Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Chinh phục mốc 550 điểm?

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Chinh phục mốc 550 điểm?

(ĐTCK) Với việc tâm lý thị trường đã được ổn định và thích nghi với thông tin biển Đông, cùng với nỗi lo giải chấp được giảm nhẹ, liệu thị trường có tăng điểm trong tuần để chinh phục mốc 550 điểm trong tuần tới? Nhà báo Hải Vân có cuộc trao đổi bàn tròn với các chuyên gia chứng khoán để tìm câu trả lời.

Tuần giao dịch vừa qua (12-16/5), thị trường tiếp tục giảm điểm do vẫn đề biển Đông, nhưng không còn mạnh như tuần trước. Tuy nhiên, tuần qua lại có những phiên “co giật” mạnh và khá “sốc”, các ông đánh giá thế nào về diễn biến của thị trường trong tuần qua?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK Maritime Bank (MSBS)

Các thông tin về biển Đông liên tục là chủ đề nóng trên các trang, báo ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư trong tuần qua. Tin xấu đã phản ánh vào việc sụt giảm giá quá mạnh của nhiều cổ về gần ngưỡng fibo 100%. Khi nhiều cổ phiếu giảm về mức giá hấp dẫn, thì dòng tiền nội và nhất là dòng tiền khối ngoại đã giải ngân mạnh mẽ.

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI)

Tuần qua, thị trường có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, trong đó, diễn biến đợt giảm mạnh vào đầu giờ giao dịch buổi chiều của phiên ngày 15/5, nhưng sau đó có sự hồi phục trở lại. Dù đóng cửa ngày 15/5, các chỉ số vẫn giảm, nhưng đã tạo tâm lý ổn định hơn cho nhà đầu tư khi vùng 510 - 515 trở thành ngưỡng hỗ trợ cứng và VN-Index 2 lần thử nhưng không xuyên thủng được.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS

Thị trường có tuần giao dịch với nhiều phiên tăng, giảm rất mạnh. Chỉ số VN-Index giảm điểm đầu tuần, tăng trở lại về nửa cuối tuần khi tiến gần ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật mạnh +/-500 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng tăng trở lại về nửa cuối tuần khi tiếp cận ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật của đường MA200 ngày.

Lực cầu bắt đáy đã có tín hiệu tích cực hơn và trải rộng hầu khắp toàn thị trường, khi đa số mã cổ phiếu đã về mức giá hấp dẫn trước giai đoạn tăng điểm từ đầu năm. Tuy nhiên, có thể nhìn thấy là lực mua chính trong tuần vừa rồi đến từ khối ngoại, trong khi tâm lý của nhà đầu tư nội vẫn còn chưa ổn định trở lại.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK IVS

Thị trường đã và đang dần ổn định trở lại và bằng chứng là nhà đầu tư đã không còn bị cuốn theo thị trường trong nhịp giảm mạnh ở phiên ngày 15/5 như từng xảy ra trong phiên 8/5 nữa. Điều đó cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã vững vàng và là tín hiệu rất đáng mừng.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng Phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC

Thông tin ảnh hưởng biển Đông dưới góc nhìn nhà đầu tư đã có chiều hướng dịu bớt căng thẳng. Nhà đầu tư đã có cái nhìn tích cực hơn với thị trường. Thể hiện qua khối lượng giao dịch bình quân đạt mức 100 triệu cổ phiếu/phiên.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MBS

Sau khi tạo lập vùng thấp nhất ở mốc 508,51 điểm, thị trường đã có tín hiệu hồi phục trở lại khi chốt phiên thứ Sáu ở mức 529,49 điểm với thanh khoản vẫn duy trì ở mức khá. Điều đó có nghĩa, lượng cung giá thấp ngắn hạn gần như đã cạn kiệt sau các đợt bán mạnh nhất trong 2 tuần trở lại đây. Bên cạnh đó, giá của nhiều cổ phiếu đã giảm về mức hấp dẫn cũng là một trong những yếu tố kích thích lòng tham của nhà đầu tư tham gia bắt đáy trở lại. Về cơ bản, tôi vẫn nhận thấy khả năng hồi phục của TTCK trong ngắn hạn. Các nhóm cổ phiếu cơ bản tốt (FPT, CSM, REE, SSI, HCM, HPG…) đã giảm sâu đã có tín hiệu tạo đáy ngắn hạn trong thời gian qua, đây là nhóm cổ phiếu và dẫn dắt xu hướng hồi phục của thị trường.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm Phân tích vĩ mô, CTCK VCBS

Sau khi đã có sự phục hồi tốt vào cuối phiên chiều ngày 15/5, thị trường tiếp tục có những chuyển biến tích cực hơn với 1 phiên tăng điểm mạnh trên cả 2 sàn vào cuối tuần. Trong bối cảnh tình hình về căng thẳng Biển Đông chưa có bước tiến rõ rệt, thì những dấu hiệu tích cực vào 2 phiên cuối tuần vừa qua cho thấy thị trường cũng như các nhà đầu tư đã và đang trở nên thích nghi hơn với các thông tin về vấn đề kể trên. Hay nói cách khác, tâm lý các nhà đầu tư đã ổn định, điều này cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì trong tuần giao dịch sắp tới nếu căng thẳng trên Biển Đông, mà theo tôi là nhiều khả năng, không có diễn biến xấu thêm.

Theo các ông, vấn đề biển Đông sẽ ảnh hưởng ra sao đến các doanh nghiệp ngành dầu khí, vận tải, du lịch...?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK Maritime Bank (MSBS)

Vấn đề tranh chấp biển Đông sẽ ảnh hướng ít nhiều đến các doanh nghiệp ngành dầu khí, vận tải, du lịch dưới góc độ hoạt động ổn định và trực tiếp đến lợi nhuận và doanh thu….

Vấn đề biển Đông hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong nước, mà còn đến các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam.

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI)

Theo đánh giá của cá nhân tôi, tranh chấp biển Đông sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, tình trạng gây rối, phá hoại của các phần tử xấu, tình trạng lợi dụng biểu tình, tuần hành để đập phá cướp bóc, trộm cắp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Theo tôi những ngành này khá bị ảnh hưởng bởi thông tin trên, nhưng chỉ cần tình hình ổn định lại thì những ngành này sẽ tăng lại rất nhanh so với mức trung bình thị trường và ngược lại sẽ bị giảm nhanh hơn mức trung bình thị trường bởi thông tin này.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm Phân tích vĩ mô, CTCK VCBS

Ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất có lẽ là vận tải biển và dịch vụ cảng biển, đặc biệt là liên quan đến tuyến đường vận tải đi ngang qua khu vực tranh chấp và các cảng ở miền Bắc và miền Trung.

Đối với ngành Dầu khí, do căng thẳng ở biển Đông liên quan trực tiếp đến ngành này, nên chắc chắn cũng sẽ chịu ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng, ảnh hưởng này mang tính chất tâm lý nhiều hơn do hiện tại, khu vực khai thác dầu khí chủ yếu là ở miền Nam và Đông Nam Việt Nam, như bể Cửu Long, Nam Côn Sơn và Malay-Thổ Chu… Thêm vào đó, các hoạt động nhập khẩu khí cũng chủ yếu liên quan đến các tuyến đường và đến các cảng chuyên dụng ở miền Nam, nhất là khu vực Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) hay Cà Mau.

Tuy GAS và 1 số công ty con đang có những hoạt động đầu tư nhằm phát triển cơ sở hạ tầng ở duyên hải miền Trung và nhất là khu vực Bắc Trung Bộ (gần với khu vực có tranh chấp), nhưng mới chỉ ở giai đoạn đầu và quy mô còn rất nhỏ. Nói cách khác, tình hình căng thẳng nói trên chỉ khiến hoạt động của GAS và các công ty con bị giãn, hoãn, chậm tiến độ chứ, chưa tác động ngay lên kết quả sản xuất kinh doanh trong quý II, cũng như trong 6 tháng cuối năm nay.

Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích CTCK BSC

Sự kiện biển Đông ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong các ngành liên quan như dầu khí, vận tải, du lịch. Nhưng đợt giảm điểm vừa qua, đa số các cổ phiếu đã về vùng giá của cuối năm 2013 và đầu năm 2014, nên nếu không có những diễn biến xấu hơn, thì các cổ phiếu thuộc các ngành này cũng sẽ tích lũy trở lại ở vùng VN-Index tương đương 525 điểm.

Trong khi nhiều nhà đầu tư quan ngại vấn đề giải chấp, thì nhiều công ty chứng khoán lại cho rằng, giải chấp không phải là vấn đề lớn vì áp lực margin hiện đang thấp. Các ông đánh giá sao về vấn đề này?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK Maritime Bank (MSBS)

Mối lo về giải chấp “Margin call” đã qua, nhà đầu tư nào buộc phải bán cũng đã bán và hiện tượng trên diễn ra chủ yếu vào tuần trước sẽ không còn tác động đến diễn biến thị trường trong tuần tới. Tôi cho rằng, giải chấp sẽ không là vấn đề đáng lo ngại nữa.

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI)

Ở thời điểm hiện tại, theo quan sát của chúng tôi, áp lực giải chấp hầu như không đáng kể. Có lẽ các nhà đầu tư sợ hãi trước tình trạng giá chứng khoán giảm mạnh, nên cảm thấy lo lắng. Thực tế, khi giá chứng khoán thấp thì áp lực giải chấp lại ít hơn khi giá chứng khoán ở đỉnh cao, vì tỷ lệ đòn bảy khi đó đã giảm xuống rất nhiều.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS

Qua quan sát diễn biến trên thị trường và cùng với đà tăng điểm của khá nhiều mã cổ phiếu, chúng tôi nhận thấy áp lực bán giải chấp đúng là đã giảm so với giai đoạn trước đây.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK IVS

Giải chấp vừa qua là có và nhiều nhà đầu tư đã mất sạch tiền cũng do bị giải chấp. Tôi thống kê và thấy rằng, mức độ ảnh hưởng nặng nề nhất chính là những cổ phiếu có tính đầu cơ, có hệ số beta cao khi mức giảm lên tới 50-60% từ mức đỉnh. Nhưng giai đoạn này thì tôi cho rằng, áp lực giải chấp là không nhiều nữa khi đa số nhà đầu tư đều tự tìm giải pháp an toàn nhất có thể.  

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Theo tôi, margin của các nhà đầu tư hiện nay có thể đang là mức cao nhất trong lịch sử. Nếu chúng ta xem 2 tuần giao dịch ở vùng 600 điểm gần cuối tháng 3 đầu tháng 4 thì đây là 2 tuần có khối lượng giao dịch nhiều nhất trong lịch sử 14 năm của TTCK Việt Nam. Nghĩa là số lượng người kẹp hàng không hề nhỏ và dĩ nhiên, nhờ có margin mới giúp giao dịch nhiều như thế.

Margin ở đây bao gồm các loại hình margin của CTCK, ngân hàng, nhà đầu tư vay mượn bên ngoài hoặc vay mượn lẫn nhau. Tuy nhiên, theo nguồn tin không chính thức trên thị trường, lượng margin bị “kẹp” này đã được giải chấp ít nhất hơn 50%, nên áp lực bị giảm đi rất nhiều. Bên cạnh đó, những dòng tiền lớn của các nhà đầu tư bự bán được vùng đỉnh đang quay trở lại cùng các nhà đầu tư nước ngoài thì đây sẽ là một lực đỡ mạnh cho thị trường trong thời điểm hiện tại. Bởi thế nếu tình hình biển Đông không xấu hơn, thì theo tôi, thị trường sẽ bắt đầu tích lũy và các nhà đầu tư nào không bị kẹt margin thì không nên bán nữa vào lúc này. Các nhà đầu tư cầm tiền có thể bắt đầu quan sát các điểm mua, chọn lọc danh mục đầu tư của mình và… quan sát cả những thông tin thị trường lẫn kinh tế xã hội trước khi đưa ra quyết định.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MBS

Tôi cho rằng, trong 10 công ty chứng khoán hàng đầu với thị phần bao phủ khoảng trên 90% thị trường đều đã có các động thái khuyến nghị khách hàng chủ động giảm tỷ lệ đòn bẩy trong giai đoạn vừa qua. Cùng với đó, một số công ty chứng khoán cũng đã xử lý force sell các tài khoản chạm đến vùng xử lý trong hai tuần gần đây nhất là khi nhiều cổ phiếu giảm hơn 30% chỉ trong một thời gian ngắn. Do đó, tôi cho rằng, áp lực giải chấp ngắn hạn là rất thấp và ngắn hạn nhà đầu tư cũng vẫn đang thận trọng chưa có nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm Phân tích vĩ mô, CTCK VCBS

Căn cứ vào diễn biến giao dịch của 2 phiên cuối tuần, thì có thể thấy biến động trong phiên không quá mạnh, áp lực bán dần được điều tiết tốt hơn. Hiện tượng bán tháo ồ ạt đã được hạn chế, thể hiện qua sự phục hồi của thị trường trong phiên 15/5, cùng lực cung ở vùng giá cao cũng được duy trì ở mức vừa phải trong phiên cuối tuần giữ nhịp tăng cho thị trường. Điều này cho thấy áp lực giải chấp trên thị trường lúc này dù có thể vẫn còn nhưng cũng đã được giải tỏa khá nhiều nếu so sánh với thời điểm trước đó một tuần khi thị trường mới bắt đầu lao dốc. Tôi cho rằng, áp lực này hiện tại chỉ ở mức vừa phải và nhiều khả năng sẽ không tạo ra hiệu ứng tiêu cực trên thị trường trong thời gian tới.

Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích CTCK BSC

Nhà đầu tư cũng đã rút ra nhiều kinh nghiệm từ các năm 2010, 2011 nên ngay cả trong đợt giảm vừa qua, áp lực margin call là không lớn. Hiện tại margin của các CTCK cũng đã giảm khá nhiều và về mức cuối năm 2013, do vậy, áp lực lên TTCK không lớn như giai đoạn VN-Index ở vùng 600 điểm.

Vẫn là câu hỏi quen thuộc, các ông nhận định như thế nào về thị trường và dự báo gì về dòng tiền trong tuần giao dịch tới (19-23/5)?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK Maritime Bank (MSBS)

Nếu tuần qua, chỉ số VN-Index tạo đáy kép lệch đóng cửa cuối phiên ở mức cao nhất, thì tuần tới nhiều khả năng sẽ là tuần tăng điểm của TTCK.

Mặc dù tranh chấp biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, cũng nhưng tình hình vĩ mô chưa có nhiều tin tốt hỗ trợ, thì tôi vẫn cho rằng, tuần tới sẽ có xu hướng tăng điểm là chủ đạo. Chỉ số VN-Index sẽ biến động tăng điểm quanh vùng 540 - 550 điểm với dòng tiền khối ngoại tiếp tục giải ngân tiếp vào nhiều cổ phiếu không chỉ những cổ phiếu lớn mà cả cổ phiếu vừa và nhỏ. Và phiên đóng cửa cuối tuần sau tôi kỳ vọng thị trường sẽ đứng trên ngưỡng 540 điểm.

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI)

Tình hình căng thẳng trên Biển Đông trong ngắn hạn có ảnh hưởng chủ yếu về mặt tâm lý. Phiên cuối tuần vừa qua, TTCK đã duy trì được sự hồi phục, giúp cho tâm lý sợ hãi của nhà đầu tư được giải tỏa, do vậy, dự báo trong tuần 19/5-23/5, TTCK có sự hồi phục, VN-Index sẽ hướng tới vùng 550-560 điểm.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS

Với diễn biến phục hồi kỹ thuật nửa cuối tuần qua, chỉ số VN-Index đã tăng lên trên đường MA200 ngày và đang dao động tích lũy quanh mốc hỗ trợ này. Diễn biến thị trường tăng điểm với độ rộng cao cho tín hiệu tích cực về lực cầu bắt đáy. Thị trường có thể tiếp tục tăng điểm với ngưỡng cản kỹ thuật gần nhất của VN-Index là khoảng +/-550 điểm, của HNX-Index là khoảng +/-74 điểm. Tuy nhiên, tâm lý giao dịch ngắn hạn dự báo vẫn ở mức cao, khi vấn đề biển Đông chưa được giải quyết và thị trường chưa xuất hiện xu hướng tích lũy tin cậy.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK IVS

Với đà hồi phục nhẹ vào phiên cuối tuần, tôi cho rằng, thị trường tuần sau sẽ tích cực hơn. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn có thiên hướng đề phòng rủi ro có thể xảy đến nên nhìn chung giao dịch sẽ ở mức bình thường và chưa có nhiều đột biến. Có khả năng tuần này, cổ phiếu sẽ phân hóa, tăng mạnh hay yếu tương ứng với chính nhịp giảm vừa qua.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng Phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC

VN-Index tuần tới dự báo phục hồi tăng điểm lên quanh mức 545 điểm.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Nếu tình hình không có gì xấu hơn theo tôi thị trường sẽ bắt đầu giai đoạn tích lũy và dần dần đi lên theo chu kỳ tăng giá mới. Và tuần này sẽ là tuần bắt đầu với chu kỳ đó. Nhà đầu tư nên quan sát kỹ mốc hỗ trợ 500-505 điểm, nếu vùng này được giữ vững thì thị trường sẽ tích lũy dần để bắt đầu sóng tăng mới.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MBS

Tôi cho rằng, thông tin xấu tác động tới thị trường gần như đã phản ứng đủ vào diễn biến thị trường trong 2 tuần gần đây. Do đó, sau khi các phản ứng quá đà giảm bớt, thị trường sẽ hồi phục và thiên về khả năng đi ngang với biên độ dao động của chỉ số sẽ hẹp dần trong tuần tới.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm Phân tích vĩ mô, CTCK VCBS

Thị trường trong khoảng 1 tuần trở lại đây đã bị giảm mạnh và quá bán, chủ yếu do tâm lý hoảng loạn của các nhà đầu tư. Theo đó, việc tâm lý ổn định trở lại sẽ tạo động lực cho thị trường phục hồi, đây cũng là kịch bản tôi kỳ vọng trong tuần tới. Tuy nhiên, khi những rủi ro phi hệ thống vẫn đang tồn tại và ở mức cao, thì việc thị trường có thể hấp dẫn được dòng tiền mạnh ở vùng giá cao hơn so với hiện tại là không dễ dàng. Như vậy, sự phục hồi nếu xảy ra cũng sẽ khó hình thành nên một đà tăng mạnh trong ngắn hạn.

Nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài và tự doanh CTCK đang tận dụng cơ hội để mua vào bởi nhờ những đợt sụt giảm mạnh như vừa qua mà giá cổ phiếu đã về đến mức rất hấp dẫn. Quan điểm của các ông?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK IVS

Tôi đã làm thống kê và thấy rằng, nhịp giảm mạnh vừa qua đã khiến giá của rất nhiều cổ phiếu sụt giảm xuống mức rất thấp, thậm chí có mã tạo mức giá thấp nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây. Trong số này có cả những cổ phiếu bluechips như BVH, DPM... Chỉ số P/E của sàn HOSE giờ chỉ còn gần 13 và đó là lý do vì sao mà nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tận dụng cơ hội để mua vào.

Có một đặc điểm là ở những phiên giảm điểm mạnh thì thanh khoản lại tăng vọt và câu hỏi đặt ra là liệu đó là do nhà đầu tư nhỏ lẻ mua? Còn với khối ngoại, họ cũng làm điều tương tự khi mua ròng khá lớn, tầm 300 tỷ đồng mỗi phiên và trong vòng 1 tháng vừa qua, thì mức mua ròng đã đạt gần 2.000 tỷ trên sàn HOSE.

Cơ hội mua được cổ phiếu tốt với mức giá hấp dẫn đã mở ra, nhưng trong ngắn hạn thì mọi thứ vẫn khó lường và không phải mã nào cũng nên mua vào. Lúc này, nhà đầu tư cần phải có một kế hoạch thật cụ thể, không nên sử dụng đòn bẩy tài chính quá mạnh, lại không có kỷ luật để tránh những yếu tố bất ngờ có thể xảy ra tiếp theo.  Những vấn đề trên biển Đông là điều không ai có thể dự báo được và tâm lý của nhà đầu tư vẫn còn lo ngại về điều này. Chúng ta hy vọng mọi điều tốt đẹp sẽ diễn ra và căng thẳng trên sớm được giải quyết.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng Phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC

Động thái này khá rõ ràng khi các nhà đầu tư nước ngoài và tự doanh đã liên tục mua ròng khi thị trường giảm điểm các phiên vừa qua. Một số cổ phiếu đã về mức hấp dẫn để đầu tư trung và dài hạn. Do đó, các nhà đầu tư tổ chức đã mua vào. Đây cũng là lực cầu tốt và giúp chặn đà giảm mạnh của thị trường trong thời gian qua.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MBS

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng mạnh trên cả hai sàn trong tuần qua với hơn 3 phiên mua ròng trên 200 tỷ đồng. Tính chung kể từ đầu tháng 5, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng trên 1.500 tỷ đồng trên cả 2 sàn. Động thái này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài gần như không hề có yếu tố lo ngại hoặc rút vốn và quan điểm kỳ vọng về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp cũng như kinh tế Việt Nam là không thay đổi. Do đó, khi thị trường giảm về mức hợp lý là cơ hội để họ mua vào các cổ phiếu tốt với mức giá hấp dẫn.

Vậy theo các ông, nhà đầu tư nên lưu tâm đến nhóm cổ phiếu nào trong thời điểm này?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK Maritime Bank (MSBS)

Nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng hạ tầng, nhóm cổ phiếu chứng khoán, điện, dầu khí vẫn sẽ là nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền trong tuần tới khi mà dòng tiền giải ngân của khối ngoại chưa có dấu hiệu giảm.

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI)

Trong ngắn hạn thị trường sẽ có sự hồi phục chung, nhóm cổ phiếu đầu cơ giảm mạnh trước đây với mức giảm 50-60% sẽ có sự hồi phục tốt hơn. Tuy vậy, các nhà đầu tư cũng cần cân nhắc sự bền vững của đợt hồi phục này. Trên quan điểm thận trọng, tôi cho rằng, nhà đầu tư nên quan tâm nhiều hơn tới các cổ phiếu cơ bản.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS

Do thị trường hiện đang trong giai đoạn biến động mạnh và vẫn còn những rủi ro ngắn hạn khó lường trước, chúng tôi duy trì quan điểm nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên tham gia thị trường.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK IVS

Như tôi đã nhắc đến ở trên, dù giá đã giảm, nhưng không phải mã nào cũng mua được. Nhà đầu tư cần có kế hoạch rất cụ thể và tìm kiếm, phân tích thấu đáo những mã có nền tảng cơ bản tốt, có yếu tố kinh doanh thuận lợi để đầu tư. Tình hình biển Đông cũng sẽ có tác động lớn tới tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp đang làm ăn với Trung Quốc và đây cũng là yếu tố mà nhà đầu tư cần lưu ý.

Khi yếu tố bất lợi qua đi, mọi chuyện trở nên tốt đẹp thì thường nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ sẽ lại hút dòng tiền. Nhưng giai đoạn này, những rủi ro về mặt tâm lý vẫn có thể xảy ra nên việc mua mạnh cổ phiếu đầu cơ cần hết sức thận trọng.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng Phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC

Theo quan điểm của tôi, đây là đợt phục hồi kỹ thuật, do đó, nhà đầu tư ngắn hạn quan tâm tới các nhóm cổ phiếu sụt giảm mạnh như bất động sản và chứng khoán.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Các mã thuộc ngành bất động sản, tài chính, ngân hàng, chứng khoán đang hút được dòng tiền nhất, bên cạnh đó, những mã thuộc tất cả các ngành đã giảm sâu nhất, mạnh hơn mức trung bình trung kể cả bluechips lẫn pennies là những mã có khả năng bật lại nhanh hơn như một lò xo bị nén mạnh hơn. 

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MBS

Thanh khoản phiên cuối tuần bắt đầu có tín hiệu tăng khá trở lại so với hai phiên trước đó, cầu bắt đáy vào mạnh khiến nhiều cổ phiếu tăng trần trở lại đặc biệt tập trung vào hai nhóm cơ bản tốt (SSI, HAG, CSM, HSG, FPT...) và nhóm cổ phiếu đầu cơ đã giảm nhiều (DCS, APS, HUT, HQC, KBC, DLG...). Dòng tiền đầu cơ đã có xu hướng trở lại mạnh mẽ khi nhiều cổ phiếu đầu cơ đã giảm từ 40 - 50% cho thấy, dòng tiền nóng ngắn hạn sẽ là yếu tố giúp thị trường tiếp tục hồi phục.

Các nhóm ngành chúng tôi khuyến nghị có thể xem xét giải ngân cho trung và dài hạn dựa trên yếu tốt cơ bản bao gồm như săm lốp (CSM, DRC...), dược phẩm (DCL, DMC...), dệt may (TCM, TNG...), thép (HPG, HSG...), bất động sản (HAG, KBC, HUT...), công nghệ (FPT…).

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm Phân tích vĩ mô, CTCK VCBS

Với việc thị trường vừa trải qua một đợt trượt giảm mạnh kết hợp với một số tín hiệu củng cố cho kỳ vọng về kịch bản phục hồi trong tuần tới, theo tôi, các nhà đầu tư nên lưu tâm nhóm các cổ phiếu trụ cột đầu ngành, có cơ bản tốt cũng như thanh khoản cao và đã giảm sâu. Nhóm cổ phiếu này được dự báo sẽ là nhóm dẫn dắt cho đà phục hồi của thị trường cũng như tiếp tục nhận được lực nâng từ dòng vốn ngoại. Tuy nhiên các nhà đầu tư ngắn hạn cũng chỉ nên đặt lợi nhuận kỳ vọng ở mức vừa phải và cần tuân thủ kỷ luật chặt chẽ.

Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích CTCK BSC

Sau đợt giảm giá sâu nhiều cổ phiếu để về vùng giá hấp hẫn, hoạt động đầu tư do vậy phụ thuộc vào mức độ chịu đựng rủi ro của từng nhà đầu tư với chiến lược đầu tư thận trọng với định hướng như sau:

Nhà đầu tư đề cao sự an toàn: Đây chưa phải là thời điểm thích hợp để mở vị thế mua mới, tránh mua đuổi trong những phiên tăng giá, đồng thời tận dụng cơ hội để hạ tỷ trọng margin đặc biệt là những cổ phiếu thuộc nhóm đầu cơ.

Nhà đầu tư chấp nhận mạo hiểm (tỷ trọng tiền mặt đang lớn): Với những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro lớn hơn, không nên quá bi quan và có thể bắt đầu giải ngân với tỷ trọng tùy tình trạng tài khoản. Tuy nhiên, tôi cũng khuyến nghị nên chia tiền để mua từng phần và giữ tỷ trọng thấp hơn 50%, đồng thời không mua đuổi trong những phiên tăng điểm mạnh, tránh rủi ro T+.

-----------------------------

“Tình hình biển Đông sẽ ảnh hướng ít nhiều đến các doanh nghiệp ngành dầu khí, vận tải, du lịch dưới góc độ hoạt động ổn định và trực tiếp đến lợi nhuận và doanh thu…” - ông Lê Đức Khánh.

-------------------------------------------

“Thực tế, khi giá chứng khoán thấp thì áp lực giải chấp lại ít hơn khi giá chứng khoán ở đỉnh cao, vì tỷ lệ đòn bảy khi đó đã giảm xuống rất nhiều” - ông Lê Đắc An.

------------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Chinh phục mốc 550 điểm? ảnh 3
“Giải chấp vừa qua là có và nhiều nhà đầu tư đã mất sạch tiền cũng do bị giải chấp. Tôi thống kê và thấy rằng, mức độ ảnh hưởng nặng nề nhất chính là những cổ phiếu có tính đầu cơ, có hệ số beta cao khi mức giảm lên tới 50-60% từ mức đỉnh” - ông Nguyễn Hữu Bình.  

-----------------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Chinh phục mốc 550 điểm? ảnh 4

“Thị trường có thể tiếp tục tăng điểm với ngưỡng cản kỹ thuật gần nhất của VN-Index là khoảng +/-550 điểm, của HNX-Index là khoảng +/-74 điểm”
- ông Ngô Thế Hiển.

----------------------------------

“Theo quan điểm của tôi, đây là đợt phục hồi kỹ thuật, do đó, nhà đầu tư ngắn hạn quan tâm tới các nhóm cổ phiếu sụt giảm mạnh như bất động sản và chứng khoán” - ông Nguyễn Nhật Cường.

-------------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Chinh phục mốc 550 điểm? ảnh 5

“Theo tôi, margin của các nhà đầu tư hiện nay có thể đang là mức cao nhất trong lịch sử” -
ông Phan Dũng Khánh.

----------------------------------

“Tôi cho rằng, áp lực giải chấp ngắn hạn là rất thấp và ngắn hạn nhà đầu tư cũng vẫn đang thận trọng chưa có nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều” - ông Trần Hoàng Sơn.

---------------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Chinh phục mốc 550 điểm? ảnh 7

“Hiện tại, margin của các CTCK cũng đã giảm khá nhiều và về mức cuối năm 2013, do vậy, áp lực lên TTCK không lớn như giai đoạn VN-Index ở vùng 600 điểm”
- ông Trần Thăng Long.

--------------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Chinh phục mốc 550 điểm? ảnh 8

“Khi những rủi ro phi hệ thống vẫn đang tồn tại và ở mức cao, thì việc thị trường có thể hấp dẫn được dòng tiền mạnh ở vùng giá cao hơn so với hiện tại là không dễ dàng”
- ông Trần Minh Hoàng.
Tin bài liên quan