trong ngành khoảng 3%, với VPB đạt thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt 8,65 triệu đơn vị.

Với sự dẫn dắt của mã lớn VHM, nhóm bất động sản cũng có được sắc xanh nhạt. Trong đó, điểm sáng ngành thuộc về top vừa và nhỏ, như LCG tăng 2,8%, DXG tăng 1,7%, DIG tăng 2,9%, HHV tăng 1,5% với thanh khoản đều thuộc top 10 dẫn đầu thị trường; ngoài ra, NVL, TCH, VCG, CII, HQC cũng giao dịch khởi sắc với khối lượng khớp lệnh đều trên 1 triệu đơn vị.

Thị trường duy trì trạng thái giao dịch chậm rãi và các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, chứng khoán cùng mã lớn bất động sản VHM tiếp tục là điểm tựa chính giúp thị trường giữ nhịp tăng. Tuy nhiên, VN-Index chưa thể tiếp cận mốc 1.040 điểm bởi thiếu sự tham gia sôi động của dòng tiền.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 233 mã tăng và 112 mã giảm, VN-Index tăng 6,16 điểm (+0,6%) lên 1.038,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 213,4 triệu đơn vị, giá trị 3.798,43 tỷ đồng, tăng 24,94% về khối lượng và 26,32% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,68 triệu đơn vị, giá trị 516 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, cổ phiếu VHM vẫn dẫn đầu đà tăng trong rổ VN30 và cũng giúp nhóm bất động sản tiếp tục đi lên. Tạm chốt phiên sáng, cổ phiếu VHM tăng 4,3% lên mức 47.350 đồng/CP với thanh khoản sôi động, đạt gần bằng giao dịch cả phiên 20/3 và 21/3 với hơn 2 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhưng xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu chứng khoán đang dẫn đầu thị trường về nhịp tăng khi sắc xanh gần như phủ kín toàn ngành. Trong đó, VND tăng 1,7%, SSI tăng 1,3%, VCI tăng 3,1%, HCM tăng 1,3%, VIX tăng 0,8%, CTS tăng 2,1%...

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là lực hỗ trợ tốt nhất cho thị trường. Ngoại trừ duy nhất SSB giảm nhẹ chưa tới 1%, còn lại đều khởi sắc. Trong đó, mã lớn VCB và BID cùng tăng hơn 1%, TCB và CTG tăng nhẹ trên dưới 0,5%..., điểm sáng là cổ phiếu VPB là điểm sáng ngành.

Cụ thể, cổ phiếu VPB tăng tốt nhất trong họ bank khi chốt phiên tăng 3,44% lên mức 21.050 đồng/CP với thanh khoản vượt trội trên thị trường, đạt 21,71 triệu đơn vị, gần gấp 3 lần mã đứng thứ 2 là VND khớp 8,64 triệu đơn vị.

Ở nhóm bất động sản, bên cạnh VHM nới rộng đà tăng tốc về cuối phiên, các cổ phiếu khởi sắc trong top vừa và nhỏ không có nhiều biến động so với nửa đầu phiên. Cụ thể, DXG, LCG, DIG, HQC, PDR tăng trên 2%; HHV, TCH, CII, SCR tăng hơn 1%..., với DXG sôi động nhất ngành khi đạt khối lượng khớp lệnh triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thép có phần kém khả quan hơn với bộ 3 dẫn đầu là HPG, HSG và NKG biến động lình xình quanh mốc tham chiếu, đồng thời thanh khoản cũng sụt giảm mạnh, trong đó HPG khớp chưa tới 4,5 triệu đơn vị, trong khi HSG và NKG lần lượt khớp 3,51 triệu đơn vị và 1,83 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường cũng có phiên giao dịch khởi sắc.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 78 mã tăng và 44 mã tăng, HNX-Index tăng 1,72 điểm (+0,85%), lên 204,83 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,49 triệu đơn vị, giá trị 439,92 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,63 triệu đơn vị, giá trị 97,69 tỷ đồng.

Hầu hết các cổ phiếu trong nhóm HNX30 cũng khởi sắc khi có 15 mã tăng, gấp 4 lần số mã giảm. Đáng chú ý như CEO tăng 4,3%, SHS tăng 1,2%, PVS tăng 2,5%, BCC tăng 3,5%, MBS tăng 2,9%, IDC tăng 1,3%...

Trong đó, CEO là mã có thanh khoản tốt nhất với 8,29 triệu đơn vị khớp lệnh; tiếp theo là SHS khớp 3,27 triệu đơn vị và PVS khớp 2,22 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, trái với diễn biến thị trường niêm yết, UPCoM-Index đảo chiều giảm điểm trước áp lực bán gia tăng.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,16%), xuống 75,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 9,67 triệu đơn vị, giá trị 105,29 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chỉ hơn 1,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu nhỏ LMH dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 2,76 triệu đơn vị, nhưng chốt hiên giảm 2,6% xuống mức 3.800 đồng/CP.

Trong khi đó, BSR khởi sắc hơn về cuối phiên khi tạm dừng ở mức giá 15.100 đồng/CP, tăng 2% với khối lượng giao dịch đạt hơn 1,76 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan