Gỡ khó cho doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ

(ĐTCK-online) Cuối năm 2008, không ít nhà đầu tư nhận "trái đắng" khi CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) đang lãi chuyển thành lỗ do biến động tỷ giá JPY/VND. PPC vay một lượng vốn lớn bằng đồng yên (JPY) với thời hạn trên 20 năm, nên mỗi biến động tăng tỷ giá đều ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, theo Thông tư số 201/2009/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 15/10/2009 về hướng dẫn xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá trong doanh nghiệp, PPC có thể không bị lỗ "bất thình lình" như vậy nữa.

Thông tư số 201/2009/TT-BTC có hai điểm đáng chú ý nhất. Một là, đối với chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh do việc đánh giá lại số dư cuối năm là: tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ ngắn hạn (1 năm trở xuống) có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập báo cáo tài chính thì không hạch toán vào chi phí hoặc thu nhập, mà để số dư trên báo cáo tài chính, đầu năm sau ghi bút toán ngược lại để xoá số dư (trước đây, các khoản chênh lệch tỷ giá này sẽ được tính vào thu nhập tài chính hoặc chi phí hoạt động tài chính trong kỳ).

Hai là, đối với khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ, doanh nghiệp phải đánh giá lại số dư cuối năm của các loại ngoại tệ. Sau khi bù trừ, trường hợp chênh lệch tăng tỷ giá hối đoái thì chênh lệch tỷ giá hạch toán vào chi phí tài chính trong năm và được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp hạch toán chênh lệch tỷ giá hối đoái vào chi phí làm cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bị lỗ thì có thể phân bổ một phần chênh lệch tỷ giá cho năm sau để doanh nghiệp không bị lỗ, nhưng mức hạch toán vào chi phí trong năm ít nhất cũng phải bằng chênh lệch tỷ giá của số dư ngoại tệ dài hạn phải trả trong năm đó. Số chênh lệch tỷ giá còn lại sẽ được theo dõi và tiếp tục phân bổ vào chi phí cho các năm sau, nhưng tối đa không quá 5 năm.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp có khoản vay bằng ngoại tệ thời hạn là 10 năm. Theo quy định trước đây, doanh nghiệp sẽ phải hạch toán toàn bộ chênh lệch tỷ giá do đánh giá số dư khoản vay thời hạn 10 năm này vào chi phí trong năm (nếu tỷ giá ngoại tệ tăng), điều này có thể dẫn đến việc doanh nghiệp lỗ lớn. Tuy nhiên, theo quy định mới, doanh nghiệp sẽ được hạch toán khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá số dư này vào chi phí trong vòng 1 đến 5 năm.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty Dịch vụ tư vấn Kế toán và Kiểm toán (AASC) cho biết, Thông tư số 201/2009/TT-BTC đã tháo gỡ một số bất hợp lý cho doanh nghiệp sử dụng ngoại tệ. Chẳng hạn, việc không hạch toán vào thu nhập, chi phí đối với chênh lệch tỷ giá do việc đánh giá lại số dư cuối năm của tiền mặt, tiền gửi, nợ ngắn hạn có nguồn gốc ngoại tệ hoặc cho phép hạch toán khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá số dư khoản nợ phải trả dài hạn vào chi phí hợp chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập doanh nghiệp là cần thiết, làm giảm công việc phải theo dõi từng khoản chênh lệch tỷ giá của kế toán, nhất là doanh nghiệp có nhiều khoản nợ bằng ngoại tệ. Hay việc cho doanh nghiệp được hạch toán phân bổ khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá số dư khoản vay có nguồn gốc ngoại tệ trong thời gian đến 5 năm sẽ giúp doanh nghiệp không bị biến động bất thường về kết quả kinh doanh khi tỷ giá ngoại tệ có sự thay đổi lớn.

Ông Nguyễn Khắc Sơn, Tổng giám đốc PPC cho biết, việc cho phép hạch toán chênh lệch tỷ giá hối đoái trong vòng 5 năm để kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không bị lỗ sẽ giải quyết được vấn đề doanh nghiệp không bị lỗ trên báo cáo kinh doanh. Vì về bản chất, doanh nghiệp vẫn có tăng trưởng và làm ăn có lãi. Khoản vay ngoại tệ dài hạn, nhưng trích lập toàn bộ chênh lệch tỷ giá vào cuối năm tài chính là không hợp lý. Tháo gỡ vướng mắc này là sự thay đổi thích hợp hơn, thực tế hơn. Ngày 20/9/2009, theo lịch trả nợ, PPC đã thanh toán kỳ trả nợ lần 2 của năm 2009 với số tiền gốc là 928.371.137 JPY. Khoản nợ vay có nguồn gốc ngoại tệ của Công ty đến thời điểm 30/9/2009 còn 34,349 tỷ JPY. Khoản vay này còn phải trả trong 19 năm.