Giao dịch chứng khoán sáng 3/3: Lực bán gia tăng cuối phiên, VN-Index chìm trong sắc đỏ

Giao dịch chứng khoán sáng 3/3: Lực bán gia tăng cuối phiên, VN-Index chìm trong sắc đỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi VN-Index vừa có dấu hiệu hồi phục, lực bán đã gia tăng mạnh đẩy chỉ số này lùi lại xuống dưới tham chiếu và đóng cửa trong sắc đỏ phiên sáng nay.

Sau quá trình khảo sát các công ty chứng khoán, phương án mượn tạm hạ tầng HNX nhiều khả năng cho thấy khó triển khai sớm, HOSE đang tham khảo ý kiến về việc nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu để giảm tải cho hệ thống.

Trả lời trên Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Lê Hải Trà cho biết việc tăng lô lên 1.000 cổ phiếu có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch. Việc tăng lên lô 1.000 có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ lại không nghĩ như vậy. Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ cho rằng, giải pháp này nếu áp dụng là quá coi thường nhà đầu tư.

Một số cho rằng, có thể nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu với các cổ phiếu thị giá thấp, còn với các mã bluechip, thị giá cao vẫn áp dụng lô tối thiểu 100 cổ phiếu, không nên cào bằng. Việc cào bằng tất cả các cổ phiếu đều nâng lô tối thiểu lên 1.000 đơn vị đã vô hình trung đẩy các nhà đầu tư nhỏ lẻ vào rủi ro hơn khi chỉ có thể giao dịch các cổ phiếu thị giá thấp, các mã cổ phiếu mà họ gọi là “cổ phiếu rác”, trong khi các mã tốt thì không thể với tới.

Thực tế diễn biến thị trường sáng nay cũng phần nào phản ánh tâm lý nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ thận trọng khi xuống tiền vì sợ mua vào các mã bluechip với lượng dưới 1.000 đơn vị khi giải pháp mới được áp dụng họ sẽ bị kẹt hàng. Điều này khiến thị trường diễn ra kém sôi động hơn thường lệ, VN-Index cũng chỉ giằng co trong biên độ hẹp.

Sau nửa đầu thận trọng, dòng tiền đã nhập cuộc tích cực hơn trong nửa cuối phiên, nhưng không thể giúp VN-Index thoát khỏi thế giằng co và giảm điểm.

Chốt phiên, VN-Index giảm 4,5 điểm (-0,38%), xuống 1.182,11 điểm với 203 mã tăng và 224 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 419 triệu đơn vị, giá trị 10.486,3 tỷ đồng, giảm hơn 9% về khối lượng và gần 12% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 26,7 triệu đơn vị, giá trị 589 tỷ đồng.

VN-Index giảm điểm khi đại đa số các mã lớn trên sàn này chìm trong sắc đỏ. Trong nhóm bluechip, chỉ còn lác đác vài mã giữ sắc xanh như CTG tăng 1,18% lên 38.450 đồng, khớp 10,65 triệu đơn vị, VPB tăng 1,23% lên 41.250 đồng, khớp 5 triệu đơn vị, MWG xanh nhạt, BCM tăng 2,76% lên 59.500 đồng, thanh khoản không đáng kể, HDB và TPB có sắc xanh nhạt cùng khớp gần 5 triệu đơn vị, còn lại đều giảm giá.

Tuy các mã bluechip đa số chìm trong sắc đỏ, nhưng mức giảm không đáng kể, chỉ trên dưới 1%, trong đó mã giảm mạnh nhất là HVN cũng chỉ giảm 1,44% xuống 30.850 đồng.

Các mã có thanh khoản tốt nhất sàn vẫn là HPG, MBB và STB với lần lượt 17,5 triệu đơn vị, 14,5 triệu đơn vị và 12,4 triệu đơn vị. Ba mã này dù mở cửa với sắc xanh, nhưng đóng cửa đều giảm giá, trong đó HPG giảm 0,2% xuống 46.600 đồng, MBB giảm 0,5% xuống 27.950 đồng và STB giảm 0,5% xuống 19.050 đồng.

Ngoài HPG, trong nhóm cổ phiếu thép, nhiều mã còn lại đều giữ được đà tăng tốt, trong đó TLH có phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp lên 10.350 đồng. POM và NKG dù không giữ được sắc tím, nhưng cũng tăng tốt 6,4% lên 17.400 đồng và 6% lên 20.250 đồng. Các mã khác như HSG, VIS, NKG… cũng giữ được sắc xanh.

Trong khi đó, TDH sau chuỗi 7 phiên giảm liên tiếp với thông tin bị Cục Thuế TP.HCM truy thu và phạt thuế lên tới hơn 450 tỷ đồng và ngày 1/3, cơ quan chức năng đã có quyết định cưỡng chế khoản thuế này, đã bất ngờ quay đầu hồi phục trong phiên sáng nay.

Chốt phiên TDH tăng 5,73% lên 7.570 đồng với thanh khoản đạt hơn 2,1 triệu đơn vị.

Liên quan đến vụ việc bị truy thu thuế này, sáng nay, TDH đã có thông cáo báo chí chính thức phản hồi lại các thông tin đăng trên truyền thông dẫn nguồn từ Tổng cục Hải Quan nghi ngờ Công ty xuất khống hàng hóa để hoàn thuế.

Trên sàn HNX, dù nhóm HNX30 có sự phân hóa khiến HNX30-Index giằng co quanh mốc tham chiếu và đóng cửa giảm điểm, nhưng với sự nâng đỡ của THD, HNX-Index vẫn có mức tăng tốt trong phiên sáng nay và chưa một lần xuống dưới tham chiếu.

Trong phiên sáng nay, cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn HNX và bằng 5 mã vốn hóa đứng sau cộng lại tăng tới 4,71% lên 200.000 đồng, dù thanh khoản thấp, chỉ gần 140.000 đơn vị.

Với mức tăng của THD, nên các mã lớn còn lại như SHB, VCS, IDC, PVS giảm giá cũng không ảnh hưởng nhiều tới diễn biến của HNX-Index.

Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 3,64 điểm (+1,47%), lên 251,58 điểm với 100 mã tăng và 76 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 77 triệu đơn vị, giá trị 1.262 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,4 triệu đơn vị, giá trị 135 tỷ đồng.

Mã có thanh khoản tốt nhất HNX là SHB với 13,7 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,6% xuống 16.000 đồng. Tiếp theo là PVS với 5,7 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,9% xuống 22.600 đồng.

Trong khi đó, tân binh mới chào sàn sáng nay là BAB của BAC A BANK giữ sắc tím 20.800 đồng ngay khi mở cửa cho tới khi đóng cửa phiên sáng và còn dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị, nhưng thanh khoản thấp, chỉ 3.200 đơn vị.

Ngoài BAB, sàn HNX sáng nay còn có thêm 17 mã khác đóng cửa ở mức giá trần, nhưng thanh khoản thấp đều dưới 1 triệu đơn vị, chủ yếu là dưới 10.000 đơn vị.

Trên UPCoM, diễn biến của chỉ số chính thị trường này cũng giống HNX-Index khi chỉ dao động trên tham chiếu và đóng cửa có mức tăng khá.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,6 điểm (+0,78%), lên 78,06 điểm với 136 mã tăng và 90 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 38,9 triệu đơn vị, giá trị 593,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

BSR vẫn là “vua” thanh khoản trên thị trường UPCoM khi chốt phiên sáng có 8,52 triệu đơn vị đương sang tay, đóng cửa tăng 0,7% lên 14.000 đồng. Tiếp theo là VGT với 4,6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng mạnh 6,3% lên 20.100 đồng. BVB và G36 là 2 mã có thanh khoản lớn tiếp theo với hơn 2 triệu đơn vị và đều đóng cửa tăng mạnh, trong đó BVB tăng 4,7% lên 13.300 đồng, còn G36 tăng tới 8% lên 14.800 đồng.

DDV cũng gây chú ý khi đóng cửa ở mức kịch trần 14.000 đồng, thanh khoản trên 1,5 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan